Xuân, hạ, thu, đông lần lượt qua đi, một năm rồi lại một năm không ngừng lặp lại. Vui vẻ hay đau khổ cũng theo thời gian mà chìm vão quên lãng, trở thành một phần của quá khứ.
Một năm cũ khép lại, những con người tha hương khắp bốn phương đều đang vội vã trên con đường trở về nhà.
Các cụ vẫn căn dặn con cháu: Thất bất xuất, bát bất quy. Nhiều người giải thích là vào ngày mồng bảy âm lịch thì không nên đi ra ngoài, còn ngày mồng tám âm lịch thì không được trở về nhà. Hơn nữa, rất nhiều người còn áp dụng quan niệm này vào những ngày 17, 18, 27, 28 âm lịch.
Nhưng cũng có không ít người cho rằng đó là quan niệm cổ hủ do người xưa truyền lại.
Thực tế thì các cách giải thích trên là chưa đúng.
Thất bất xuất có nghĩa là trước khi ra khỏi cửa cần làm xong bảy việc, nếu chưa xong thì không nên đi. Bảy việc này chính là: Sài (củi), mễ (gạo), du (dầu), diêm (muối), tương, thố (giấm), trà, cũng chính là 7 điều chúng ta thường hay nói đến trước khi ra khỏi cửa.
Nguyên nhân là bởi người phụ nữ thời xưa không ra ngoài hoặc rất ít đi ra ngoài. Người đàn ông lại là trụ cột gia đình, nên khi người đàn ông đi ra ngoài thì phải lo thu xếp ổn thỏa những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống cho vợ con, sắp xếp êm xuôi mọi việc thì mới có thể yên tâm ra khỏi nhà. Nhu cầu ấy là những thứ như củi, gạo, dầu, muối, tương, giấm, trà.
“Bát bất quy” nghĩa là sau khi ra khỏi cửa cần làm được tám việc, làm xong mới được về nhà. Tám việc này chính là: Hiếu, đễ (hữu ái), trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Đây cũng là tám quy tắc đạo đức cơ bản của người xưa, vi phạm bất cứ quy tắc nào cũng có lỗi với tổ tiên, cũng không còn mặt mũi nào gặp người nhà.
Thế mới thấy câu nói: “Thất bất xuất, Bát bất quy” không phải là điều mê tín, mà chính là một quy phạm đạo đức mà cổ nhân truyền lại cho con cháu.