5 lợi ích tuyệt vời của việc đi bộ sau bữa ăn có thể bạn chưa biết

Sau một bữa ăn thịnh soạn, bạn có thể không muốn vận động chút nào. Nhưng hóa ra, việc đi bộ sau bữa ăn có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Dưới đây là 5 lợi ích tuyệt vời của việc đi bộ sau bữa ăn có thể bạn chưa biết.

1. Cải thiện tiêu hóa

Đi bộ sau khi ăn sẽ kích thích dạ dày và ruột, tạo điều kiện cho thức ăn di chuyển nhanh hơn và hỗ trợ tiêu hóa.

Hoạt động đơn giản này có thể làm giảm bớt sự khó chịu liên quan đến đầy hơi, táo bón, trào ngược axit và đau bụng.

2. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim

Tập thể dục thường xuyên, bao gồm đi bộ ngắn sau bữa ăn, có liên quan đến việc cải thiện sức khỏe tim mạch.

Các nghiên cứu cho thấy các bài tập ngắn, thường xuyên có thể có lợi hơn trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim so với một bài tập dài.

3. Điều chỉnh đường huyết

Ít vận động sau bữa ăn có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột biến.

Đi bộ sau khi ăn đã được chứng minh là có hiệu quả làm giảm những đột biến này, giúp giảm nguy cơ kháng insulin, tiền tiểu đường và tiểu đường tuýp 2.

Đi bộ giúp khống chế bệnh đái tháo đường

Các nhà khoa học thuộc Đại học Newcastle, Mỹ, tiến hành nghiên cứu những người bị bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Họ nhận thấy, đi bộ cải thiện khả năng tích đường và mỡ đã đốt cháy của cơ thể. Chỉ sau mấy tuần đi bộ, tác động của bệnh đái tháo đường đã giảm.

Bệnh đái tháo đường tuýp 2 có liên quan đến bệnh béo phì và lối sống ít vận động. Nếu không chữa trị, nó sẽ gây tổn hại cho mạch máu, dẫn đến bệnh tim, chứng đột quỵ, và buộc người bệnh phải cắt bỏ chỉ.

Michael Trenell – nhà nghiên cứu đã công bố công trình trên tập san Chăm sóc người bị bệnh đái tháo đường – cho biết, đi bộ là “cách mọi người khống chế bệnh đái tháo đường ngay tức thì mà chưa cần dùng thêm thuốc”.

Nhóm nghiên cứu của ông đã sử dụng máy chụp MRI để khảo sát 20 người tình nguyện, trong đó có 10 người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Mỗi người được trang bị một máy đo bước và được yêu cầu đi hơn 10.000 bước một ngày (trong cuộc sống hàng ngày, trung bình mỗi người chúng ta cũng đã đi khoảng 6.000 bước mỗi ngày). Sau tám tuần đi bộ, máy chụp cho thấy những người này đốt thêm được 20% lượng mỡ và các cơ bắp có thể tích đường nhiều hơn.

Các cơ bắp là nơi tích đường quan trọng trong cơ thể. Nhưng khi khả năng hấp thụ đường của chúng kém, thì lượng đường trong máu sẽ tăng cao bất thường, gây tổn hại cho mạch máu, động mạch và các cơ quan trong cơ thể.

Chúng ta thường ngại đến phòng tập thể dục, nhưng phần lớn những người mắc bệnh đái tháo đường đều có thể vận động nhiều hơn thông qua đi bộ. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết thậm chí vận động cơ thể nhẹ nhàng cũng cải thiện được việc kiểm soát bệnh đái tháo đường tuýp 2.

4. Thúc đẩy giảm cân lành mạnh

Chỉ cần một khoảng thời gian đi bộ ngắn sau bữa ăn cũng góp phần kiểm soát cân nặng.

Đi bộ giúp đốt cháy calo, điều chỉnh cảm giác thèm ăn và hạn chế cảm giác thèm ăn vặt không lành mạnh giữa các bữa ăn.

5. Ngủ ngon hơn

Đi bộ sau bữa tối giúp điều chỉnh nhịp sinh học, tăng cường chu kỳ ngủ-thức tự nhiên.

Điều này không chỉ thúc đẩy việc bắt đầu giấc ngủ dễ dàng hơn mà còn góp phần giúp bạn có một giấc nghỉ không bị gián đoạn, giúp cơ thể phục hồi bằng cách giảm bớt cảm giác khó chịu ở dạ dày sau bữa ăn.

Khi nào bạn nên đi dạo sau khi ăn?

Không có khung thời gian cụ thể để bạn bắt đầu chuyến đi bộ. Bạn có thể đi ngay sau khi ăn, vì một số nghiên cứu cho thấy đó là thời điểm thu được nhiều lợi ích nhất.

Nhưng nếu bạn cảm thấy khó chịu ở dạ dày nếu thực hiện bất kỳ hoạt động thể chất nào ngay sau bữa ăn, hãy đợi khoảng 15 phút trước khi đi bộ. Điều này phụ thuộc vào cảm nhận của cá nhân bạn.

Nên đi bộ bao lâu sau khi ăn?

Điều này phụ thuộc vào mục tiêu của bạn.

Nếu bạn chỉ muốn giúp tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn, bạn chỉ cần đi bộ 10 phút quanh khu nhà sau mỗi bữa ăn là đủ.

Nhưng nếu bạn muốn cải thiện mục tiêu thể chất tổng thể hoặc đạt được 10.000 bước mỗi ngày thì bạn nên đi bộ khoảng 30 phút.

Đừng quá sức

Mặc dù bác sĩ khuyến khích đi bộ sau bữa ăn nhưng không nên chạy bộ hoặc tập thể dục quá sức, vì có thể sẽ dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa.

Ví dụ, chạy bộ làm chuyển hướng lưu lượng máu từ hệ tiêu hóa về cơ bắp để cơ bắp hoạt động. Điều này khiến hệ tiêu hóa của bạn không có đủ lượng máu cần thiết để xử lý thức ăn.

Ăn ngay trước khi tập luyện cường độ cao cũng có thể khiến hệ tiêu hóa bị quá tải và có khả năng dẫn đến chuột rút và khó chịu khi bắt đầu tập.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/5-loi-ich-tuyet-voi-cua-viec-di-bo-sau-bua-an-co-the-ban-chua-biet-d197441.html
X