Có 4 điều ở tuổi xế chiều ai cũng sợ phải đối mặt nhưng không dám nói ra

4 mất mát này là quy luật cuộc sống nên không thể tránh khỏi, chúng ta chỉ còn cách chấp nhận và đối mặt với nó.

*Dưới đây là bài chia sẻ của một tác giả giấu tên, được đăng trên trang Aboluowang thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả.

Cuộc sống này vô thường, ai trong chúng ta cũng phải trải qua những mất mát khác nhau.

Nhỏ thì mất một thỏi son, một cặp kính hoặc mất đi thú cưng, lớn thì mất người thân, một người bạn hay công việc mơ ước. Buồn bã, khó chịu, thậm chí rơi vào bế tắc là những cảm xúc không thể tránh khỏi. Nhưng đến tuổi xế chiều, người ta mới dần hiểu rằng so với những mất mát trước đó, thì những mất mát sau này còn to lớn hơn nhiều.

1. Mất cơ hội thăng tiến trong công việc

Gần đây, một cậu bạn thân hay gọi điện than thở với tôi rằng cậu ấy đang bế tắc trong sự nghiệp. Tôi khuyên cậu đừng nản lòng. Cậu cười khổ rồi nói: “Ở tuổi 40, đây là cơ hội thăng tiến cuối cùng rồi, nếu để vuột mất thì chắc là không còn cơ hội nào nữa, bởi sau này để cạnh tranh được với lớp trẻ là rất khó.

Đi lên từ hai bàn tay trắng, cậu ấy đã phải nỗ lực rất nhiều để có được ngày hôm nay. Ấy vậy mà khi giấc mơ ngày trẻ chưa thành đã phải chấp nhận thực tại tàn nhẫn. Dù đau khổ hay thất vọng cũng khó lòng thay đổi được. Tôi hiểu điều đó nên cũng chẳng biết an ủi cậu ra sao.

Nhà triết học William James từng nói: “Chúng ta nên chấp nhận những chuyện đã xảy ra. Việc chấp nhận thực tại chính là bước đầu tiên để qua mọi bất hạnh sau này.”

Học cách chấp nhận những sự thật không thể thay đổi và tự mình tìm ra lối thoát cũng là một kiểu khôn ngoan trong cuộc sống này. Một nhà hiền triết khác cũng từng nói: “Thay đổi những thứ có thể thay đổi chính là dũng cảm. Chấp nhận những thứ không thể thay đổi được đó là khoan dung. Chỉ có người khôn ngoan mới có thể phân biệt được sự khác biệt giữa hai điều đó”.

Suy cho cùng, sự nghiệp chỉ là một phần của cuộc sống. Dù đi được bao xa thì mục tiêu chính vẫn là sống một cuộc đời viên mãn và hạnh phúc hơn. Sau nửa đời người chăm chỉ làm việc, khi đã bước sang độ tuổi trung niên, giờ đây hãy để mọi việc thuận theo dòng chảy tự nhiên, không đòi hỏi, cũng chẳng cưỡng cầu. Hãy tìm cho mình điểm tựa tinh thần đích thực, sống thật tốt ở hiện tại, chẳng cần ganh đua với ai nữa, chỉ cần tìm cho mình những an yên ở đời, vậy là đủ rồi.

2. Nhìn con cái trưởng thành, dần rời xa vòng tay mình

Một lần, tôi được mời tham gia lễ cưới của con trai người bạn thân nhất. Trong lễ đường, giây phút chú rể nắm chặt tay cô dâu và nói: “Kể từ nay về sau, anh muốn được cùng em ăn tối, cùng ngắm bình minh… che chở cho em, cùng em đi qua mọi giông tố trong cuộc đời”, bạn tôi đã bật khóc.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy bạn tôi khóc sau hơn 20 năm quen biết.

Trước đây, cho dù là trải qua bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống, cô bạn của tôi cũng chưa từng một lần đổ lệ. Cuối cùng, chính khoảnh khắc thiêng liêng này đã khiến người phụ nữ mạnh mẽ ấy trở nên yếu lòng. Sau đám cưới, tôi đùa với cô bạn mình rằng: “Người ta kết hôn chỉ có mẹ cô dâu mới khóc. Nhà cậu có thêm người, tại sao lại phải khóc chứ?”.

Cô ấy nói: “Tớ vẫn luôn nghĩ rằng thằng bé còn nhỏ, thế mà giờ đây đã khôn lớn thật rồi. Không ngờ thời gian trôi nhanh đến vậy”.

Quả thực, sự trưởng thành của một đứa trẻ dường như rất nhanh, mới ngày nào còn dắt con đi nhà trẻ mà giờ đã đến tuổi thành gia lập thất rồi. Nhìn thấy con khôn lớn, người cha người mẹ nào mà chẳng vui mừng hạnh phúc, thế nhưng vẫn lẫn chút buồn tủi ở trong.

Tôi đã đọc ở đâu đó câu nói này: “Duyên phận giữa cha mẹ và con cái là luôn có người đứng ở phía sau để nhìn một người dần dần rời xa”.

Cho dù như thế nào, cha mẹ vẫn mãi dõi theo con cái của mình, từ hành trình này đến hành trình khác. Dù đã sẵn sàng hay chưa thì vẫn thầm cầu nguyện và chúc phúc trong lòng. Loại mất mát này, có lẽ là thứ mà chúng ta can tâm tình nguyện nhất trong đời.

3. Sức khỏe giảm sút

Khi bước qua tuổi trung niên, nhiều người chợt nhận ra rằng sức khoẻ đang có dấu hiệu giảm sút. Trước đây thức cả đêm, sáng sớm vẫn có thể làm việc, bây giờ đi ngủ muộn một hôm đã thấy không đủ sức làm việc nữa rồi.

Trước đây, cả năm chẳng cần động đến viên thuốc nào, tôi vẫn hài lòng nghĩ rằng mình còn khoẻ, ăn uống hay sinh hoạt đều không kiêng khem điều gì. Cho đến mùa đông năm ngoái, tôi bị đau ruột thừa và phải nhập viện. Mặc dù ca mổ diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng hồi phục, nhưng rõ ràng tôi cảm thấy sức khoẻ của mình không còn tốt như trước. Không những thế, bây giờ tôi còn phải đề phòng mấy căn bệnh ở tuổi trung niên. Cuối cùng thì cũng đến lúc con người này dần phải đầu hàng với thực tại và bắt đầu đối xử tốt hơn với cái thân xác phàm trần này.

Do đó, đừng nghĩ mình còn trẻ mà cho phép bản thân thức khuya, chỉ cần một vấn đề nhỏ xảy ra cũng sẽ khiến sức khoẻ bạn bị ảnh hưởng rất nhiều. Hãy yêu quý và trân trọng thân thể của mình từ bây giờ. Nên ăn uống hợp lý, tập thể dục thường xuyên, không thức khuya, giữ tâm trạng vui vẻ, đừng cáu kỉnh nữa. Bởi thay vì tranh đấu như ngày trẻ, khi bước đến độ tuổi trung niên, người ta phải mặc cả với cái chết hết lần này đến lần khác. Đừng để đến phút cuối rồi mới hối hận, nhận ra thì đã không kịp nữa rồi.

4. Nói lời vĩnh biệt với cha mẹ

Vài ngày trước, tôi đi dự đám tang mẹ của một người bạn. Tại đám tang đó, người bạn già đã bật khóc nức nở như một đứa trẻ làm tôi cũng không kìm được nước mắt. Khi đến tuổi trung niên, bạn sẽ nhận ra rằng đây có lẽ là sự mất mát lớn nhất trong cuộc đời một con người.

Sau 40 tuổi, dường như năm nào tôi cũng dự vài đám tang người thân của bạn bè và đồng nghiệp. Cha mẹ đã già, không còn chịu được sương gió, một cái lạnh bình thường cũng đủ khiến bố mẹ không còn yên giấc, thậm chí có thể vĩnh viễn rời xa chúng ta.

Nam diễn viên nổi tiếng Trung Quốc Đặng Siêu từng khiến nhiều người xúc động với bài đăng gửi người cha đã mất của mình trên Weibo vào Ngày của cha: “Bố ơi, con vừa thử gọi vào số điện thoại của bố, đầu dây bên kia chẳng có ai nhấc máy, nhưng con vẫn mong có ai đó trả lời. Dù là người lạ, con cũng sẽ lắng nghe bố à. Chúc bố một ngày lễ vui vẻ, con yêu bố !”

Từ nhỏ, Đặng Siêu với bố vốn không hòa hợp bởi bản tính của anh vốn bướng bỉnh trong khi bố lại vô cùng sự nghiêm khắc. Sau này khi lớn lên, cuối cùng anh cũng hiểu được tấm lòng của đấng sinh thành nên đã nỗ lực để có được thành công như ngày hôm nay. Thế nhưng khi anh có đủ điều kiện để báo hiếu thì bố đã đột ngột qua đời. Đây có lẽ là chuyện nuối tiếc nhất trên đời, con cái muốn báo hiếu nhưng cha mẹ lại không còn nữa.

Con người ở tuổi trung niên, dù thành đạt hay bình thường đều nhìn thấu sinh, lão, bệnh, tử ở đời. Vì vậy chúng ta cần phải trân quý từng giây phút khi cha mẹ còn sống và cũng phải cố gắng sống thật tốt để cha mẹ yên lòng.

Mất mát vốn là một trong những quy luật của cuộc sống. Khi lớn lên, chúng ta cuối cùng phải học cách đối mặt với những điều này. Ở một góc độ nào đó, chính những mất mát đó đã khiến chúng ta thực sự trưởng thành và vững vàng hơn trong cuộc sống. Vì vậy, cả cuộc đời này, tôi mong bạn hãy trân trọng những gì mình đang có, đừng sợ mất đi mà hãy sống thật tốt, đón nhận thế giới một cách ấm áp, rồi thế giới cũng sẽ ấm áp lại với bạn.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/co-4-dieu-o-tuoi-xe-chieu-ai-cung-so-phai-doi-mat-nhung-khong-dam-noi-ra-d171743.html