Theo Tri thức & cuộc sống, năm 1973, ngôn ngữ Ả Rập được đưa vào làm ngôn ngữ chính thức thứ sáu của Liên Hợp Quốc cùng với tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha. Vậy nên, tiếng Ả Rập đã đóng vai trò quan trọng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống.
Ở Việt Nam, đây lại là một ngành mới mẻ, ít được chú ý. Tuy nhiên, với xu thế hội nhập toàn cầu cùng sự bão hòa của thị trường nhân lực ngôn ngữ Anh, Hàn, Trung, Nhật… thì tiếng Ả Rập trở thành ngành học “hiếm, lạ” giúp các bạn trẻ gia tăng cơ hội cạnh tranh, tìm kiếm việc làm cũng như những học bổng du học nước ngoài.
Ngành học “hiếm”, chỉ 2 trường ở Việt Nam đào tạo
Tại Việt Nam, ngôn ngữ Ả Rập chỉ được đào tạo tại 2 trường đại học: Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc Gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn – Đại học Quốc Gia TP.HCM.
Chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Ả Rập mục đích đào tạo ra các cử nhân chất lượng tốt, có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Ả Rập tối thiểu bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam, có kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ văn hóa các nước nói tiếng Ả Rập, đồng thời có kiến thức và các kỹ năng cần thiết để công tác trong các lĩnh vực như biên phiên dịch, quản trị văn phòng và du lịch.
Ngôn ngữ Ả Rập là ngành học tiềm năng nhưng ít người biết đến, ít trường đào tạo
Theo cô Phan Thanh Huyền – Trưởng bộ môn Ả Rập học, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TPHCM, với 29 chữ cái đều là những phụ âm còn nguyên âm được xác định bằng dấu, sinh viên mất 1 học kỳ để làm quen cách phát âm, viết. Người học cần tuân thủ logic, hệ thống và học nghiêm túc từ đầu để có thể phát triển khi đi vào chuyên sâu.
Khi vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, các bạn sẽ được tiếp cận với các môn học chuyên ngành, gồm: Đất nước học Ả Rập, Biên dịch – Phiên dịch, Tiếng Ả Rập kinh tế – thương mại, Tiếng Ả Rập du lịch, Dịch văn bản tin tức báo chí, Giao tiếp liên văn hoá…
Sinh viên còn được trang bị các kỹ năng mềm cần thiết, như: Kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện, năng lực xác định và giải quyết vấn đề, luyện khả năng thích ứng trong môi trường sống và làm việc cạnh tranh đa văn hóa.
Năm 2023, điểm chuẩn ngành Ngôn ngữ Ả Rập của trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc Gia Hà Nội là 33,04. Trong khi đó, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn – Đại học Quốc Gia TP.HCM, chuyên ngành ngôn ngữ Ả Rập học thuộc khoa Đông phương học có điểm trúng tuyển là 24.97 – 24,3 – 24,97 điểm cho các tổ hợp D01, D04 và D14.
Cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn, mức lương mới ra trường có thể tới 18 triệu đồng
Theo kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2022 của Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, 100% sinh viên ngành Ngôn ngữ Ả Rập có việc làm. Số liệu này ở năm 2021 là 98,26%, trong đó trên 67% làm việc đúng chuyên ngành, 30% làm việc liên quan đến ngành đào tạo.
Trong khi đó, đề án tuyển sinh năm 2024 của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn – Đại học Quốc Gia TP.HCM thông tin: 92,31% sinh viên ngành Đông Phương học có việc làm sau khi ra trường.
Sinh viên ngành ngôn ngữ Ả Rập có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường
Như vậy, học ngôn ngữ Ả Rập được xem là cơ hội rộng mở cho người học. Sinh viên hoàn toàn có cơ hội nhận nhiều học bổng du học chuyển tiếp 1 năm tại Ai Cập, Kuwait, Qatar; cơ hội “săn” các học bổng du học ngắn hạn tại Oman, UAE, Ả Rập Saudi; có khả năng được nhận học bổng tiền mặt của Đại sứ quán các nước nói tiếng Ả Rập tại Việt Nam.
Không những vậy, các bạn còn có thể được tham gia các sự kiện ngoại giao, các cuộc thi quốc tế và thực tập tại Đại sứ quán các quốc gia sử dụng tiếng Ả Rập tại Việt Nam, các doanh nghiệp và cơ quan có hợp tác với các nước dùng tiếng Ả Rập. Cụ thể, sau khi ra trường, sinh viên ngôn ngữ tiếng Ả Rập có thể đảm nhiệm các vị trí sau:
– Công tác tại Bộ Ngoại giao (Vụ Trung Đông – châu Phi) và Đại sứ quán các quốc gia Ả Rập tại Việt Nam.
– Biên dịch – phiên dịch viên tại các công ty liên doanh nước ngoài, các công ty đa quốc gia; phiên dịch cho các lãnh đạo trong cuộc họp, hội nghị, đàm phán, thương lượng…
– Giảng viên nghiên cứu, đào tạo ngành Ngôn ngữ Ả Rập.
– Làm việc trong ngành du lịch – khách sạn, trở thành hướng dẫn viên du lịch cho các công ty du lịch quốc tế, cung cấp các tour du lịch dành cho du khách Trung Đông.
– Tiếp viên hàng không các hãng của Ả Rập như Emirates Airline, Qatar Airway…
– Chuyên viên Marketing: Phụ trách marketing của thị trường Ả Rập, quản lý các kênh truyền thông, mạng xã hội các các công ty, doanh nghiệp.
Tiếp viên hàng không Emirates
Đặc biệt, mức lương sinh viên ngành ngôn ngữ Ả Rập mới ra trường có thể dao động từ 400-700 USD/tháng (khoảng 10 đến gần 18 triệu đồng). Các vị trí quản lý cấp cao hơn hoàn toàn có thể đạt được mức lương 1.000 USD/tháng (khoảng 25,4 triệu đồng). Bên cạnh đó, những người thành thạo tiếng khi tham gia vào các sự kiện của Đại sứ quán các nước Ả Rập, phiên dịch viên có thể được trả 50 – 70 USD/ngày (khoảng 1 – 2 triệu đồng).