– “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Vũ Dung – Vũ Thúy Anh – Vũ Quang Hào – NXB Văn học, 2008): “Đàn ông đốn nhà, đàn bà đốn áo. (đốn: cắt bỏ bớt). Những việc cần kiêng kỵ để tránh xảy ra tai họa, theo mê tín”.
– “Từ điển tiếng Việt” (Ban Biên soạn Chuyên Từ điển New Era – NXB Từ điển Bách khoa, 2013): “Đàn ông đốn nhà, đàn bà đốn áo: Những việc cần kiêng kỵ để tránh xảy ra tai họa, theo mê tín”.
– “Thành ngữ tục ngữ Việt Nam” (nhóm biên soạn Bùi Hạnh Cẩn – Bích Hằng – Việt Anh – NXB Văn hóa Thông tin, 2001): “Đàn ông đốn nhà, đàn bà đốn áo: Những việc kiêng kỵ để tránh xảy ra tai họa, theo mê tín”.
– “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương – NXB Tổng hợp TP HCM, 2010): “Đàn ông đốn (?) nhà, đàn bà đốn áo: Chưa rõ nghĩa”.
Như vậy (trong 4 nguồn tài liệu), ngoại trừ từ điển của Nguyễn Đức Dương đặt dấu chấm hỏi (?) sau từ “đốn” và xếp câu tục ngữ vào diện tồn nghi (chưa rõ nghĩa) thì 3 cuốn từ điển còn lại có cách giảng (gần như) giống hệt nhau. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là “những việc kiêng kỵ” ở đây cụ thể là gì; “tránh xảy ra tai họa” như thế nào, hoàn toàn không được các nhà biên soạn từ điển “tiết lộ”.
Vậy, “đốn” trong “đốn nhà”, “đốn áo” là gì? Đúng như từ điển của nhóm Vũ Dung chú thích “đốn” có nghĩa là “cắt bỏ bớt”. Tuy nhiên, “cắt bỏ bớt” với mục đích sửa lại, chứ không phải cắt bỏ bớt nói chung:
– “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex) giảng nghĩa (3) và xếp “đốn” vào diện “id” (ít dùng): “ĐỐN 3 [id] cắt ngắn quần áo để chữa: đốn áo dài thành áo ngắn”.
– “Việt Nam tự điển” (Hội Khai Trí Tiến Đức) giảng nghĩa (2): “ĐỐN… Cắt ngắn đi <> Đốn gấu áo”.
– “Từ điển Việt Nam phổ thông” (Đào Văn Tập) giảng nghĩa thứ 2 của “đốn”: “ĐỐN… Cắt ngắn đi <> đốn gấu áo; đốn cột”.
– “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức) giảng nghĩa (5): “ĐỐN … Ngưng lại, dừng lại, sửa – sang lại: Chỉnh – đốn”.
Như vậy, “đốn áo”, là cắt bớt gấu áo để sửa; “đốn cột” là cắt bớt chân cột để sửa. Có lẽ, xưa kia (và trùng tu đình chùa bây giờ), những cây cột gỗ lâu năm thường hay bị mối mọt, mục mại phần chân, người ta không thay hẳn cột khác, mà cắt bớt phần chân cột bị mục mại, rồi nối phần chân cột mới vào. Phần chân cột mới được gắn kết với thân cột cũ bằng các loại “mộng khóa” như mộng cá, mộng đuôi én, mộng âm dương… Ấy gọi là “đốn cột”. Và dĩ nhiên, “đốn cột” không có nghĩa đơn giản là cắt ngắn cột đi, mà là cắt ngắn (với mục đích) để sửa lại. Theo đây, đốn cột cũng có nghĩa là sửa nhà.
“Đốn áo”, hay “đốn nhà” (“đốn cột”) hiểu khái quát là vá (may) quần áo và sửa (chữa) nhà cửa. Cụ thể, “Đàn ông đốn nhà, đàn bà đốn áo” được diễn giải là: Đàn ông (thì) sửa nhà, đàn bà (thì) sửa áo [1].
Thông thường, đàn ông gắn với những công việc yêu cầu sức mạnh, đàn bà quen làm những việc cần sự khéo léo, nhẹ nhàng (từ thời cổ xưa đã có sự “phân công” đàn ông săn bắn, đàn bà hái lượm). Theo đây, tục ngữ Việt còn có câu đồng nghĩa “Gái khéo vá vai, trai tài phủ nóc” (Gái thể hiện khéo léo bằng vá phần rách [rất khó vá cho đẹp] ở vai áo; trai thể hiện tài giỏi bằng sửa chữa, lợp lại [phần dột khó phủ cho kín] của nóc nhà). Hay tục ngữ Thái “Nhinh hụ hết phai, chái hụ xán he” (Gái biết dệt vải, trai biết đan chài); tục ngữ Tày “Mìa tăm thúc, phua slan khe” (Vợ dệt vải, chồng đan chài).
Như vậy, theo chúng tôi, tục ngữ “Đàn ông đốn nhà, đàn bà đốn áo” đúc kết về sự phân công lao động (theo giới) một cách tự nhiên; thể hiện thiên chức (khác nhau) giữa đàn ông và đàn bà (hay giữa chồng và vợ) qua công việc hằng ngày, chứ không liên quan gì tới “kiêng kỵ”, “tránh tai họa” hay “mê tín” gì… như một số nhà biên soạn từ điển đã giảng.
[1]- Có lẽ, “đốn” (cắt ngắn để sửa lại) vốn có nghĩa gốc từ chữ “đốn” 整, nghĩa là sửa lại, sửa sang (như Thiều Chửu giảng nghĩa thứ ⑥ của “ĐỐN” là: “Chỉnh đốn 整頓 sự gì cái gì đã tán loạn lâu rồi mà lại sửa sang lại cho được như cũ gọi là chỉnh đốn”; hay “Hán Việt tự điển” [Trần Văn Chánh] giảng nghĩa ④ của “ĐỐN”: “Sửa sang, chỉnh đốn, sắp xếp: 整頓 Chỉnh đốn; 安頓”).