Đề Ngữ văn không ra trong sách giáo khoa
Theo báo Tiền Phong, học sinh lớp 12 năm học 2024-2025 sẽ là lứa đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo phương án mới.
Theo đó, mỗi thí sinh sẽ thi 4 môn gồm Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Trong đó, Ngữ văn theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Năm đầu tiên đổi mới phương án thi, kì thi có nhiều điểm mới, trong đó nội dung thi sẽ bám sát chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mà lứa học sinh lớp 12 năm tới tiếp cận được 3 năm từ lớp 10-12.
Thi tốt nghiệp từ năm 2025, thí sinh sẽ thi 4 môn gồm Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong 3 buổi, ít hơn 1 buổi so với trước.
Đặc biệt, môn Ngữ văn thi theo chương trình mới, ngữ liệu có thể ra hoàn toàn ngoài sách giáo khoa. Khi đó, học sinh sẽ phải thực hiện các yêu cầu trên ngữ liệu mới hoàn toàn do đó sẽ chấm dứt tình trạng đồn đoán về đề thi cũng như học sinh sẽ không còn học tủ, học lệch.
Để học sinh và thầy cô các trường THPT hình dung được đề thi trong kì thi tốt nghiệp năm tới, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố cấu trúc định dạng đề thi các môn, trong đó ngoài cấu trúc 4 đáp án, học sinh chọn 1 quen thuộc, Bộ GD&ĐT đã bổ sung các dạng thức mới gồm: lựa chọn đúng sai và trả lời ngắn gọn.
Trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2024, một số môn thi, đề thi đã có những câu hỏi mang tính tiếp cận gần với đề thi từ năm tới để học sinh làm quen.
Kì thi năm tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục sẽ là đơn vị ra đề và ban hành các hướng dẫn để tỉnh, thành phố tổ chức thi. Toàn quốc sẽ tổ chức kỳ thi chung đợt, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Sớm khảo sát nguyện vọng thí sinh
Mới đây, tại Hội nghị Giám đốc Sở năm 2024, Bộ GD&ĐT cho biết kì thi tốt nghiệp từ năm 2025 sẽ được tổ chức trong 2 ngày với 3 buổi thi, trong đó 1 buổi thi Ngữ văn, 1 buổi thi Toán và 1 buổi thi 2 môn tự chọn.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, để chuẩn bị cho công tác ra đề của kỳ thi từ năm mới theo hướng mở, phát huy trí tuệ tập thể toàn ngành, Bộ GD&ĐT đã mời chuyên gia trong và ngoài nước tập huấn cho hàng nghìn giáo viên, giảng viên trên toàn quốc về quy trình, nghiệp vụ, cách thức xây dựng ngân hàng câu hỏi thi.
Trên cơ sở kết quả tập huấn đó, hiện nay các sở GD&ĐT đang triển khai cho giáo viên xây dựng đề thi theo cấu trúc định dạng đề thi mới để sử dụng làm nguồn cho xây dựng ngân hàng câu hỏi thi từ năm 2025.
Tháng 8 tới, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai đánh giá, nhận xét các đề thi do các đơn vị từ cơ sở xây dựng. Điều này góp phần nâng cao chất lượng xây dựng câu hỏi thi, ngân hàng câu hỏi thi của giáo viên tại các địa phương cũng như phát huy trí tuệ tập thể toàn ngành trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi theo hướng mở. Bộ cũng đang triển khai thủ tục cần thiết để xây dựng hệ thống phần mềm phục vụ kì thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Cũng theo ông Chương, chuẩn bị cho kì thi năm tới, việc xây dựng các thư viện câu hỏi thi có “tính mở”, trong đó nguồn câu hỏi được huy động từ đội ngũ giáo viên trên toàn quốc.
Sau khi xây dựng đề thi, Bộ GD&ĐT sẽ cho thử nghiệm trên diện rộng tại các tỉnh, thành phố và lựa chọn câu hỏi tốt đã qua xử lí để đưa vào ngân hàng chuẩn hóa. Từ thư viện/ngân hàng câu hỏi thi là cơ sở để xây dựng đề thi cho các năm.
Căn cứ các môn thi đã được công bố tại phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ có tới 36 tổ hợp tự chọn.
Để bảo đảm việc sắp xếp phòng thi tối ưu, hạn chế tối đa việc di chuyển của thí sinh, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương cần tiến hành khảo sát nguyện vọng đăng kí môn thi của thí sinh sớm từ tháng 12 và xây dựng các phương án phòng thi và bố trí thực hiện thử nghiệm. Sau đó, có thể tiến hành dự kiến phương án sắp xếp địa điểm thi bảo đảm nguyên tắc, các thí sinh dự thi cùng tổ hợp tự chọn sẽ được ngồi cùng một phòng thi.