Theo Eva.vn chia sẻ về một câu chuyện tâm sự: Bố mẹ chỉ có mỗi mình tôi, nhưng khi tôi đi lấy chồng xa, bố mẹ chẳng những không phản đối mà còn rất ủng hộ vì tin tưởng vào con rể và nhà thông gia tốt. Tuy nhiên, đến lúc gả tôi đi lấy chồng, bố mẹ cũng không kìm được lo lắng mà dặn dò bố mẹ chồng tôi đôi câu:
– Nhà tôi chỉ có mỗi mụn con. Tuy 27 tuổi đầu rồi nhưng vẫn còn nhỏ dại, nhiều chỗ thiếu sót, mong ông bà coi nó như con gái mà từ từ chỉ bảo cho. Nếu cháu hỗn láo, cứ trả về cho nhà tôi dạy lại chứ đừng làm tổn thương, đánh mắng nó.
Khi về làm dâu rồi, tôi mới thấy con mắt nhìn người của bố mẹ thật đúng. Chồng tôi luôn yêu thương vợ con, lên phòng khách xuống phòng bếp được, còn bố mẹ chồng thì trên cả tuyệt vời.
Ông bà luôn coi tôi như con gái trong nhà. Lúc nào chuẩn bị về quê thăm bố mẹ chồng, mẹ đều gọi điện hỏi tôi thích ăn gì để bà đi chợ, nấu cơm trước. Mẹ cũng chưa bắt tôi phải làm cái này, cái kia, cưng chiều tôi hết mực.
Nói thật, 3 năm làm dâu tôi chưa bao giờ nấu được một bữa cơm hoàn chỉnh cho bố mẹ chồng, cỗ bàn khi nhà có giỗ, có tiệc càng không. Sự chiều chuộng của bố mẹ chồng khiến nhiều cô bác trong nhà cũng phải lên tiếng nhắc nhở: “Ông bà cứ chiều nó thế sau nó hư đi, phải bắt con dâu phục vụ mình chứ. Đây là mẹ dâu, chứ đâu phải mẹ chồng nữa”.
Ai nói gì mẹ chồng đều bênh tôi chằm chặp. (Ảnh minh họa)
“Ôi dào, thời buổi nào rồi còn giữ khư khư cái quan niệm đó. Con tôi, tôi không chiều, không thương thì đi thương con dâu nhà hàng xóm à? Tụi nó ở trên thành phố công việc đã đủ áp lực lắm rồi, với lại mấy việc chợ búa, cỗ bàn tôi rành hơn, làm ù tí là xong chứ có gì nặng nhọc lắm đâu”, mỗi lần bị ai nói mẹ chồng tôi đều nói như vậy.
Đã thế, mỗi lần vợ chồng tôi về quê bố mẹ lại gói cho bao nhiêu đồ mang đi. Nếu tháng nào không về được, bố mẹ lại đóng thùng gửi xe lên cho bao nhiêu là thứ nào là rau củ quả, thịt lợn, thịt bò, cá tôm,… Tôi gửi tiền thì mẹ chồng nhất định không cầm.
– Được cái gì ngon bố mẹ toàn gói hết cho tụi con, bố mẹ ăn gì chứ?
– Bố mẹ có lương hưu, bố mẹ ở nhà còn bán thêm dưa cà, bán được lắm nên ăn uống đuề huề chứ kham khổ gì đâu. Ở đây toàn đồ quê, vừa sạch vừa rẻ, không đáng bao nhiêu nên bố mẹ mới gửi, chứ trên thành phố giá cả đắt đỏ lại không đảm bảo bằng. Các con không phải lo, tính toán với mẹ khoản đấy, cứ để dành tiền đấy mua sữa cho cháu.
Nghe bố mẹ chồng nói thế, vợ chồng tôi cũng tin là thật, sau không đưa tiền cho bố mẹ nữa.
Vừa rồi chồng tôi đi công tác, tranh thủ anh đi vắng tôi cũng đưa con về thăm ông bà nội 2 ngày cuối tuần. Khi tôi và con trai về đến nhà đã là hơn 11 giờ trưa. Bố mẹ chồng đang ăn cơm trưa trong nhà vội chạy ra mừng rỡ, nhưng vẻ mặt có phần hoảng hốt khi thấy con dâu bất ngờ về thăm.
Tôi định dắt con bước vào thì bố chồng cản ngay lập tức, ra hiệu cho mẹ chồng đi vào trước. Hành động này của ông bà khiến tôi sinh nghi, cảm thấy đang có chuyện gì đó giấu tôi, nên tôi kiên quyết đòi vào bằng được.
Tôi về nhà đúng lúc bố mẹ chồng đang ăn cơm trưa. (Ảnh minh họa)
Vừa mở cửa gian bếp, nhìn mâm cơm của bố mẹ chồng mặt tôi biến sắc. Thì ra thịt cá đuề huề của ông bà như đã nói với các con là đĩa rau muống luộc, bát nước canh rau luộc, bát lạc rang và đôi quả cà muối.
Thấy tôi nhìn chằm chằm vào mâm cơm, mẹ chồng vội vàng giải thích:
– Nay nóng quá, nuốt không trôi nên bố mẹ chẳng buồn ăn, làm đĩa rau luộc, quả cà ăn cho qua bữa.
Đúng lúc ấy, cô hàng xóm sang mua cà muối liền cất lời:
– Hôm nào sang tôi cũng thấy ông bà ăn như vậy, nắng nóng cũng như rét mướt. Bữa nào sang thì có thêm đĩa cá khô, quả trứng, bìa đậu phụ.
Biết không thể giấu con dâu thêm được nữa, mẹ chồng tôi liền cất lời giải thích:
– Các con trên đó còn phải thuê nhà khó khăn. Bố mẹ muốn tích góp một khoản tiền thêm vào cho hai đứa mua nhà nên mới ăn uống tiết kiệm một chút. Cuối năm rút sổ tiết kiệm, lại được thêm một khoản, tổng cỡ 900 triệu, bố mẹ sẽ đưa cho hai đứa để mua một căn chung cư trả góp.
Nghe mẹ chồng nói mà tôi chỉ biết ôm bà khóc. Là con cái, vợ chồng tôi chưa báo hiếu cho bố mẹ được ngày nào, ngược lại phải để ông bà lo lắng, tằn tiện thế này. Chúng tôi bất hiếu quá phải không?