Nỗi lòng người phụ nữ xa quê lên thành phố mưu sinh: “Tất cả cố gắng đều là vì con”

“Mà về con nó đâu có theo mẹ”, tâm trạng tủi thân dâng trào trong lòng người mẹ tha hương lên thành phố kiếm từng đồng từng hào lo cho gia đình.

Những mảnh đời mưu sinh nơi đất khách quê người đôi khi chúng ta nhìn vào lại thấy chạnh lòng, đặc biệt là cảnh bố mẹ phải kìm lòng xa những đứa con thân yêu của mình.

Như câu chuyện trên mạng xã hội chia sẻ gần đây về một người phụ nữ tha hương từ Vĩnh Phúc vào TP. Hồ Chí Minh làm nghề ve chai để nuôi 2 cậu con trai ăn học. Được biết, người phụ nữ đó tên Đỗ Thị Thúy, sinh năm 1983. Trước khi vào Nam, cô và chồng ở nhà đi làm phụ hồ nhưng vì công việc nặng nhọc cộng thêm sức khỏe yếu mà phải nghỉ việc giữa chừng.

Không còn cách nào khác, vì miếng cơm manh áo cho con mà cô Thúy cùng chồng dằn lòng theo xe vào TP. Hồ Chí Minh làm ăn để lại 2 đứa con thơ khi ấy mới 3-4 tuổi ở nhà nhờ người thân chăm sóc. Vừa vào Nam cô đã xắn quần xắn áo đi nhặt ve chai vào buổi tối, công việc này dù vất vả nhưng “mọi sự cố gắng đều là vì con”.

Thời gian nhặt ve chai của cô Thúy giao động từ 9-10 tiếng, công việc tưởng chừng như đơn giản song lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngày nào bội thu chiếc xe của cô chất đầy ắp những chiếc chai lọ, bìa carton, sắt thép… nhưng khi tham gia giao thông lại vô cùng nguy hiểm, có thể xảy ra va chạm bất cứ lúc nào. Nhận thức rõ được điều này mỗi lần chở hàng, cô Thúy luôn cẩn thận hết sức để bảo vệ an toàn cho chính bản thân, những người xung quanh và hơn cả là để các con ở nhà yên tâm.

Con còn bé đã phải xa cách, cô Thúy buồn lắm. Nhiều lúc đi trên đường thấy gia đình nhà người ta quây quần, hạnh phúc mà nước mắt cô trực rơi, nhất là những ngày lễ Tết, cô không được ở cạnh con, cô lại càng nhớ con vô cùng. Nhưng càng như thế, vợ chồng cô lại càng phải mạnh mẽ, kiếm tiền thật nhiều mong cuộc sống sau này của các con bớt khổ, con được đi học bằng bạn bằng bè, thành gia lập thất, an cư lạc nghiệp.

Việc xa cách con lâu ngày cũng khiến tình cảm mẹ con không được gần gũi và thân thiết, khi cô Thúy về nhà muốn bế con mà con cô chỉ nấp sau lưng bà. Tâm trạng tủi thân dâng trào nhưng rồi con lớn lên, dần dần hiểu chuyện bố mẹ phải đi làm xa nhà là để nuôi mình ăn học nên đã nhắc nhớ bố mẹ, gọi điện hỏi thăm, cô mừng đến rơi cả nước mắt.

Nhờ chăm chỉ và tiết kiệm mà vợ chồng cô cũng dành ra được một khoản gửi về cho 2 con ăn học. Thế nhưng, với những đồng tiền ít ỏi đó đôi khi ở nhà có việc đột xuất cô lại phải chạy đôn chạy đáo đi vay mượn khắp nơi để có tiền lo việc ở quê. Vì thế, cô mong vợ chồng làm lụng trả hết số nợ vay mượn rồi tích góp được một số tiền nho nhỏ về quê chăm lo cho con cái và báo hiếu với bố mẹ. Chỉ cần nghĩ đến ngày đó là nụ cười trên người phụ nữ lam lũ đó lại hé nở.

Thế mới thấy, cảnh những người xa quê để mưu sinh đều vô cùng khó khăn, vất vả nhưng vì gia đình mà họ phải gồng mình cố gắng. “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ. Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Dù chật vật đến đâu, mệt mỏi cỡ nào bố mẹ cũng lăn xả, làm tất cả để các con có cuộc sống đầy đủ và tốt đẹp hơn.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/noi-long-nguoi-phu-nu-xa-que-len-thanh-pho-muu-sinh-tat-ca-co-gang-deu-la-vi-con-d150448.html
X