Tốt nghiệp RMIT tại Úc, chàng trai về nước làm shipper với thu nhập 30 triệu đồng/tháng

Từ du học sinh tại Úc, từng làm chủ một tiệm bánh mì ở Melbourne, chàng trai TP.HCM quyết định trở về Việt Nam, bắt đầu lại từ công việc giao hàng và chạy xe công nghệ. Anh xem đây là hành trình tích lũy kinh nghiệm để một ngày không xa khởi nghiệp lần thứ hai.

7 năm bươn chải nơi xứ người

Sinh năm 1992 tại TP.HCM, Lâm Đức Nhuận từng có gần một thập kỷ học tập và mưu sinh ở nước ngoài. Anh không chọn con đường trải hoa hồng – mà là hành trình gập ghềnh, tự nhận mình “không giỏi, chỉ bền bỉ”.

Ban đầu, Nhuận du học Malaysia với ngành Công nghệ thông tin. Nhưng khi nhận ra khả năng tiếng Anh chưa đủ để đi xa, anh quyết định quay về nước sau khóa học, kiên trì rèn luyện lại từ đầu.

Hai năm sau, năm 2012, Nhuận đặt chân đến Melbourne – thành phố lớn của Úc – để theo học ngành Kế toán doanh nghiệp tại Đại học RMIT. May mắn thay, anh được cô ruột hỗ trợ chỗ ở, bớt đi gánh nặng chi phí.

Anh theo học ngành Kế toán doanh nghiệp tại Đại học RMIT (Úc)

Ngay từ ngày đầu tới Úc, anh đã bắt đầu làm việc tại tiệm bánh mì của gia đình. Lịch sinh hoạt của anh dày đặc: 2 giờ sáng dậy làm bánh, 6 giờ lên tàu đến trường, chiều học thêm tiếng Anh rồi lại trở về với công việc tay chân. Có những ngày anh chỉ ngủ vỏn vẹn 4 tiếng để kịp hoàn thành việc học và kiếm sống.

Thời gian đi học, Đức Nhuận làm thêm tại tiệm bánh mì của gia đình
Trước khi trở về Việt Nam, anh từng làm chủ một cửa hàng riêng tại Úc

Sau khi tốt nghiệp, thay vì xin việc đúng ngành, anh chọn khởi nghiệp bằng việc mở tiệm bánh mì ở khu Richmond. Ban đầu, cửa hàng vận hành ổn định nhưng sau đó gặp khó khăn vì vị trí không thuận lợi, chi phí thuê mặt bằng cao. Năm 2019, sau nhiều cố gắng, anh buộc phải đóng cửa tiệm, chấm dứt hành trình khởi nghiệp đầu tiên.

Trở về Việt Nam, khởi đầu mới với công việc giao hàng

Trở về nước chỉ với vài trăm đô trong tay, Nhuận không tìm đến sự trợ giúp của gia đình. Anh dành một tháng đi du lịch để nghỉ ngơi, sau đó nhận công việc văn phòng tại một công ty vận tải. Tuy nhiên, môi trường công sở không phù hợp khiến anh nhanh chóng xin nghỉ.

Một người bạn giới thiệu Nhuận công việc giao đồ ăn qua ứng dụng công nghệ. Từ đây, anh bước vào hành trình mưu sinh mới. Thu nhập mỗi tháng dao động từ 15 đến 20 triệu đồng. Mức này tương đương với khi làm văn phòng, nhưng bù lại, anh cảm thấy thoải mái và học hỏi được nhiều điều khi đi lại khắp nơi.

Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19, Nhuận nhận ra rằng ngành logistics và giao hàng đóng vai trò thiết yếu trong xã hội hiện đại. Từ công việc này, anh học được cách vận hành của các nhà hàng, quán ăn và bắt đầu hình thành lại mục tiêu lâu dài cho mình.

Hướng đến ngành du lịch và một thương hiệu bánh mì mới

Không dừng lại ở việc làm shipper, Nhuận chuyển sang chạy xe ôm công nghệ để có thể phục vụ du khách nước ngoài. Anh tận dụng lợi thế ngoại ngữ, chủ động bắt chuyện với khách và hỗ trợ họ trong các nhu cầu di chuyển. Nhờ sự nhiệt tình, nhiều khách đã tin tưởng và mời anh làm hướng dẫn viên riêng.

Từ shipper giao hàng, Đức Nhuận chuyển qua xe ôm công nghệ và hiện tại là tài xế xe ô tô công nghệ

Anh dự định vừa chạy xe kiếm tiền, vừa làm du lịch song song và sau này sẽ mở lại tiệm bánh mì ở Việt Nam

Từ trải nghiệm đó, Nhuận quyết định phát triển mô hình cá nhân: vừa làm tài xế công nghệ, vừa phục vụ khách du lịch như một người dẫn đường địa phương. Hiện tại, anh đã “nâng cấp” lên xe ô tô công nghệ, tiếp tục tích lũy vốn và kinh nghiệm để từng bước hiện thực hóa giấc mơ mở lại tiệm bánh mì tại quê nhà.

Anh dự định vừa chạy xe kiếm tiền, vừa làm du lịch song song và sau này sẽ mở lại tiệm bánh mì ở Việt Nam

Song song, anh cũng tự học thêm ngoại ngữ như tiếng Đức, tiếng Trung để phục vụ tốt hơn cho khách quốc tế. Mục tiêu hiện tại của Nhuận là đảm bảo thu nhập ít nhất 1 triệu đồng mỗi ngày để dành vốn cho kế hoạch khởi nghiệp trong vòng hai năm tới.

Mẹ là động lực lớn nhất

Dù theo đuổi con đường riêng, Nhuận thừa nhận không tránh khỏi những lúc chạnh lòng khi nghĩ đến mẹ – người luôn âm thầm ủng hộ anh. Ba mất sớm, mẹ là chỗ dựa lớn nhất và luôn tin tưởng con trai, bất kể có bao nhiêu lời bàn tán từ người ngoài.

“Mẹ mình hay nói: ‘Cố lên con, thất bại ở đâu thì đứng lên ở đó’. Nhờ vậy mà mình luôn có thêm động lực. Dù đôi khi cảm thấy có lỗi với mẹ, nhưng mình tin với sự kiên trì, mình sẽ không để mẹ thất vọng”, anh chia sẻ.

Thành công không chỉ gói gọn trong một lộ trình

Trước những lời bàn tán kiểu “du học về rồi đi chạy xe”, Đức Nhuận không tranh cãi. Anh chỉ cười nhẹ.

“Mỗi người có một con đường riêng. Mình không so sánh với ai. Quan trọng là mình biết mình muốn gì, theo đuổi điều đó đến cùng và cảm thấy hạnh phúc”

Không chọn so sánh, không đặt mình vào cuộc đua của ai khác, Nhuận đi theo con đường riêng: gần mẹ, gần bạn, làm công việc mình yêu thích, sống vừa sức, học hỏi mỗi ngày.

Trong mắt người khác, có thể là “lùi”.

Nhưng với Nhuận, đó là tiến – về phía cuộc đời thật của mình.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/tot-nghiep-rmit-tai-uc-chang-trai-ve-nuoc-lam-shipper-voi-thu-nhap-30-trieu-dong-thang-d295659.html