Ngày 23/5, anh Phạm Văn Tuân (SN 1984, Hải Dương), chủ nhân của đoạn clip cô dâu bước từ nhà tranh sang biệt thự cho biết: “Tôi rất bất ngờ, chỉ sau 2 ngày đăng tải, clip đã có hơn 10 triệu lượt xem”.
Hình ảnh cô dâu từ nhà tranh bước vào biệt thự thu hút cộng đồng mạng.
Cụ thể, đoạn clip có cảnh cô dâu chú rể làm lễ gia tiên trong một ngôi nhà tranh vách đất rất cũ. Trong ngôi nhà tranh chỉ có chiếc giường, bàn thờ tổ tiên, phía ngoài sân có bộ bàn ghế gỗ.
Sau khi thắp hương, chú rể nâng váy giúp cô dâu di chuyển ra ngoài và hướng về căn biệt thự màu trắng kề bên. Phía trước căn biệt thự, rạp đám cưới đã được dựng sẵn và trang trí đẹp mắt.
Theo anh Tuân, đoạn clip được anh quay lại vào ngày 15/3 tại một đám cưới ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Sau hơn 2 tháng diễn ra lễ cưới, ngày 21/5 anh Tuân mới đăng tải đoạn clip lên các nền tảng mạng xã hội.
Ngoài đoạn clip, anh Tuân còn đăng kèm dòng trạng thái: “Ngày nay, nhiều gia đình dù có xây dựng nhà mới khang trang vẫn nhất định không bỏ đi căn nhà ngày xưa, vừa để làm kỷ niệm, lại vừa để nhắc nhở bản thân, con cháu sau này dù đủ đầy cũng không quên ngày khốn khó”.
Trao đổi với PV, anh Tuân bày tỏ sự ngưỡng mộ về cách sống của gia đình chú rể. Hơn 15 năm làm nghề, lần đầu tiên, anh và đội ngũ nhân viên của studio chứng kiến một gia đình giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đến như vậy.
“Khi rước dâu về đến nhà chồng, cô dâu được bố mẹ chồng dẫn vào nhà tranh làm lễ gia tiên. Sau đó, chú rể mới đưa cô dâu về phòng tân hôn trong căn biệt thự sát bên”, anh Tuân cho biết.
Anh Vũ Văn Hậu dẫn vợ vào phòng tân hôn trong căn biệt thự hoành tráng.
Anh Vũ Văn Hậu (SN 1997, Ninh Bình), chú rể trong đoạn clip mà anh Tuân đăng tải rất ngạc nhiên khi bỗng dưng nổi tiếng.
Anh Hậu xác nhận đoạn clip được quay trong đám cưới của vợ chồng anh. Ngôi nhà tranh mà vợ chồng anh vào thắp hương do các cụ đời trước xây dựng.
Toàn cảnh ngôi nhà tranh nằm cạnh biệt thự mới xây của anh Hậu.
Trước cưới, anh Hậu quyết định xây dựng nhà mới nhưng vẫn giữ lại ngôi nhà cũ. Hiện tại, căn biệt thự rộng rãi là nơi sinh hoạt của các thành viên trong gia đình, còn nhà tranh chỉ là nơi thờ cúng.
Nguồn: Báo Tiền Phong