Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu vốn dĩ tồn tại rất nhiều vấn đề. Nhưng cũng có thể, tất cả xuất phát từ cách ứng xử, xử sự không được khôn khéo từ người trong cuộc. Nhiều nàng dâu ngay từ đầu đã có quan niệm sai về việc ứng xử và sống chung với mẹ chồng. Cũng bởi như vậy mà khiến cho mối quan hệ hai bên càng ngày càng trở nên xa cách, khó có thể hòa hợp cùng nhau. Muốn để mẹ chồng yêu quý, mối quan hệ của cả hai luôn luôn ổn định cũng cần có bí quyết.
Dưới đây là những bí quyết mà các nàng dâu nên học hỏi để đối xử với mẹ chồng và có mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thật êm đẹp nhé.
Một trong những thử thách lớn nhất của cuộc sống hôn nhân chính là việc kết nối và làm thân với thông gia của mình. Mặc dù đây là điều cần thiết ở cả hai vợ chồng, nhưng người phụ nữ luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Theo một nghiên cứu gần dây, khoảng 60 phần trăm các cuộc hôn nhân gặp phải thử thách đều là từ phía mẹ chồng, và chủ yếu là những xung đột giữa họ và con dâu. Nhìn thấy được thực trạng này, dưới đây sẽ là một số lời khuyên hữu ích cho các nàng dâu, giúp định hướng thái độ và cách giải quyết cho mối quan hệ phức tạp này.
Sống với mẹ chồng cần thật lòng nhưng đừng quá căng thẳng và luôn nhớ một từ “Nịnh”
Rất nhiều người khi mới về làm dâu cảm thấy quá căng thẳng trong cuộc chiến với mẹ chồng. Khi đã căng thẳng, chúng ta không thể sáng suốt và bĩnh tĩnh trong mọi hoàn cảnh được. Nhưng hãy nhớ, mẹ chồng của bạn không phải “kẻ thù”. Trong những tình huống éo le, không phải cứ “thật lòng” thể hiện thái độ là ổn đâu. Điều đó chỉ làm mối quan hệ này ngày một leo thang thôi.
Nên nhớ: Có những điều về mẹ chồng nàng dâu phải “sống để bụng chết mang theo”. Hãy cố gắng mềm mỏng, nhẹ nhàng hóa quan hệ. Tuy cần chân thành nhưng không phải quá thật thà, thẳng tính là được.
Luôn luôn phải tôn trọng mẹ chồng
Muốn được người khác tôn trọng hãy tôn trọng họ trước. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch trong tất cả các mối quan hệ. Và với mẹ chồng nàng dâu cũng vậy. Tôn trọng mẹ chồng sẽ giúp con dâu luôn cư xử phải lẽ, cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói với mẹ chồng.
Trong thực tế đúng là như vậy, nếu nàng dâu không giữ nguyên tắc trên, sẽ có lúc trong cơn nóng giận chúng ta thậm chí có thể trở nên “láo” trong mắt mẹ chồng. Giữ được điều này, dâu mới sẽ không bao giờ đẩy mình vào thế khó khi phải “sống chung với mẹ chồng” nữa.
Hãy đối xử với mẹ chồng dựa trên sự tôn trọng. Bạn nên coi người phụ nữ ấy là người lớn tuổi hơn và có kinh nghiệm hơn mình, bởi sự thật đúng là như vậy. Hãy cố gắng gần gũi hơn với người ấy bằng cách hỏi han về cuộc sống của họ, về những câu chuyện họ đã trải qua để tự bản thân mình có thể rút ra được những bài học đáng giá. Đặc biệt, câu chuyện về quá trình nuôi lớn người chồng của bạn sẽ là một chủ đề mà nhiều người mẹ chồng muốn nhắc tới. Hãy chăm chú nghe và ghi nhớ những điều cần thiết như cách nuôi dạy con cái của người ấy. Từ những lần tâm sự đó, mẹ chồng của bạn sẽ gây dựng một lòng tin nhất định và biến mối quan hệ của hai người dần dần trở nên khăng khít.
Không nói xấu, than thở về mẹ chồng
Có thể khi chung sống, bạn thấy mẹ chồng đã hành động sai nhưng biết đâu mẹ chồng cũng nghĩ bạn cư xử không đúng. Khi bức xúc hay gặp mâu thuẫn với mẹ chồng, bạn không nên kể xấu với bất kỳ ai để giải tỏa cảm xúc tức thời, lời nói gió bay rất có thể sẽ lọt đến tai mẹ chồng bạn với mức độ nguy hiểm gấp bội.
Hãy tìm đến những người bạn thật sự tin tưởng để tìm lời khuyên đúng đắn nhất sau khi đã bình tĩnh lại. Đó mới là bí quyết sống chung với mẹ chồng đúng đắn.
Sống chung với mẹ chồng theo nguyên tắc “ba nhiều”
Đó chính là nghe nhiều hơn, hỏi nhiều hơn và nói nhiều hơn. Bà hay càu nhàu cũng đừng ngắt lời bà, đi xa thì thường xuyên gọi điện hỏi thăm. Mỗi khi gặp chuyện lớn nhỏ gì hãy cố gắng trao đổi với bà. Có thể mẹ chồng không giúp gì được bạn nhưng riêng việc trò chuyện với nhau thường xuyên cũng làm tăng thêm tình cảm giữa hai người rồi.
Không bao giờ can dự vào việc nhà chồng
Vì sự can thiệp của mình có thể làm tình hình thêm rối ren. Việc nhà chồng là việc của chồng và cha mẹ chồng. Khi cần thì hai người đó sẽ đề nghị hỗ trợ. Nếu muốn giúp thì chỉ hỗ trợ bằng hành động, đừng góp lời vì sẽ làm tình hình phức tạp thêm.
Bổn phận làm vợ là cùng chồng xây dựng tổ ấm, chăm sóc con cái chứ con dâu không có bổn phận xây dựng gia đình nhà chồng, đó là việc của chồng. Đừng có dại mà đi làm thay việc này cho chồng.
Không chiếm hữu chồng
Trước mặt mẹ chồng, con dâu không nên thể hiện cử chỉ thân mật, tình cảm thái quá với chồng bởi mẹ chồng có thể cảm thấy ganh tỵ hoặc tủi thân vì đứa con trai bà hết lòng chăm sóc suốt bao năm giờ chỉ biết mỗi vợ.
Dâu mới cũng không nên chỉ đạo chồng làm theo ý mình trước mặt mẹ, vì có thể khiến bà hiểu nhầm rằng, con trai của mẹ phải chịu thiệt thòi, khổ sở. Cũng không nên chia rẽ mối quan hệ của chồng với gia đình anh ấy. Mình là người ngoài, nhưng con mình là cháu nội của nhà chồng. Nếu không thể yêu thương họ, hãy cứ để họ yêu thương nhau.
Vì vậy bí quyết ở đây là chỉ thể hiện mình là người vợ tốt, biết chăm sóc chồng chu đáo chứ không nên chiếm hữu chồng cho riêng mình trước mặt mẹ.
Không hơn thua với mẹ chồng
Dâu mới hãy nhớ, không “hơn thua”, tính toán với mẹ chồng vì kết quả nhận được sẽ không bao giờ như điều bạn mong muốn. Khi bạn hơn thua sẽ không dễ dàng thấu hiểu được mẹ chồng. Vì vậy, làm con dâu dù có chính kiến riêng nhưng cũng có nhiều cách để bày tỏ quan điểm. “Ngoan” khi làm dâu không có nghĩa là bạn phải hạ mình hay trở nên kém cỏi mà là biết điều và khiêm nhường đúng lúc.
Ứng xử với mẹ chồng, nhất định phải “biết điều”
Dâu mới phải biết nhường trên kính dưới, phải biết vị trí vai trò của mình với mẹ chồng. Bắt đầu từ yêu thương là thấu hiểu. Để thấu hiểu, bạn nhất định phải biết điều, biết người (mẹ chồng), biết ta.
Cuối cùng, không người mẹ chồng nào muốn bất hòa với con dâu. Tuy có lúc gây khó dễ nhưng bà mẹ chồng nào cũng xuất phát từ thực tâm là duy trì hòa khí trong gia đình. Vì vậy mỗi khi có mẫu thuẫn, các dâu mới hãy nhớ, điều đó xuất phát từ việc chưa hiểu nhau. Do đó cần bình tĩnh để ứng xử với mẹ chồng thật khéo léo và tìm ra lối thoát cho cả hai.
Giữ một thái độ lạc quan
Giống như bạn, nếu việc trở thành con của một người khác đang khiến bạn khá bối rối, thì việc bỗng dưng lên chức “mẹ” của bạn cũng khiến người phụ nữ ấy không khỏi lo lắng. Vì vậy, hãy là người chủ động mang đến sự gần gũi và cởi mở, cùng với một thái độ tích cực khi tiếp cận mẹ chồng của mình. Đồng thời, bạn nên thông cảm cho họ bởi lí do duy nhất của những hành động họ đang làm chỉ là để cố gắng trở thành một hình mẫu người mẹ lý tưởng mà thôi.
Công bằng
Bạn nên cố gắng đối xử với mẹ chồng như mẹ đẻ của mình. Ví dụ, nếu bạn đang có ý định mua cho mẹ của mình một bộ quần áo mới, đừng quên nghĩ tới cả mẹ chồng nữa, bởi hiện tại, bạn đang cùng chung một mái nhà với họ. Đồng thời, nếu bạn đã có con, hãy đưa con đến thăm cả hai gia đình với khoảng thời gian như nhau, mỗi nhà từ một đến hai lần một tuần chẳng hạn.
Không so sánh mẹ đẻ với mẹ chồng
Họ là hai người hoàn toàn khác nhau, dù bạn phải đối xử với họ công bằng nhưng không thể đem họ ra so sánh. Hãy nhớ rằng đây là lựa chọn của bạn, vì vậy bạn nên chấp nhận những điều kiện và kết quả kéo theo sau đó, tập cách làm quen với tính cách của mẹ chồng và sống chung với họ, yêu quý con người của họ để bạn được nhận lại điều tương tự.
Sự tinh tế
Sự thật là khi một người phụ nữ đã dành cả một quãng đời vất vả, lam lũ để nuôi lớn đứa con trai của mình, họ sẽ trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều với người con gái bỗng dưng trở thành trung tâm sự chú ý của nó.
Mặc dù đa số những người mẹ chồng thường không có suy nghĩ đó, nhưng một số thì ngược lại. Những bà mẹ một con hoặc đã tự thân một mình nuôi con từ những ngày đầu tiên là đối tượng thường hay nhạy cảm với vấn đề này. Vì vậy, nếu mẹ chồng của bạn có nhắc đến việc ngày xưa chồng bạn thích cơm mẹ nấu như thế nào, thì đừng cố gắng tranh đấu với mẹ chồng trong việc nấu ăn. Thay vì làm vậy, bạn nên cổ vũ và tận hưởng những bữa cơm do mẹ chồng làm và học hỏi từ bà nếu có thể, điều này sẽ giúp cho mối quan hệ của hai người sẽ trở nên khăng khít hơn rất nhiều.
Đừng kỳ vọng quá nhiều
Việc kết nối với một gia đình, một môi trường mới có thể khiến bạn vô cùng choáng ngợp và cần thời gian để thích nghi. Mặc dù nhiều con dâu đều được chào đón một cách nồng nhiệt, nhưng nếu bạn ở trong số còn lại, đừng vội thật vọng và chán nản. Bởi cũng như bạn, họ cũng cần thời gian để thật sự kết nối và thấu hiểu con người của bạn.
Để tâm đến mẹ chồng
Khi mẹ chồng của bạn ở nhà, hãy cố gắng để ý đến người ấy. Bạn có thể chỉ cần ngồi xuống nói chuyện thân mật, hoặc chở họ đi vòng quanh phố phường ngắm hoa chụp ảnh, hoặc xắn tay áo vào bếp giúp đỡ chuẩn bị cơm nước, vân vân. Nếu sau khi ăn, mẹ chồng của bạn muốn ngồi lại nói chuyện nhiều hơn với bạn, hãy nhờ chồng dọn dẹp và rửa bát hộ một hôm để hai mẹ con có thêm cơ hội tìm hiểu và thân thiết hơn.
Không cần lúc nào cũng gồng mình
Hầu hết các nàng dâu mới “nhập gia” đều cố gắng hết mình trong công việc nội trợ nhằm chứng tỏ mình là “nàng dâu tốt”. Đáng tiếc, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ có thể làm vừa mắt mẹ chồng 100%. Ngược lại quá nỗ lực để chứng tỏ mình có khi sẽ khiến bạn dễ trở nên mệt mỏi, bỏ bê việc nhà, khiến hình ảnh bạn thấp điểm hơn trong mắt của mẹ chồng. Đừng quá cầu toàn trong tất cả mọi việc, hãy thoải mái là chính bạn. Hãy nhớ mẹ chồng là người đã một tay quán xuyến việc nhà, vì vậy mẹ chồng cũng không cần bạn phải làm hết tất cả để mình ngồi không hưởng thụ. Thỉnh thoảng dành ra một ngày để làm việc nhà hoặc nấu cho gia đình chồng một bữa cơm thịnh soạn, chắc chắn bạn sẽ tạo được ấn tượng tốt với mẹ chồng: “Con dâu mình hôm nay giỏi quá!”.
Điều không biết, hãy nhờ mẹ chồng dạy
Bất cứ ai cũng đều không thể lập tức thích nghi với môi trường sống mới. Đặc biệt với những phụ nữ lấy chồng khác địa phương, mọi thứ từ nề nếp gia đình, phong tục địa phương, đến khẩu vị món ăn đều buộc phải “nhập gia tùy tục”. Việc bạn khư khư áp dụng những thói quen cũ vào nếp sống mới ở nhà chồng chắc chắn không phải là điều mà mọi bà mẹ chồng đều vui vẻ hoan nghênh.
Khi không biết rõ điều gì, hãy mạnh dạn nhờ mẹ chồng chỉ dạy. Được con dâu xem trọng và học tập theo, chắc chắn người mẹ chồng nào cũng đều cảm thấy “mát dạ mát lòng”. Ngoài ra khi được chỉ bảo điều gì, đừng quên gửi lời cám ơn chân thành đến mẹ chồng bạn. Mẹ chồng sẽ nhìn vào sự thành thật ấy mà đánh giá nàng dâu của mình đấy!
Khi bị stress, hãy tạo cho mình không gian riêng tư
Khi phát sinh vấn đề trong quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, có những người có khuynh hướng chịu đựng ngày qua ngày, dễ dẫn đến stress hay thậm chí tổn thương tinh thần. Khi đó không chỉ có bạn chịu thiệt thòi, mà còn có thể kéo theo những hậu quả đáng tiếc về sau.
Bằng cách xin phép ra ngoài mua sắm hoặc đi spa, hãy dành cho mình khoảng không gian để làm những điều mình thích, giải tỏa căng thẳng. Nếu gặp vấn đề trầm trọng hơn, hãy mạnh dạn xách vali để làm một chuyến du lịch nho nhỏ cho riêng mình. Bạn cũng có thể gặp gỡ và tâm sự với bạn bè thân – những “đồng minh” vô điều kiện của bạn để chia sẻ về những vấn đề đang gặp phải. Có những người cũng thường hay chia sẻ trên blog, diễn đàn online, tuy nhiên cũng nên đề phòng trường hợp mẹ chồng của bạn đọc được và nghi ngờ “Có khi nào đây là con dâu của mình không?”, khiến sự việc càng thêm tồi tệ.
Khôn khéo khi bất đồng quan điểm trong việc nuôi dạy con/cháu
Đây là vấn đề không phải hiếm gặp khi nàng dâu và mẹ chồng cùng nuôi dạy con/cháu, bởi cách nuôi dạy trẻ nhỏ thời nay có nhiều khác biệt so với thời mẹ chồng bạn trải qua. Tuy nhiên nếu bạn cứ khư khư bảo vệ quan điểm và chỉ trích mẹ chồng như “Mẹ đi sau thời đại rồi”, thì sẽ làm tổn thương đến tự ái của mẹ chồng, dẫn đến cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”.
Thay vì thẳng thừng chỉ trích, hãy nói với mẹ chồng một cách nhẹ nhàng: “Cách này là do bác sĩ/chuyên viên y tế chỉ con đó mẹ”. Nếu biết đó là phương pháp do chuyên gia hướng dẫn, không lí nào mẹ chồng của bạn không thuận theo.
Tóm lại, khi sống chung với mẹ chồng, bạn sẽ không tránh khỏi những tình huống bắt buộc phải nhẫn nhịn. Nhưng chắc chắn bạn không phải là người toàn phải chịu thiệt thòi, vì người mẹ chồng có thể giúp đỡ bạn rất nhiều trong công việc nội trợ, chăm sóc con cái, hay cả đời sống hôn nhân của vợ chồng bạn. Nếu biết phân định nặng nhẹ để cư xử với mẹ chồng một cách chừng mực khéo léo, cuộc sống gia đình bạn chắc chắn sẽ thuận hòa hơn!