Vợ mắc UT vú, ngỡ ngàng khi biết chính thói quen xấu của chồng gây hại cho bản thân

Dù chưa khẳng định 100% nguyên nhân gây bệnh ung thư vú là gì nhưng các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.

Theo Eva.vn, PGS.TS Phạm Cẩm Phương – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tính đến nay chưa thể khẳng định 100% nguyên nhân gây ra bệnh UT vú là gì.

Tuy nhiên, theo PGS Phương, phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh UT vú là người có tiền sử bị chiếu xạ ở vùng ngực, những chị em từng bị ung thư vú một bên trước đó có nguy cơ mắc bệnh bên còn lại… Ngoài ra, người có tiền sử gia đình (có bà, mẹ, chị, em) từng mắc UT vú cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.

“UT vú là bệnh lý có liên quan đến di truyền, chiếm khoảng 5-10%. Hầu hết các trường hợp ung thư vú di truyền có liên quan đến 2 gen BRCA1 và BRCA2 là các gen ức chế khối u.

Phụ nữ có gen BRCA1 và BRCA2 đột biến di truyền có nguy cơ phát triển đến 75% UT vú và 20-40% UT buồng trứng. Hiện nay, việc xét nghiệm đột biến gen BRCA1 và BRCA2 để sàng lọc, tiên lượng và lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp nhằm kiểm soát sự phát triển của UT vú và UT buồng trứng”, PGS Phương phân tích.

Một vấn đề PGS Phương đặc biệt lưu ý đó là việc chị em hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá (hút thuốc thụ động) từ người xung quanh cũng có nguy cơ cao mắc phải các bệnh UTvú nói riêng và các căn bệnh UT nói chung.

Ảnh minh họa.

Điển hình như trường hợp của bệnh nhân N.T.Đ (47 tuổi, ở Hưng Yên) phải phẫu thuật và cắt bỏ một bên, sau đó trải qua 7 lần truyền hóa chất vì mắc UT vú. Theo chia sẻ của người phụ nữ này, từ trước đến nay sức khỏe chị bình thường, trước khi phát hiện bệnh, chị thấy tiết dịch ở đầu vú nên đến viện kiểm tra.

Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán chị Đ. bị UT vú giai đoạn 2B. Khi biết mình mắc bệnh, chị vô cùng sốc và ngỡ ngàng vì gia đình không có ai trước đó từng mắc bệnh, chị quanh năm chỉ làm ruộng ở quê ít tiếp xúc hóa chất…

Hút thuốc lá mang đến nhiều tác hại cho bản thân và người khác.

Tuy nhiên, khi bác sĩ phân tích chị Đ. mới “giật mình” bởi chính thói quen hàng ngày của chồng là nguyên nhân khiến chị tăng nguy cơ mắc bệnh. Theo đó, chồng chị là anh L.Đ.V. (49 tuổi) có thâm niên hút thuốc gần 30 năm, từ khi lấy nhau, chị Đ. luôn phải ngửi và hít mùi thuốc lá, lâu dần thành quen nên chị không bao giờ phàn nàn và chấp nhận sống chung với khói thuốc.

Để phòng và phát hiện sớm bệnh UT vú, PGS Phạm Cẩm Phương cho rằng phụ nữ ngoài 40 tuổi cần phải tầm soát UT vú định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/1 lần. Ngoài ra, hàng tháng nên tự kiểm tra vú của mình để phát hiện những bất thường, từ đó đi khám sớm để dự phòng.

Trong cuộc sống hàng ngày, nên có chế độ ăn uống hợp lý, thường xuyên vận động, tập thể dục. Đặc biệt, phụ nữ nên sinh con trước tuổi 35 và tuyệt đối không hoặc tránh xa khói thuốc lá.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/vo-mac-ut-vu-ngo-ngang-khi-biet-chinh-thoi-quen-xau-cua-chong-gay-hai-cho-ban-than-d181657.html