Theo báo Vnexpress.net, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 25/6 cho biết tiền lương giáo viên vẫn gồm lương và các khoản phụ cấp như hiện hành.
Trong đó, lương cứng được tính theo mức lương cơ sở mới, dự kiến là 2,34 triệu đồng theo đề xuất của Chính phủ, thay vì 1,8 triệu.
Giáo viên mầm non hạng III là nhóm nhận lương thấp nhất, từ khoảng 4,9 đến hơn 11,4 triệu đồng một tháng, tùy bậc. Mức này cao hơn so với hiện tại khoảng 1,1-2,6 triệu đồng.
Giáo viên tiểu học, THCS và THPT hạng I nhận cao nhất. Trong đó, người có hệ số lương 6.78 hưởng lương gần 16 triệu đồng một tháng, cao hơn hiện tại khoảng 3,7 triệu.
Mức lương của giáo viên trước và sau 1/7 (dự kiến) cụ thể như sau:
Theo nghị quyết về cải cách tiền lương, có 9 loại phụ cấp mới như phụ cấp kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, trách nhiệm công việc, ưu đãi theo nghề… Tuy nhiên từ 1/7, các điều kiện chưa đủ thực hiện nên Chính phủ đề nghị giữ nguyên như hiện tại.
Với giáo viên, tùy vị trí, nơi công tác, mỗi người có thể nhận được một hoặc một số khoản phụ cấp: phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), ưu đãi nghề (25-50%), phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân, giáo viên dạy người khuyết tật, giáo viên công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Dự thảo Luật Nhà giáo đang được lấy ý kiến nêu rõ chính sách tiền lương của nhà giáo gồm lương và phụ cấp, được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp.
Theo các quy định, giáo viên được chia thành ba hạng I, II, III, trong đó hạng I cao nhất. Tương ứng với từng hạng lại có nhiều bậc lương, thông thường cứ ba năm công tác, giáo viên được tăng một bậc.
Cả nước hiện thiếu hơn 100.000 giáo viên nhưng khó khăn trong tuyển dụng, khoảng một nửa ở bậc mầm non. Một trong những lý do, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo là tiền lương chưa tương xứng với công sức. Vì vậy, Bộ nhiều lần đề xuất tăng lương và phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là ở bậc học này.