Theo báo Vietnamnet, mới đây, bé N.T.L (6 tuổi, sống tại Hà Nội) được gia đình đưa đến một phòng khám tư ở Thanh Xuân (Hà Nội) do sốt cao đột ngột, co gi- â- t, mất ý thức, môi và tay chân tím tái.
Tại phòng khám, các bác sĩ ghi nhận trẻ sốt 40 độ C, có cơn co gi- â- t. Ngay lập tức, bệnh nhi được xử trí cắt cơn co giật và hạ sốt qua đường tĩnh mạch. Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ mắc viêm phế quản phổi do cúm A.
Trao đổi với VietNamNet ngày 11/2, Tiến sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội, cho biết trong 4 tháng qua, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 1.500 ca cúm đến khám và điều trị, với số ca có xu hướng tăng trong 2 tháng gần đây.
“Hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 10-15 bệnh nhân cúm điều trị nội trú, số ca khám lên đến 40”, bác sĩ Nga thông tin.
Theo bác sĩ Nga, số ca mắc cúm không tăng đột biến mà chỉ gia tăng cục bộ do đặc trưng của cúm mùa. Các bệnh nhân nhập viện chủ yếu gặp biến chứng viêm phổi hoặc co giật do sốt cao giai đoạn đầu. Một số ít ca diễn biến nặng hơn với biến chứng viêm não, bao gồm cả trẻ trên 10 tuổi.
Bệnh nhân cúm A điều trị tại Hà Nội. Ảnh: Đặng Thanh.
Một trường hợp điển hình là bé trai 12 tuổi tại Thanh Oai, Hà Nội. Trong gia đình em có nhiều người bị sốt, đau đầu, riêng em gái đã xét nghiệm dương tính với cúm nhưng tự điều trị tại nhà. Ban đầu, bé trai có triệu chứng sốt, đau đầu nhưng gia đình chỉ cho dùng thuốc hạ sốt. Đến ngày thứ 3, trẻ xuất hiện đau đầu dữ dội, nôn, co giật và lơ mơ, phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Hà Nội.
Bác sĩ Nga cho biết, bệnh nhi được chụp sọ não, chọc dịch não tủy và xét nghiệm, kết quả xác định viêm não do cúm A. Sau 7 ngày điều trị, trẻ được xuất viện.
Thông thường, biến chứng cúm xảy ra vào ngày thứ 3-5 sau khi phát bệnh, nhưng một số trường hợp có thể gặp biến chứng sớm từ ngày thứ 2. Viêm não không phải là biến chứng nặng nhất của cúm, và đã có những ca tử vong do viêm não trong các đợt dịch trước.
Hiện chưa ghi nhận chủng cúm mới đặc biệt, các trường hợp mắc chủ yếu là A/H1N1, A/H3N2, và một số ít cúm B.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp thường gặp vào mùa đông – xuân và giai đoạn giao mùa. Virus cúm A lây qua đường hô hấp qua giọt bắn hoặc tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus.
Trẻ mắc cúm A thường sốt cao 39-40 độ C, mắt và họng sưng đỏ, mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, có thể bị viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Khi sốt cao, trẻ dễ bị co gi- â- t, do đó cha mẹ nên kiểm tra nhiệt độ 1 giờ/lần. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, cần hạ sốt bằng paracetamol theo đúng liều lượng và lau mát bằng khăn ấm.
Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao và viêm đường hô hấp, cha mẹ cần đưa con đi khám sớm. Những trẻ có biến chứng viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản có thể cần nhập viện điều trị.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, cho biết từ tháng 12/2024, số ca mắc cúm có xu hướng gia tăng. Từ tháng 1/2025, số ca tăng mạnh với 100-150 bệnh nhân dương tính mỗi ngày. Trong đó, khoảng 10% bệnh nhân phải nhập viện, cao điểm có ngày lên đến 15 trường hợp.
“Tuy số ca nặng không nhiều, một số bệnh nhân phải vào hồi sức tích cực, chủ yếu là trẻ chưa tiêm vắc xin hoặc có bệnh nền”, bác sĩ Ngãi chia sẻ.