Tôi rất ít khi chủ động gọi điện cho mẹ vợ nói chuyện trước, nhưng lần này vì không chịu nổi tính tiêu hoang của con gái bà nên tôi đã gọi điện cho bà, quyết định trả lại con gái để bà dạy lại.
Chứ chẳng hiểu bà dạy dỗ kiểu gì mà nhà có mỗi 4 người mà vợ chi 5 triệu/tháng vẫn còn kêu ca không đủ.
Ảnh minh họa internet
Tôi và vợ đều từ nông thôn lên thành phố học, rồi ra trường cũng làm việc ở đây luôn. Hai đứa phấn đấu một năm mới đủ tiền lo liệu cho đám cưới, nên đến bây giờ chúng tôi vẫn phải ở nhà thuê. Rồi chúng tôi có con, đứa lớn mới vào lớp 1, đứa nhỏ mới được 5 tháng.
Từ khi có con, chúng tôi thêm phần gánh nặng nhưng luôn tự nhủ phải dành dụm để sau này có cái nhà riêng cho con cái đỡ khổ.
Để hiện thực hóa giấc mơ mua nhà ở thành phố, vợ chồng tôi thống nhất với nhau, mọi chi tiêu trong gia đình đều dùng tiền lương của vợ 8 triệu/tháng, còn lương của tôi được 15 triệu/tháng tôi cứ giữ trong tài khoản để góp lại sau này mua nhà.
Đó là thời điểm vợ tôi chưa sinh bé thứ hai, còn hiện tại, vợ tôi phải nghỉ việc để ở nhà trông con nên khoản sinh hoạt phí tôi cũng phải bỏ ra.
Ảnh minh họa internet
Mỗi tháng, vợ bắt tôi đưa 5 triệu để chi tiêu trong nhà, tôi đồng ý. Nhưng được một thời gian, cô ấy lại đòi thêm lần 2 triệu, lần 3 triệu nữa. Cứ thế, có tháng tôi đưa vợ cả chục triệu, nhưng trung bình thì cứ đều đều tháng 5 triệu. Ấy thế mà cô ấy vẫn kêu ca không đủ chi tiêu, phải chắt bóp đủ hướng mới vừa vặn số tiền tôi đưa.
Tôi lại cho rằng tháng đưa vợ 5 triệu là nhiều. Nhà có 4 người, tôi ăn ở cơ quan nên đỡ được một người, 2 đứa nhỏ thì cũng ăn hết mấy, nên tôi chẳng hiểu vợ tôi tiêu kiểu gì mà tháng từng ấy tiền vẫn kêu không đủ. Cứ cái đà tiêu hoang như thế này, chẳng mấy chốc mà tài khoản của tôi sẽ bị vợ rút sạch, nên trước khi chuyện đó xảy ra, tôi đã lựa lời nhắc nhở vợ.
“Em xem thế nào chi tiêu cho hợp lý. Chứ nhà có mỗi 4 người mà tháng nào cũng 5 triệu, 5 triệu hơn thì chẳng mấy chốc mà dắt díu nhau ra đường ăn mày.”
Những tưởng vợ sẽ nghe lời, ai ngờ cô ấy tức giận ngược lại với tôi.
“Anh tưởng 5 triệu anh đưa tôi mỗi tháng mà to à? Thế anh không kể 2,5 triệu tiền nhà lấy ở đâu ra? Rồi tiền bỉm sữa, tiền học, rồi mỗi lần con ốm đau cần đi bệnh viện, rồi những thứ đó không cần tiền chắc? Tôi nói thẳng cho anh biết luôn, 5 triệu của anh chẳng khác gì muối bỏ biển, sỡ dĩ tôi gồng gánh được cái nhà này đến được tận bây giờ đều là vì tôi lấy tiền bảo hiểm thai sản của mình ra chi tiêu ấy, anh cứ ở đó mà nghĩ 5 triệu của anh là to.”
Vợ tôi nói một tràng, chẳng nghe được câu nào lọt tai. Vẫn là cái giọng kể lể mỗi lần tôi nhắc đến chuyện tiền nong mà không chịu tiếp thu để sửa đổi. Bất lực với vợ, tôi đành gọi cho mẹ vợ để trả lại con gái cho bà dạy lại cách chi tiêu cho hợp lý. Ấy vậy mà khi vừa nghe tôi kể lể xong, đầu dây bên kia đã vang lên tiếng chan chát của mẹ vợ.
“Rồi con gái tôi nói sai chỗ nào. Nếu giỏi, anh cứ thử cầm 5 triệu để lo liệu chi tiêu cho nhà 4 người trong một tháng đi xem có đủ không? Còn nếu anh vẫn cho rằng 5 triệu là quá nhiều thì cứ xin mời mang con gái tôi về đây, bà già này xin nhận lại.”
Đúng là “mẹ nào con nấy”, bảo thủ như nhau. Có mẹ như thế này, bảo sao vợ tôi không cứng đầu cứng cổ. Đã thế từ nay tôi giành phần lo chi tiêu sinh hoạt trong gia đình cho vợ biết mặt.