Hoa hồng là loại cây cảnh được nhiều gia đình yêu thích. Cây có thể ra hoa kéo dài, nhiều hoa, đa dạng về chủng loại và màu sắc. So với nhiều loại cây cảnh trồng trong nhà khác, chăm sóc hoa hồng không cần quá nhiều công sức. Tuy nhiên, để cây hoa hồng lớn khỏe mạnh, ra nhiều hoa, bạn cần nắm vững những việc sau đây.
Cắt tỉa cành vào mùa xuân, hạ, thu
Khi trồng cây hoa hồng, việc cắt tỉa cành có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Cắt tỉa cành đúng lúc thì cây hoa hồng mới phát triển tốt và ra nhiều hoa.
Vào mùa xuân, bạn nên cắt tỉa cành cho hoa hồng. Nên bỏ những cành bệnh, cành tăm, cành héo úa. Với những cây còi cọc, việc cắt tỉa cành sẽ giúp tập trung dinh dưỡng nuôi các cành khỏe, thúc đẩy sự phát triển của chồi phụ.
Vùa mùa hè, bạn nên cắt tỉa trên phần cành hoa đã tàn. Như vậy thì chồi non sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, nên cắt bớt lá vàng, lá già phía dưới.
Vào mùa thu, nên cắt tỉa cành để cây tiết kiệm dinh dưỡng, chuẩn bị bước vào giai đoạn ngủ đông. Nếu muốn điều chỉnh dáng cây, bạn có thể tỉa bớt các cành cao và để lại một số cành chính để năm sau cây ra nhiều cành mới.
Bón phân thường xuyên
Hoa hồng cần được bón phân thường xuyên để ra nhánh và hoa nhiều hơn. Quá trình bón phân cho hoa hồng được chia theo từng giai đoạn.
Khi hoa gần tàn, nên bổ sung phân có hàm lượng lân cao (như phần chuồng, phân trùn quế, phân gà…). Loại phân này sẽ kích thích rễ mới phát triển, hồi sức cho cây từ đó thúc đẩy chồi mới mọc lên.
Khi cây ra nụ, hãy bón phân kali để thúc đẩy việc phát triển nụ, tăng số lượng hoa.
Lưu ý, khi trời mưa liên tục, nắng nóng kéo dài hoặc rét đậm rét hại thì không nên bón phân cho cây.
Để cây nhận đủ ánh sáng
Hoa hồng là loại cây ưa sáng nên cần cho cây nhận đủ ánh sáng. Cây có đủ ánh sáng thì quá trình quang hợp diễn ra thuận lợi, tổng hợp thêm các chất dinh dưỡng nuôi cây. Khi đó, cành cây sẽ mập mạp, vươn dài, lá xanh màu và hoa rực rỡ hơn. Nếu trồng cây trong chậu thì nên đặt ở những nơi có nhiều nắng như ban công, sân vườn.
Nếu thiếu nắng, lá sẽ chuyển sang màu vàng vọt, cành phát triển dài nhưng còi cọc, yếu ớt, ít chồi, ít lá. Cây khó ra hoa hoặc có hoa thì hoa cũng nhỏ và thưa cánh.
Phòng bệnh cho cây
Khi trồng hoa hồng, bạn cần sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây. Sau khi nhiễm bệnh, tốc độ lây nhiễm rất nhanh có thể khiến cây lùi tàn.
Vào cuối thu đầu đông hàng năm, hãy chuẩn bị hỗn hợp vôi lưu huỳnh pha với nước theo tỷ lệ 1:500 rồi phun lên khắp cậu hoa (cả cành và lá). Việc này sẽ giúp ngăn chặn sự tấn công của rệp, bọ trĩ, bệnh phấn trắng, nhện đỏ.
Vào mùa xuân, hãy phun hoạt chất imidacloprid vào cành, bề mặt đất, mặt trước và sau của lá 1 lần/tháng để ngừa rệp, bọ trĩ, ruồi trắng.
Tổng hợp: Phụ nữ today
https://phunutoday.vn/trong-hoa-hong-cu-lam-4-viec-nay-la-hoa-no-quanh-nam-bong-to-nhu-cai-bat-d354786.html
Nguồn: Xe & Thể thao
https://xevathethao.vn/uncategorized/trong-hoa-hong-cu-lam-4-viec-nay-la-hoa-no-quanh-nam-bong-to-nhu-cai-bat.html