Tuyến giáp là một tuyến nằm ở vùng cổ, gần khí quản. Vai trò của tuyến giáp đó là sản xuất hormone, có tác dụng kiểm soát nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể và cân nặng.
Theo số liệu của GLOBOCAN 2020, ung thư tuyến giáp đứng thứ 9 trong số các ung thư có tỉ lệ người mắc cao nhất trên thế giới, có khoảng hơn 500.000 người mắc mới mỗi năm. Hiện nay, ung thư tuyến giáp chiếm tới trên 90% trong các loại UT thuộc hệ nội tiết.
Thời điểm phụ nữ có nguy cơ mắc UT tuyến giáp cao nhất trong đời
Theo ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn (chuyên ngành Ung bướu, Giảng viên Đại học Y Dược – Đại học Quốc gia Hà Nội): Trong UT tuyến giáp, các dạng UT tuyến giáp biệt hóa (thể nhú, thể nang) phổ biến nhất, tiến triển chậm, tiên lượng tốt, đặc biệt là khi được chẩn đoán và điều trị sớm.
Trong UT tuyến giáp, các dạng UT tuyến giáp biệt hóa (thể nhú, thể nang) phổ biến nhất.
Tuy nhiên, nếu UT tuyến giáp phát hiện ở giai đoạn muộn, thì khối u sẽ xâm lấn ra các tổ chức lân cận quanh tuyến giáp, di căn tới hạch ở khu vực quanh cổ, hoặc tới xương, phổi, não.
So với nam giới, phụ nữ có nguy cơ mắcUT tuyến giáp cao hơn nhiều lần. Phụ nữ có nguy cơ mắc UT tuyến giáp thể nhú cao gấp 3 lần so với nam giới. Đây cũng là loại UT phổ biến thứ bảy ở phụ nữ. Lý do bởi tình trạng hormone sinh dục nữ estrogen và thụ thể hormone estrogen trong các tế bào tuyến giáp có thể có vai trò trong sự tiến triển của bệnh UT tuyến giáp.
Dù độ tuổi nào cũng có nguy cơ mắc UT tuyến giáp, tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ 40-49 tuổi có tỷ lệ mắc UT tuyến giáp thể nhú cao nhất. Ở độ tuổi này, hầu hết chị em sắp hoặc bước vào thời kỳ mãn kinh. Trong khi đó, UT tuyến giáp thể bất thục sản thường được phát hiện sau tuổi 60.
Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ 40-49 tuổi có tỷ lệ mắc UT tuyến giáp thể nhú cao nhất.
ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn khuyên chị em, đặc biệt là những chị em trong độ tuổi 40-49 nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ và đừng bỏ qua việc siêu âm tuyến giáp, để có thể kiểm soát tình hình tuyến giáp và được chẩn đoán, điều trị sớm nếu không may mắc bệnh.
Dấu hiệu UT tuyến giáp
Bệnh UT tuyến giáp thường biểu hiện ít triệu chứng. Bệnh nhân thường đến bệnh viện với triệu chứng đầu tiên là nhìn hoặc sờ thấy khối u vùng cổ. Hay là tình cờ phát hiện qua siêu âm tuyến giáp. Hoặc cũng có thể là khi phát hiện hạch cổ, các vị trí di căn.
Các dấu hiệu rất dễ bị nhầm lẫn và bỏ qua. Thường là:
– Cổ to lên, sờ thấy khối u vùng cổ.
– Nuốt khó, khó thở, nói khàn khi u to chèn ép xâm lấn xung quanh.
5 nhóm người có nguy cơ mắc UT tuyến giáp cao
1. Người có tiền sử xạ trị vùng cổ hoặc tiền sử tiếp xúc, chiếu tia X hay các tia liên quan tới máy chụp CT.
2. Có chế độ ăn thiếu hoặc quá nhiều iốt làm tăng nguy cơ mắc các bướu giáp đơn thuần cũng như ung thư tuyến giáp thể nang.
3. Có tiền sử mắc các bệnh tuyến giáp mạn tính như viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto hoặc viêm tuyến giáp bán cấp De Quervain… có nguy cơ mắc UT tuyến giáp cao hơn.
4. Trong UT tuyến giáp thể tủy, có liên quan chặt chẽ với tính chất gia đình và di truyền. Thường những bệnh nhân UT tuyến giáp thể tủy thường nằm trong bệnh cảnh đa u nội tiết MEN 2, trong đó có 2 dưới nhóm MEN 2a và MEN 2b.
MEN 2a bao gồm: UT tuyến giáp thể tủy, u tế bào ưa chrom tiết Adrenalin tại tuyến thượng thận và u tuyến cận giáp.
MEN 2b bao gồm: UT tuyến giáp thể tủy, u tế bào ưa chrom và u xơ thần kinh hay gặp ở niêm mạc và đường tiêu hóa, đặc biệt là ở lưỡi.
5. Người sống ở vùng biển, nơi có chế độ ăn giàu iod hoặc người có tiền sử Basedow khi có u đặc tuyến giáp thì dễ nghi ngờ UT tuyến giáp.