Các bạn đã bao giờ thắc mắc hay thử tìm hiểu tại sao ngày Tết ông bà cha mẹ thường dặn nhất định phải ăn những món này. Món ăn dịp Tết không đơn giản là món ăn thông thường, nó còn thể hiện ý nghĩa tượng trưng cho may mắn, no đủ. Mỗi món ăn lại mang đến ý nghĩa khác nhau. Cụ thể, dưới đây là một số món ăn theo quan niệm mang lại may mắn:
Xôi gấc
Xôi gấc được xem là món ăn tượng trưng cho sự may mắn, niềm tin vào một năm mới thành công. Theo quan niệm nhân gian: màu đỏ là màu của hạnh phúc, màu thắm của sắc xuân, là biểu tượng cho sự may mắn, tốt lành. Hơn nữa, màu đỏ của gấc là màu tự nhiên của đất trời mang đến nên sẽ tạo ra sự dung hòa, thuận lợi cho năm mới. Vì vậy mà các món ăn từ quả gấc thường là lựa chọn số 1 của gia đình Việt trong các dịp lễ, tết hay ngày trọng đại để mong gia đình “đỏ” cả năm.
Dưa hấu
Trong phong tục và quan niệm của người Việt Nam, ngày tết thường chưng dưa hấu trên bàn thờ không chỉ là trang trí tết cho đẹp mà còn có ý nghĩa về cầu tài lộc và sự may mắn thịnh vượng cho gia đình. Màu đỏ của ruột dưa hấu tượng trưng cho tài lộc, may mắn, còn vỏ màu xanh là sự hi vọng ẩn chứa niềm vui từ bên trong.
Ăn cá
Theo quan niệm dân gian, thì từ cá đồng nghĩa với sự dư dật. Bởi lẽ đó những món cá để nguyên đầu và đuôi là một phần không thể thiếu trong các mâm cỗ Tết để có được một khởi đầu và kết thúc tốt đẹp, đồng thời tránh mọi tai họa trong năm mới.
Bánh chưng
Trong mỗi mâm cơm thờ cúng vào dịp tết thì bánh chưng không thể thiếu bởi mỗi chiếc bánh chưng xanh vuông vắn, thể hiện sự quy tụ của trời đất. Đây là một món ăn với ý nghĩa trang trọng, cao quý nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.
Gà luộc
Mâm cơm cúng có gà luộc thể hiện mong muốn năm mới phúc đức đủ đầy. Nhiều người tin rằng, gà luộc tượng trưng cho sự ấm no, an khang. Vì thế, không biết từ khi nào, món gà luộc được chọn làm món ăn khởi đầu cho năm mới nhiều may mắn.
Thịt kho tàu
Thịt kho tàu thể hiện sự hòa hợp các nguyên liệu thể hiện tình cảm gia đình hòa thuận, yên vui. Muốn có nồi thịt kho tàu ngon, người miền Nam thường sử dụng nhiều nước dừa hơn so với các vùng miền khác, kho liu riu cho nước cạn dần tạo thành món ăn có màu vàng nâu sóng sánh. Thịt kho tàu giàu dinh dưỡng, lại đậm đà dễ ăn, người già hay trẻ nhỏ, khách xa hay gần đều ăn được. Món thịt có cả nạc lẫn mỡ, vị béo ngậy, màu sắc ấm ấp mang lại ý nghĩa đủ đầy, sung túc cho năm mới vẹn tròn.
Mì trường thọ (mì sợi dài)
Theo quan niệm truyền thống của dân gian Trung Quốc, mì sợi dài là món ăn đặc trưng trong mỗi dịp tổ chức sinh nhật và việc vui trong gia đình. Với tên gọi khác là mì trường thọ, món ăn may mắn này sẽ mang đến lời chúc sức khỏe dồi dào, sống lâu trăm tuổi. Nó thường được dùng để con cháu bày tỏ tấm lòng hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ vào dịp đầu năm mới. Trong suốt quá trình làm mì, hãy cố gắng để sợi mì càng dài càng tốt. Không nên làm mì bị đứt để mang trọn vẹn ý nghĩa về sự trường thọ. Nếu bạn không biết làm mì thì cũng có thể mua sẵn mì tươi để chuẩn bị làm món ăn may mắn trong dịp đầu năm.
Bí mật khiến mì trường thọ có ý nghĩa đặc biệt ở hình dạng và cách chế biến sợi mì. Khi làm mì, người đầu bếp phải kéo căng bột và cắt thành từng sợi dài, mỏng và mịn. Người dân tin rằng điều này khiến cho sợi mì trở nên rất đặc biệt, tượng trưng cho một cuộc sống khỏe mạnh và trường tồn.
Canh khổ qua
Đúng như tên gọi của nó, món canh khổ qua có ý nghĩa là niềm hy vọng rằng những điều khó khăn, vất vả của năm cũ sẽ qua đi để năm mới sẽ gặp nhiều điều may mắn, thuận lợi hơn. Mặc dù món canh khổ qua khá quen thuộc, tuy nhiên khi nó xuất hiện trên mâm cỗ ngày Tết thì nó lại trở nên ý nghĩa vô cùng, dường như có tô canh khổ qua nhồi thịt mọi người bỗng cảm thấy an tâm hơn rằng mọi điều không may của năm cũ đã qua, hy vọng năm mới mọi điều sẽ khác sẽ tốt đẹp hơn.
Theo lối chơi chữ của người Việt chúng ta, từ “khổ qua” chính là ý nghĩa những đau khổ, mất mác trong năm cũ sẽ trôi qua. Điều này đồng nghĩa với những mong đợi cho một năm mới an lành, hạnh phúc.
Đu đủ
Về ý nghĩa văn hóa dân gian loại quả này tượng trưng cho sự no đủ, sung túc về vật chất và tinh thần.
Hạt dưa đỏ
Đối với tín ngưỡng tâm linh của người dân Á Đông thì màu sắc đỏ tươi luôn kết nối với các hỉ sự và sự cát tường, thịnh vượng. Chính vì thế ngoài màu vàng truyền thống, sắc đỏ là màu đại diện cho dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Với ý nghĩa trên, hạt dưa đỏ luôn được ưu ái để hiện diện trong khay mứt của mỗi gia đình dịp Tết đến xuân về.
Quýt – trái cây mang lại tài lộc
Một số loại trái cây được ăn trong dịp Tết Nguyên đán, chẳng hạn như quýt, cam và bưởi. Những loại quả này được lựa chọn vì chúng đặc biệt tròn và có màu “vàng”, tượng trưng cho sự no đủ và giàu có.
Đặc biệt, khi phát âm từ này trong tiếng Trung, nó giống như âm thanh của sự may mắn.
Trong tiếng Trung Quốc, cam (và quýt) phát âm giống với cụm từ có nghĩa là “thành công”, đồng thời một trong những cách viết “quýt” có chứa chữ Hán mang nghĩa may mắn.
Nguồn: Tổng hợp