Áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông sắp thành bão lớn, đường đi rất giống Yagi, có thể đi qua miền Bắc Việt Nam

Nếu kịch bản này xảy ra, Hà Nội và nhiều tỉnh thành miền Bắc có thể hứng chịu mưa to và gió lớn do bão đi qua hoặc sát khu vực này.

Theo Thanh niên Việt dẫn theo Inquirer, vào ngày 16/7/2025, vùng áp thấp nằm trong khu vực trách nhiệm của Philippines (PAR) đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới Crising. Đây là cơn bão nhiệt đới thứ ba trong năm 2025 và là cơn bão thứ hai trong tháng 7, đặt ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với quần đảo Philippines. Các cơ quan chính phủ và các nhà khí tượng học đang theo dõi chặt chẽ diễn biến và quỹ đạo của cơn bão này.

Theo Cơ quan Quản lý Dịch vụ Khí quyển, Địa vật lý và Thiên văn Philippines (PAGASA), tính đến giữa ngày 16/7, tâm bão Crising cách Virac, Catanduanes khoảng 725 km về phía Đông. Bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 35 km/h, sức gió duy trì tối đa 45 km/h và giật mạnh 55 km/h. Dự báo Crising sẽ mạnh lên thành bão nhiệt đới vào thứ Năm (17/7). Thậm chí, bão có thể mạnh thêm thành bão nhiệt đới nghiêm trọng khi tiến đến khu vực Bắc Luzon vào khoảng ngày 18/7.

Crising được dự báo sẽ gây mưa lớn và giông bão chủ yếu ở khu vực Bicol, Đông Visayas, quần đảo Dinagat và Surigao del Norte. Lượng mưa dự kiến dao động từ 50 đến 100 mm ở một số tỉnh, bao gồm Camarines Norte, Albay, Sorsogon và Bắc Samar. Mặc dù Crising hiện tại tương đối yếu, PAGASA giải thích rằng việc nó mạnh lên dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm lượng mưa lớn do gió mùa Tây Nam ( habagat ) gây ra. Hiện tượng này tiếp tục ảnh hưởng đến Metro Manila và các khu vực lân cận như Cavite, Laguna và Batangas.

Hệ thống thời tiết kép này có thể duy trì bầu trời nhiều mây và khả năng mưa cao trên diện rộng khắp cả nước cho đến cuối tuần. Các cơ quan khí tượng quốc tế như Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) và Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cũng đang theo dõi chặt chẽ hệ thống này. Họ giám sát tiềm năng mạnh lên và đường đi của nó khi di chuyển qua Tây Thái Bình Dương về phía Philippines.

Theo cơ quan dự báo thời tiết của Philippines, áp thấp nhiệt đới “Crising” sẽ mạnh lên thành bão nhiệt đới vào thứ năm (ngày 17 tháng 7).

Các mô hình toàn cầu đều thống nhất: bão Crising sẽ tiếp tục di chuyển về phía Tây Bắc, mạnh dần lên và dự kiến đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 năm 2025.

Đường đi của bão Crising được dự báo khá giống bão Yagi năm ngoái. Các mô hình ICON (Đức) và ECMWF (châu Âu) dự báo bão có thể tiếp cận bờ biển miền Bắc Việt Nam vào khoảng ngày 22/7 và đổ bộ.

Nếu kịch bản này xảy ra, Hà Nội và nhiều tỉnh thành miền Bắc có thể hứng chịu mưa to và gió lớn do bão đi qua hoặc sát khu vực này.

Mới đây, theo báo Tiền Phong đưa tin, vào 1h ngày 18/7, tâm bão trên vùng biển phía đông đảo Luzon của Philippines với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Những giờ qua, bão di chuyển theo hướng tây bắc với tốc độ khoảng 20km/h.

Dự báo trong đêm nay, rạng sáng mai (19/7), bão sẽ vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 năm nay.

Khi vào Biển Đông, nhờ điều kiện thuận lợi do mặt biển rất ấm, bão số 3 được nhận định sẽ tăng cấp nhanh, trở thành cơn bão rất mạnh trong năm nay.

Kịch bản có xác suất cao nhất hiện nay là bão di chuyển rất nhanh, hướng về bán đảo Lôi Châu của Trung Quốc, sau đó đi men theo phía bắc của vịnh Bắc Bộ, trước khi đổ bộ gần khu vực biên giới Việt Nam – Trung Quốc rồi đi sâu vào đất liền miền Bắc nước ta trong khoảng đầu tuần tới.


Dự báo về đường đi của bão WIPHA.

Cụ thể, trong 24 giờ (tính từ 1h ngày 18/7), bão di chuyển theo tây bắc với tốc độ nhanh, mỗi giờ đi được khoảng 20km và tiếp tục mạnh thêm.

Đến 1h ngày 19/7, tâm bão trên vùng biển phía bắc đảo Luzon của Philippines với cường độ cấp 8-9, giật cấp 11.

Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km, có khả năng đi vào Biển Đông và mạnh thêm.

Đến 1h ngày 20/7, tâm bão trên khu vực Bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 740 km về phía đông đông nam với cường độ cấp 10, giật cấp 12.

Trong 48-72 giờ tiếp theo, bão di chuyển ổn định theo hướng tây tây bắc, vẫn giữ tốc độ 20-25km/h và tiếp tục mạnh thêm.

Đến 1h ngày 21/7, tâm bão chỉ còn cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 220km về phía đông. Lúc này bão số 3 trở thành cơn bão rất mạnh với cường độ cấp 11, giật cấp 14.

Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, có thể đi qua bán đảo Lôi Châu tiến về vịnh Bắc Bộ trước khi đổ bộ đất liền.

Do ảnh hưởng của bão số 3, từ chiều nay, vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh lên cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao 2,5-3,5m. Biển động mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Do tính chất rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến miền Bắc nước ta vào đầu tuần tới, dù bão chưa vào Biển Đông nhưng ngay chiều nay (18/7), Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức họp ứng phó với bão với sự tham dự của tất cả các cơ quan liên quan và báo chí.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/ap-thap-nhiet-doi-gan-bien-dong-sap-thanh-bao-lon-duong-di-rat-giong-yagi-co-the-di-qua-mien-bac-viet-nam-d304919.html