Nhà văn Lê Lựu qua đời chiều 9.11.2022 tại quê nhà Hưng Yên, thọ 81 tuổi, sau 16 năm chống chọi bệnh tật, trong sự thương tiếc của nhiều bạn văn và độc giả cả nước.
Trước đó, từ năm 2006 đến nay, nhà văn Lê Lựu sau 5 lần bị tai biến mạch máu não còn gặp nhiều chứng bệnh nan y, cụ thể là 14 căn bệnh như tiểu đường, bệnh phổi, bệnh thận, bệnh gout… Mỗi ngày ông uống gần chục lần thuốc, trong nhà phải lắp đặt tay vịn để đi từ toilet đến phòng làm việc là những gì tác giả tiểu thuyết ”Thời xa vắng” phải đối mặt đã gần 10 năm qua.
Cách đây ít tháng, ông trở bệnh nặng, và được con đón về quê chăm sóc.
Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1938 tại Xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Nhà văn Lê Lựu từng làm phóng viên báo Quân khu Ba, phóng viên mặt trận tại chiến trường 559. Ông theo học Trường Bồi dưỡng viết văn Quảng Bá (của Hội Nhà văn Việt Nam), làm biên tập viên, Trưởng ban văn xuôi, Thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ quân đội. Nhà văn Lê Lựu từng là Giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam.
Trong gần nửa thế kỷ qua, ông đã viết và in hơn hai chục tác phẩm văn xuôi, trong đó có những tập truyện ngắn khá thành công: Người cầm súng (năm 1970), Phía mặt trời (1972), Đánh trận núi Con chuột (1976), Campuchia một câu hỏi lớn (1979), Đồng bằng chiến sĩ (1980), Mặt trận của người lính (1986), Một thời lầm lỗi (1988), Trở lại nước Mỹ (bút ký 1989).
Ông là một nhà tiểu thuyết khá thành công và tên tuổi Lê Lựu gắn liền với những tiểu thuyết khá nổi tiếng: Mở rừng (năm 1977), Ranh giới (1977), Ở phía sau anh (1980), Thời xa vắng (1986), Đại tá không biết đùa (1990), Chuyện làng cuội (1993), Sóng ở đáy sông (1994), Hai nhà (2000), Thời loạn (2009), Chuyện quê ngày ấy (2010). Trong số các tiểu thuyết nói trên của ông, có một số cuốn từng gây chấn động một thời và đã được dựng thành phim với những nhân vật điển hình đã đi vào ký ức ghi nhớ của hàng vạn độc giả như Thời xa vắng và Sóng ở đáy sông.