Chi phí sinh hoạt hàng tháng của hai vợ chồng tôi loanh quanh 6-7 triệu đồng, đã bao gồm tiền ăn, tiền điện nước, xăng xe và tiêu vặt linh tinh.
Thực lòng, tôi không có ý “dạy đời” người khác phải chi tiêu như nào cho phù hợp vì đó là cách sống của mỗi người. Góc nhìn của tôi trên phương diện của một người thích cuộc sống tối giản và yêu lối sống xanh.
Tôi không thích mặc quần áo mới, mà thường ghé những tiệm đồ si để lựa cho mình những bộ quần áo phù hợp. Một phần vì giá cả khá rẻ, một phần vì những món đồ ở đây khá độc lạ và khó bị đụng hàng. Hơn nữa, ngành thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất thế giới. Theo thống kê hàng năm, người Mỹ thải ra tới 10,6 triệu tấn quần áo ra các bãi rác. Việc tôi mặc quần áo cũ, chính là góp phần vào bảo vệ môi trường.
Thay vì mất hàng triệu đồng mỗi năm cho việc giặt tẩy thì tôi quyết định sử dụng bồ hòn để làm nước rửa chén, nước rửa tay và nước giặt quần áo…Dù công đoạn tái chế khá mất công và tốn nhiều thời gian, nhưng đổi lại cũng rất thú vị. Tôi sử dụng khoảng thời gian đó như một việc để giải trí và thư giãn đầu óc thay vì cắm mặt vào điện thoại.
Tôi là một trong những thành viên mẫn cán của trồng rau trên sân thượng. Chỉ với vỏn vẹn 20m2, tôi có thể thoải mái cung cấp rau sạch cho cả nhà mỗi ngày. Tôi thường ưa chuộng các loại rau ngắn ngày như mồng tơi, rau cải, xà lách, rau muống. Tôi thấy trồng rau cũng khá đơn giản, quan trọng đất phải tơi xốp. Vì vậy, tôi thường trộn đất với phân gà, phân bò, xơ dừa với rác thải nhà bếp.
Tiền tiết kiệm của hai vợ chồng tôi tính đến thời điểm này khoảng 800 triệu. Số tiền này là do hai đứa tự tích cóp từ khi còn đi làm thêm ở đại học cho đến lúc ra trường đi làm công ty. Chúng tôi cũng chỉ làm công ăn lương, nhưng lại sống tiết kiệm và chịu khó nhận thêm công việc bên ngoài để gia tăng thu nhập. Tất nhiên, căn nhà hiện tại của vợ chồng tôi đang ở là do bố mẹ chồng cho. Tôi phải thừa nhận điều này, vì vợ hồng tôi còn quá trẻ nên chưa đủ tài chính để sắm nhà, sắm xe.
Thật ra tôi với chồng không phải tuýp người lao lực vì tiền. Chúng tôi thích cuộc sống bình yên, ngày đi làm 8 tiếng và khoảng thời gian còn lại chúng tôi cùng nhau nấu ăn, đọc sách hoặc xem phim để hưởng thụ trọn vẹn cuộc sống vợ chồng son. Để làm ít mà vẫn rủng rỉnh tiền, tôi chọn cách thắt chặt chi tiêu thay vì tiêu pha bạt mạng.
Tôi không phải tuýp người thích sắm nhiều quần áo, vì tôi cảm thấy việc lựa chọn quần áo vào buổi sáng trước khi đi làm khá mất thời gian. Thay vì vậy, tôi chỉ sắm đủ dùng và một năm chỉ sắm thêm 2-3 bộ quần áo mới mà thôi. Tính đến nay tôi vẫn dùng điện thoại XS Max trong khi Apple đã sản xuất ra thế hệ 14 Promax. Chiếc điện thoại này đã theo tôi suốt 6 năm nay và tôi thấy vẫn còn dùng rất tốt nên cũng chưa có ý định sẽ thay mới, trừ khi nó hỏng.
Thế nhưng tôi khẳng định lại cách sống của tôi là tiết kiệm, tối giản chứ không phải hà tiện, keo kiệt. Tôi không mặc cả khi đi chợ mua đồ ăn. Tôi không quan tâm đến đồ giảm giá, tôi chỉ quan tâm đến đồ tôi cần. Khi đặt taxi, tôi luôn trả thêm tiền tip cho tài xế ít nhất 10.000 đồng. Khi đi nhà hàng, tôi sẵn sàng tip 50.000 – 100.000 đồng cho nhân viên phục vụ. Khi đi du lịch, trước khi trả phòng khách sạn chúng tôi sẽ tự thu xếp đồ đạc thật gọn gàng và không quên để lại 100.000 đồng tiền cảm ơn cho nhân viên buồng phòng.
Chúng tôi cũng hạn chế tối đa việc ăn nhậu ở ngoài. Thay vì đó, nếu là bạn thân thì chúng tôi sẽ mời về nhà ăn uống. Còn đối tác hay các bạn xã giao, chúng tôi sẽ rủ đi cà phê.
Đối với bố mẹ hai bên, chúng tôi quà cáp đầy đủ. Tôi sẵn lòng tặng bố mẹ quần áo, thực phẩm chức năng đắt tiền để ông bà bồi bổ sức khỏe. Dù bố mẹ có lương hưu, chúng tôi vẫn đều đặn biếu tiền tiêu vặt cho ông bà mỗi tháng. Trong họ hàng nhà ai có công có việc, ma chay cưới hỏi tôi đều gửi tiền mừng, tiền phúng viếng rất hậu hĩnh.
Nói về vấn đề sinh con, tôi ủng hộ ý kiến “nghèo thì đừng đẻ”, như vợ chồng tôi cũng kế hoạch chưa đẻ con ở thời điểm hiện tại, vì chúng tôi cảm thấy chưa sẵn sàng về kinh tế để lo cho con cái đủ đầy. Tôi thấy rằng đẻ ra đứa con mà vất vạ vật thì rất tội đứa bé, vì thực tình con cái có được chọn cha mẹ đâu?
Bạn có thấy rằng, bố mẹ mà biết dạy bảo con cái yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường thì thông thường gia đình đó rất điều kiện không? Bởi vì người giàu, họ càng quý trọng môi trường nên càng ý thức trong việc dạy con cái.
Trên đây là góc nhìn của tôi trên phương diện của một người thích lối sống tối giản, còn bạn nghĩ sao hãy chia sẻ ý kiến ở phần bình luận cho tôi biết nhé!
Ảnh minh họa intetnet