Vì sao người ốm thường “kiêng” đi đám tang?

Theo quan niệm dân gian, những người có bệnh, thường xuyên đau ốm… thường kiêng đi đám tang vì sợ "hơi lạnh".

Theo Gia đình Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Văn Thanh – Bộ môn Nội tổng hợp, Đại học Y Hà Nội cho biết, đám ma hoặc nhà tang lễ, nghĩa địa là nơi nhiều âm khí, lạnh lẽo. Tại đây, các vi sinh vật cư trú trên và trong người chết sẽ sinh sôi, phát triển và phát tán ra xung quanh, trở thành nguồn gây bệnh.

Ngoài ra, không khí tang thương, khóc lóc, buồn rầu ảnh hưởng tiêu cực đến người đang bị bệnh. Không gian đông đúc cũng khiến mọi người dễ tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm bệnh từ người khác hoặc do vệ sinh tại đám tang không đảm bảo.

Do đó, những người đang bị ốm, mắc bệnh xương khớp, suy giảm miễn dịch, người già yếu, có thai… được khuyên không nên đi đám tang để tránh nhiễm hơi lạnh, không tốt cho sức khỏe.


Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, người Việt Nam nặng tình, coi “nghĩa tử là nghĩa tận” nên trong nhiều trường hợp, người có sức đề kháng yếu vẫn phải đi viếng đám ma.

Do đó, để hạn chế “hơi lạnh” xâm nhập vào cơ thể, theo bác Thanh, người đến viếng nên ăn mặc kín đáo, đeo khẩu trang. Có thể dùng một vài lá trầu không hoặc lá na hơ nóng hay vò nát rồi xoa lên tay lên mặt, lỗ rốn, để trong túi áo. Ngậm gừng tươi hoặc lấy một vài tép tỏi bỏ vào túi. Bôi dầu để làm ấm cơ thể.

Nơi có đám tang, đặc biệt là trong mùa lạnh, có thể để các lò than, xông lá bưởi, quả bồ kết giúp làm ấm, giảm khí lạnh.

Sau khi từ đám tang về nhà, người viếng nên tắm và thay đồ, hơ tay trên bếp lửa cho ấm. Có thể cho thêm bồ kết, lá bưởi, muối hột vào đống lửa hoặc lò than. Uống nước gừng hoặc trà gừng. Tắm lại bằng nước nấu các loại lá như lá quế, sả, vỏ bưởi, lá ổi, lá bưởi, lá chanh, lá tía tô, lá nhãn, bạch đàn, trầu không, đinh lăng, lá lựu.

Sau khi xông, tắm cần lấy máy sấy làm khô cơ thể, nghỉ ngơi rồi mới tiếp xúc với người khác.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/vi-sao-nguoi-om-thuong-kieng-di-dam-tang-d194009.html