Trong cuộc sống hàng ngày, vệ sinh sạch sẽ nhà cửa bao gồm các thiết bị gia dụng, nội thất, đồ trang trí như thảm trải sàn,… đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp chúng ta có môi trường sinh hoạt sạch sẽ, tránh nhiều rủi ro liên quan tới bệnh tật như dị ứng, bệnh hô hấp, bệnh ngoài da và cả bệnh UT.
Theo đó, có hai thiết bị trong gia đình rất dễ trở thành nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh UT nếu không được thường xuyên làm sạch đúng cách. Đó là:
1. Tủ lạnh
Nhiều người tin rằng thực phẩm trong tủ lạnh luôn “an toàn”, bất kể loại thực phẩm nào, và thường bảo quản những món ăn thừa trong tủ lạnh. Tuy nhiên, theo “Báo cáo sức khỏe gia đình” của Hội đồng sức khỏe toàn cầu, tủ lạnh là nơi bẩn thứ hai trong nhà, chứa đến 11,4 triệu vi khuẩn trên mỗi cm vuông, thậm chí còn bẩn hơn nhà vệ sinh. Điều này có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi tủ lạnh rõ ràng được sử dụng để lưu trữ thực phẩm, vậy tại sao lại bẩn như vậy?
Tủ lạnh vốn là thiết bị hỗ trợ lưu trữ thực phẩm lâu hơn. Chính vì điều này mà rất nhiều gia đình sử dụng tủ lạnh để bảo quản thức ăn còn thừa sau mỗi bữa ăn bằng màng bọc thực phẩm, các loại hộp nhựa, hộp thủy tinh,…
Bảo quản thực phẩm trong màng bọc, túi nilong, hộp nhựa kém chất lượng (chẳng hạn như làm từ nhựa polyvinyl clorua) có thể khiến chất nhựa dẻo này thấm dần vào thực phẩm, một khi tích tụ đủ lớn sẽ dẫn tới nguy cơ UT cao.
Tủ lạnh kém vệ sinh và bảo quản thực phẩm không đúng cách làm tăng nguy cơ phát triển vi khuẩn, nấm mốc gây UT (Ảnh: Reddit)
Theo Sohu, nhiều khảo sát cho thấy tủ lạnh đứng thứ hai trong danh sách ô nhiễm nghiêm trọng trong gia đình. Chúng không chỉ sinh ra nhiều loại vi khuẩn mà thậm chí còn có thể khiến nấm mốc sinh sôi và lây lan khi thức ăn và thực phẩm bảo quản không đúng cách trong thời gian dài.
Đặc biệt nấm mốc, có thể phát triển từ hoa quả, các loại ngũ cốc hay thức ăn hỏng, là một trong những nguyên nhân gây UT nghiêm trọng. Năm 1993, aflatoxin được cơ quan nghiên cứu UT của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào loại chất gây UT loại I. Aflatoxin B1 độc hơn asen 68 lần và độc hơn 75 lần so với chất gây UT dimethylnitramine.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 1 miligam aflatoxin là đủ để gây UT và một người trưởng thành sẽ chết nếu nuốt phải 20 miligam aflatoxin cùng một lúc.
Các vi khuẩn gây bệnh trong tủ lạnh chủ yếu bao gồm Salmonella, Listeria, Escherichia coli, Staphylococcus aureus… Nhiều người nghĩ rằng vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt trong môi trường lạnh.
Tuy nhiên, thực tế là một số loại vi khuẩn vẫn có thể sống sót trong môi trường từ 0 đến -45 độ C. Mặc dù tủ đông có thể ngừng sự phát triển của vi khuẩn và khiến chúng “ngủ đông”, nhưng nó không thể khử trùng. Do đó, khuyến cáo là nên bảo quản thực phẩm trong các hộp thủy tinh hoặc bao bọc kín trước khi cho vào tủ lạnh để giảm thiểu nguy cơ vi khuẩn lây nhiễm.
Tủ lạnh là nơi sinh sống của hai nhóm vi khuẩn chính: vi khuẩn gây bệnh và vi khuẩn gây hỏng thực phẩm.
Vi khuẩn gây bệnh có thể phát triển nhanh chóng trong thực phẩm ở nhiệt độ từ 5-60 độ C, nhưng chúng thường không làm thay đổi mùi vị, màu sắc hay hình thức của thực phẩm. Vì vậy, người ta không thể nhận biết sự hiện diện của mầm bệnh chỉ qua vẻ ngoài của thực phẩm. Trong khi đó, vi khuẩn gây hỏng thực phẩm có thể phát triển ngay cả trong tủ lạnh, làm cho thực phẩm có mùi vị khó chịu và không còn an toàn để ăn.
Để tránh ngộ độc thực phẩm, nên lưu ý không để thực phẩm trong tủ lạnh quá lâu. Đặc biệt, người già, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ không nên sử dụng sữa tươi đã mở nắp và để lâu trong tủ lạnh. Việc bảo quản thực phẩm không đúng cách có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Lời khuyên: Để sử dụng tủ lạnh bảo quản thực phẩm đúng cách, cần nhớ một số vấn đề sau:
– Không tích trữ thực phẩm quá lâu, đặc biệt là các thức ăn thừa. Kiên quyết loại bỏ thực phẩm bị mốc và không ăn ngay cả khi cắt bỏ phần bị mốc đi.
– Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, bao gồm cả lọc bỏ những thực phẩm quá hạn sử dụng hay hoa quả héo nhũn, tránh tình trạng lây nhiễm chéo thực phẩm hết sức nguy hiểm và dọn dẹp rác, vụn thực phẩm (nếu có) còn sót lại trong các hốc, khe… tủ. Tủ lạnh lâu ngày không được vệ sinh rất dễ tích tụ nấm mốc, vi khuẩn và mùi hôi khó chịu ảnh hưởng tới người sử dụng.
Vệ sinh toàn bộ tủ lạnh ít nhất một tháng một lần (Ảnh: Southern Living)
Tùy thuộc vào lượng thực phẩm lưu trữ trong tủ lạnh nhiều hay không mà trung bình nên vệ sinh tủ lạnh ít nhất một tháng một lần với các dung dịch vệ sinh tủ chuyên dụng hoặc dùng chanh, giấm, baking soda để vệ sinh tủ lạnh.
– Với những tủ lạnh quá cũ, nên xem xét với việc thay mới. Bởi theo thời gian, việc khử mùi, làm lạnh để bảo quản thực phẩm bị giảm xuống, ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm.
– Sử dụng màng bọc thực phẩm có chất liệu là polyetylen, hộp nhựa lựa chọn loại làm bằng chất liệu polypropylene (PP) số 5 để đảm bảo an toàn trong bảo quản thực phẩm.
2. Máy hút mùi
Là một “trợ thủ đắc lực” trong việc loại bỏ mùi nhà bếp, thải khỏi dầu và giảm tác hại cho cơ thể người nấu. Tuy nhiên, nếu không vệ sinh máy hút mùi kịp thời, sự tồn tại của nó cũng có hại cho người nấu.
Điều này là do máy hút mùi sử dụng lâu ngày sẽ tích tụ nhiều dầu, có thể gây ra chất gây ung thư sau khi dầu ôi bay hơi khi bị đun nóng. Nếu cơ thể con người hấp thụ lâu dài sẽ gây hại cho hệ hô hấp và có thể gây UT phổi.
Khói, dầu mỡ nấu ăn tích tụ trên máy hút mùi (Ảnh: Oven Cleaning)
Đặc biệt, với việc vệ sinh máy hút mùi kém quá trình hút mùi nấu ăn sẽ bị ảnh hưởng, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư nghiêm trọng. Khói nấu ăn chứa hơn 200 loại khí độc hại và bao gồm hai hợp chất hóa học cụ thể là hydrocarbon thơm đa vòng (PAH) và aldehyde, cả hai đều là chất gây UT.
Theo thống kê của WHO, khói nấu ăn là nguy hiểm đến mức nó được mệnh danh là “sát thủ trong nhà bếp”. Theo tổ chức này, khoảng 3,8 triệu người đã tử vong sớm do ô nhiễm không khí trong nhà liên quan tới thiếu thông gió và vệ sinh nấu ăn kém. Trong số những ca tử vong đó, ước tính có 8% là do UT phổi.
Lời khuyên: Tốt nhất hãy vệ sinh máy hút mùi thường xuyên, khoảng 6 tháng một lần. Ngoài ra, khi bật máy hút mùi, không nên tắt ngay khi vừa nấu ăn xong, hãy bật thêm 5 – 10 phút để máy hút mùi có thời gian loại bỏ khí do đun nấu.
3 cách tẩy dầu mỡ hiệu quả cho tấm lưới lọc máy hút mùi
Dùng dung dịch nước rửa chén
Đây là phương pháp phổ biến và dễ thực hiện. Bạn chỉ cần tháo tấm lưới lọc ra và ngâm vào hỗn hợp nước ấm và nước rửa chén trong khoảng 3-5 phút. Sau đó, sử dụng bàn chải mềm để chà sạch các vết dầu mỡ. Cuối cùng, lau khô tấm lưới và lắp lại vào máy.
Dùng Baking Soda
Baking Soda là một trong những nguyên liệu làm sạch hiệu quả và an toàn. Để sử dụng, bạn cần chuẩn bị hỗn hợp gồm ½ cốc muối, ½ cốc baking soda và 1 cốc giấm. Đun nóng hỗn hợp này trong khoảng 15-30 phút, sau đó dùng vải sạch hoặc bàn chải mềm để vệ sinh các khe lưới lọc. Bạn sẽ thấy kết quả bất ngờ!
Dùng nước tẩy chuyên dụng
Một lựa chọn khác là sử dụng các loại nước tẩy chuyên dụng có sẵn trên thị trường. Các sản phẩm này có thể dễ dàng mua và sử dụng để làm sạch tấm lưới lọc máy hút mùi. Tuy nhiên, hãy chọn sản phẩm từ thương hiệu uy tín để đảm bảo chất lượng và an toàn khi sử dụng.
Ngoài hai thiết bị kể trên thì một số đồ dùng trong gia đình cũng cần được vệ sinh thường xuyên, tránh tích tụ nấm mốc hay vi khuẩn độc hại gây bệnh cho người sử dụng như: Ghế sofa, thảm trải sàn, bàn bếp bằng đá granit, tủ/lọ đựng gia vị,…