Cách dạy con của giáo viên rất hay và đáng học hỏi!
Trong nhiều gia đình có cha mẹ là giáo viên, con cái của họ đều là những đứa trẻ ngoan, học hành xuất sắc khiến nhiều phụ huynh khác vô cùng ngưỡng mộ. Vậy có bao giờ các bậc cha mẹ thắc mắc: “Vì sao con của giáo viên lại nổi bật, ưu tú không?”. Đó là vì chúng được cha mẹ hiểu rõ đặc điểm phát triển về thể chất và tinh thần để đưa ra định hướng phù hợp.
Theo trang Sohu, đây là 4 cách giáo dục con mà các giáo viên thường áp dụng:
1. Tự tay chăm sóc con
Do tính chất, đặc thù và quan niệm của nghề nên nhiều giáo viên rất cẩn trọng trong việc chăm sóc và dạy dỗ con. Họ tự mình làm mọi việc mà không cần sự hỗ trợ từ mọi người. Nhiều gia đình khác thường thuê người giúp việc hoặc nhờ cậy ông bà nội ngoại chăm sóc trẻ. Nhưng riêng giáo viên thì không làm như vậy. Họ cho rằng cha mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục con mà không một ai có thể thay thế.
Cha mẹ là người thầy đầu tiên trong cuộc đời con. Họ là người giúp con hình thành và phát triển những thói quen trong học tập cũng như trong cuộc sống. Trong quá trình này, sự giáo dưỡng sẽ quyết định tương lai con trở thành người như thế nào.
Khi cha mẹ giao con cho người khác chăm sóc, người khác chỉ có thể hỗ trợ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân; không thể giúp đỡ về mặt tinh thần và giáo dục trẻ. Đặc biệt, khi trẻ bước sang tuổi thứ 6 – giai đoạn quan trọng cho sự phát triển trí não thì việc có cha mẹ ở bên rất quan trọng. Nếu cha mẹ không nắm bắt thời điểm này có thể khiến việc học của con sa sút. Thậm chí, con còn trở nên ương ngạnh, không nghe lời.
2. Cha mẹ tích cực đọc nhiều sách và tạo không gian học tập
Đọc sách là một thói quen tốt, đem lại nhiều lợi ích cho tương lai mỗi đứa trẻ. Thông thường, nhà của giáo viên thường chứa nhiều loại sách khác nhau, từ trong nước đến nước ngoài như: Truyện cổ tích, tác phẩm văn học kinh điển, sách nghiên cứu khoa học, bản đồ thế giới,…
Họ thường xuyên đọc sách mỗi ngày vào nhiều khung giờ khác nhau. Điều này khiến những đứa con vô tình hình thành thói quen giống cha mẹ, tỏ ra hứng thú trước mỗi trang sách.
Đọc sách không chỉ có lợi cho sự phát triển trí não và tư duy mà còn giúp trẻ hình thành thói quen học tập tốt như: Tự giác, chăm chỉ, chủ động khám phá,… Điều này giúp ích rất nhiều cho tương lai của trẻ. Hơn thế, đọc sách còn tăng cường khả năng tập trung, nhờ đó giúp trẻ học tập hiệu quả, đạt kết quả cao trong thi cử.
3. Duy trì thói quen học tập tốt của cha mẹ
Nếu như các bậc phụ huynh bình thường sẽ chọn giải trí bằng việc: Lướt web, đi mua sắm, chơi điện tử,… thì giáo viên lại chọn cách đọc sách báo, tra cứu tài liệu, tham gia các cuộc thi bổ ích. Nhờ vậy, con giáo viên sẽ có xu hướng bắt chước cha mẹ của mình, thích thú bởi việc học đến một cách tự nhiên, không hề gò ép.
Giáo viên cũng là những người có trí thông minh cùng sự chăm chỉ, ưa tìm tòi. Những yếu tố này sẽ di chuyển sang con cái. Vì thế, con của họ thường có thành tích cao trong học tập. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, ngoài năng lực thì điều quan trong đó là phương pháp giáo dục của cha mẹ.
4. Nâng cao nhận thức cho trẻ thông qua các quy tắc
Giáo viên thường hay áp dụng những quy tắc nghiêm khắc cho các con. Các quy tắc, quy định trong trường học sẽ được sử dụng cho con cái họ. Một quy tắc tốt mà họ thường áp dụng là để con tự học. Điều này hình thành cho trẻ tính tự giác, tự lập, giúp trẻ phát triển vượt bậc trong học tập cũng như trong cuộc sống sau này.
Việc tự học tạo ra nhiều cơ hội đạt điểm cao hơn so với học theo lối ép buộc. Thực tế, không phải đi học thêm nhiều mới là cách hiệu quả. Những đứa trẻ có tính tự học thường có thành tích cao, năng lực xuất sắc, nổi bật hơn những đứa trẻ khác.
Ngoài ra, giáo viên còn áp dụng một số quy tắc cho con như: Không đi học muộn, làm bài tập đầy đủ, không thức khuya, đọc sách vào cuối tuần,… Điều này giúp tạo nên những đứa trẻ ngoan ngoãn, lanh lợi, ham học hỏi.
Các bậc cha mẹ có thể tham khảo và áp dụng phương pháp trên để hình thành thói quen học tập và sinh hoạt tốt cho con. Từ đó, giúp trẻ nâng cao sự tập trung, dành được kết quả tốt hơn. Cha mẹ hãy là tấm gương sáng thực hiện tốt mọi điều để trẻ học theo.