Ngày 28/5, trên mạng xã hội xuất hiện clip người chồng bắt quả tang vợ ngoại tình trong nhà nghỉ với nhân tình. Điều đáng chú ý, trong cuộc “bắt gian” này có sự chứng kiến của hai đứa con.
Nội dung clip “bắt gian” dài 15 phút với cuộc cãi vã, giằng co trước hành vi ngoại tình của cô vợ. Anh chồng thấy vợ nói đi làm nhưng thực ra lại tới nhà nghỉ nên mang theo hai con và bạn đến cùng đánh ghen. Anh ta giục con gõ cửa gọi mẹ ở bên trong. Đến 5 phút sau người vợ ra mở cửa.
Cuộc cãi vã của người lớn có sự chứng kiến của con trẻ. Đa số người xem đều chê cười cho hành vi không chung thuỷ của người vợ và thương hai đứa trẻ phải chứng kiến cảnh không đáng xem.
Nhiều cư dân mạng cho rằng hành vi ngoại tình là không chấp nhận được, nhưng lấy trẻ em làm công cụ trừng phạt nhau như thế càng không thể chấp nhận được. Vợ chồng không ở với nhau được thì chia tay, ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm trước gia đình và pháp luật, còn trẻ con trong trắng, vô tội, không nên lợi dụng lôi kéo vào chuyện lùm xùm của người lớn.
Có cư dân mạng còn phân tích, đứa con trai thứ hai đang tuổi lớn làm sao chịu được, ảnh hưởng tâm lí rồi sau này đi học bạn bè chê cười. Người bố đã không nghĩ cho tuổi thơ của 2 đứa trẻ. “Tội nghiệp 2 đứa phải đi bắt gian chính người mẹ của mình”, cư dân mạng bình luận.
Theo TS Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện là chuyên gia giáo dục độc lập), thực tế ông bố trong trường hợp này cũng chưa hiểu mình đã gây ra những gì cho con. Hành động của người bố chỉ đơn thuần là nghĩ mẹ sẽ thương xót, đau đớn khi thấy con trong hoàn cảnh ấy.
Thế nhưng hành động đó đã làm cho những đứa trẻ tổn thương vô cùng lớn. Bản thân đứa trẻ sẽ mâu thuẫn về tình yêu dành cho bố mẹ và cái thiện tâm chính nghĩa.
Khi bố mẹ làm việc gì sai, bản thân đứa trẻ thấy việc sai của bố mẹ, bản thân chúng rất muốn bao biện cho những việc làm sai trái của bố mẹ. Nhưng khi chúng trực tiếp nhìn thấy sẽ không còn gì để bao biện thì chúng cực kỳ tổn thương. Có đứa trẻ gần như quay lại cuộc sống bất cần, chúng sẵn sàng làm mọi việc xấu vì bản thân chúng nghĩ bố mẹ mình làm được thì mình cũng làm được.
Có đứa thì “anti” hành động đó của bố mẹ và trở thành thiếu tin tưởng trong cuộc sống. Đứa trẻ luôn thiếu tự tin dù sống ở môi trường nào. Chúng không muốn nhìn thấy cha mẹ mình.
TS Hương cho rằng ở câu chuyện này, bất hạnh không phải là bố mẹ của chúng mà chính là những đứa trẻ. Trong các gia đình bố bạo hành mẹ, đánh đập mẹ thì chúng có tư tưởng “thù” bố của mình, thương mẹ và lớn lên chúng rất sợ lập gia đình. Chúng gần như không chấp nhận hình thức gia đình nào có vợ, có chồng. Cuộc sống của con ảnh hưởng rất nặng từ khi chứng kiến những hành động của cha mẹ chúng.
“Trong vụ “bắt gian” này, có thể ông bố muốn trả thù mẹ của chúng, nghĩ rằng bà mẹ sẽ phải chịu những trả giá cho hành động của mình. Nhưng thực chất, người mà ông bố đang hành hạ là những đứa trẻ chứ không phải người vợ của mình” – TS Hương cho biết.
Trong các trường hợp bố mẹ dùng con trả thù nhau thì đứa trẻ bị ảnh hưởng là chính và mục tiêu của bố mẹ không đạt được. Có nhiều bố mẹ ly hôn và họ “nhồi sọ” cho con về hình ảnh người cha, người mẹ không ra gì. Họ làm mọi cách để con ghét bố hoặc ghét mẹ nhưng hành động này chỉ làm được khi đứa trẻ còn bé. Lớn lên, đứa trẻ lại có xu hướng yêu mẹ hoặc bố của chúng.
“Không ít trường hợp trẻ quay lại “anti” người đã xúi bẩy chúng. Ví dụ như một ông bố ly hôn xong nhận nuôi con, anh ta hận vợ và nhồi vào đầu của con mình về hình ảnh người mẹ xấu xa. Nhưng đứa trẻ đó lớn lên chúng biết mình bị cha hành hạ, truyền năng lượng tiêu cực từ thù hận của người cha và chúng quay lại ghét người đang nói xấu chứ không phải ghét người bị nói xấu.
Không chỉ thế, cuộc đời đứa trẻ còn bị tàn phá rất nặng về tâm lý. Đứa trẻ có thể rơi vào tình huống bất cần hoặc quay lại phản đối các hành động của cha mẹ chúng, cuộc đời của chúng không hề có hạnh phúc” – TS Hương nói.