Thực ra con người càng thân thiết càng dễ lòng ghen tị, nhất là người thân trong gia đình, họ mong bạn sống tốt chứ không muốn bạn sống tốt hơn người ta.
Trong mối quan hệ gia đình, họ hàng, có 3 bí mật bạn không nên kể lể, càng nói càng sinh lắm chuyện.
Thứ nhất, đừng tiết lộ số tiền con bạn kiếm được
Khi mọi người giao tiếp với nhau sẽ không tránh khỏi tâm lý “so sánh”. Khi chúng ta đi học, chúng ta so sánh điểm số của mình với các bạn cùng lớp. Khi thi vào đại học, chúng ta so sánh với bạn bè xem trường nào tốt hơn. Khi ra trường, chúng ta cạnh tranh xem ai có công việc tốt hơn và kiếm được nhiều tiền hơn. Sau khi có con, chúng ta so sánh với các bạn cùng trang lứa xem ai có con ngoan ngoãn và có triển vọng. Khi con cái kết hôn và bắt đầu sự nghiệp, chúng ta so sánh với những người có con kiếm được nhiều tiền hơn, có sự nghiệp tốt và sống một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Trong cuộc sống của một người, dường như khó thoát khỏi những “so sánh”. Nhưng bạn có thấy rằng sự bất hạnh của hầu hết mọi người chính là từ đó mà ra?
Loại so sánh này là rất rõ ràng giữa những người thân. Mỗi người họ sinh ra trong những gia đình khác nhau, sống những cuộc sống khác nhau và con cái của họ phát triển khác nhau. Mỗi người sẽ bận rộn với cuộc sống của mình, không quan tâm đến người thân, bạn bè và rồi tụ tập trong những ngày lễ tết để trút những lời đã tích cóp được cả năm trời.
“Con của cô thế nào rồi? Con tôi bây giờ mỗi tháng đều kiếm được rất nhiều tiền. Cô xem, quần áo giày dép của tôi đều do con tôi mua”… Sau những câu nói vui vẻ, những lời trao đổi tương tự luôn mang đến cho người ta cảm giác khó chịu. Người khoe có thể không có ý gì bởi việc có đứa con thành đạt, hiếu thảo là điều rất đáng mừng, muốn lan tỏa niềm vui tới người thân mà thôi. Nhưng không phải ai cũng như vậy. Khi bạn kể về đứa con thành đạt của mình, nhiều người thân khác thực sự sẽ cảm thấy khó chịu, ghen tị, thậm chí nảy mầm hận thù.
Do đó, cho dù mối quan hệ giữa những người họ hàng có tốt đến đâu, bạn cũng không nên tiết lộ trước mặt nhau rằng con mình có thể kiếm được bao nhiêu tiền và chúng sống tốt như thế nào.
Thứ hai, không tiết lộ mâu thuẫn vợ chồng
Bạn có gặp trường hợp này không: Một cặp vợ chồng bất đồng quan điểm về vấn đề nào đó, từ tranh luận đến cãi vã, rồi muốn nhờ người thân, bạn bè phân xử giúp. Sau đó, người thân không những không thể giúp giải quyết mâu thuẫn giữa vợ chồng mà chẳng biết bằng cách nào, những mâu thuẫn đó lại đồn ra ngày càng xa và nghiêm trọng hơn.
Giờ thì bạn đã hiểu vì sao không nên công khai những mâu thuẫn của vợ chồng với họ hàng rồi chứ? Ngay cả khi bạn nghĩ rằng bạn có mối quan hệ tốt với người thân của mình, không có gì đảm bảo rằng người thân của bạn sẽ giữ bí mật cho bạn. Những buổi tám chuyện, bàn tán về cuộc sống của ai kia là điều rất phổ biến và khi bạn nói với người thân của mình về mâu thuẫn giữa hai vợ chồng, bạn thực sự đang cung cấp cho họ tài liệu để ngồi lê đôi mách.
Chuyện vợ chồng dù là gì cũng phải tự giải quyết sau cánh cửa đóng kín. Nếu không, khi câu chuyện về gia đình bạn lộ ra ngoài và ngày càng biến tướng, giữa hai người khó lòng không sinh hiềm khích.
Thứ ba, không tiết lộ ý kiến của bạn về những người thân khá
Ở đâu có con người, chắc chắn ở đó sẽ có mâu thuẫn. Trong tất cả những người thân của bạn, sẽ có người bạn thích nhất và muốn gần gũi, có người bạn không ưa và thường có quan điểm trái ngược với nhau. Vậy làm thế nào để đối phó với những bạn không thích nhưng không thể không qua lại?
Nhớ rằng, bạn không cần phải thích tất cả mọi người cũng như tất cả mọi người không có nghĩa vụ phải thích bạn. Với những người bạn không thích và không thể dừng giao tiếp, hãy biết giữ cái gọi là khoảng cách phù hợp. Dù lý do là gì đi chăng nữa, đừng khi nào dại dột than phiền về người thân trước mặt một người quen chung nào đó. Làm điều này chính là bạn đang mạo hiểm để lời nói của mình có thể lọt vào tai người kia. Những người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ không tiết lộ bí mật này trước mặt những người thân của họ.