Ngày 5/2, tờ Tin tức Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc đưa tin về một trường hợp khiến nhiều người quan tâm: Một người đàn ông mắc cúm nặng chỉ trong vài ngày đã gặp biến chứng nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng “phổi trắng”.
Anh Lưu, ngoài 30 tuổi, là một nhân viên văn phòng khỏe mạnh sống tại Trung Quốc. Ban đầu, anh chỉ có triệu chứng ho nhẹ và khạc đờm, nghĩ rằng mình bị cảm lạnh thông thường nên không quá lo lắng. Anh tự mua thuốc ở tiệm thuốc tây để điều trị. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc, anh vẫn cảm thấy chóng mặt, yếu mệt, đồng thời tình trạng ho và đờm trở nên nặng hơn.
Anh Lưu bị xuất hiện vết phổi mờ rất nghiêm trọng ở cả hai lá phổi, thường được gọi là “phổi trắng”
Chỉ sau vài ngày, anh bắt đầu khó thở. Khi đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ xác định anh bị nhiễm cúm A. Tuy nhiên, kết quả chụp CT ngực cho thấy một tình trạng nghiêm trọng hơn: Phổi của anh xuất hiện nhiều vùng tổn thương mờ ở cả hai bên, hay còn gọi là “phổi trắng”. Bác sĩ nhận định anh mắc cúm nặng và lập tức cho nhập viện điều trị.
Nhờ sự chăm sóc tích cực từ đội ngũ y bác sĩ, tình trạng sức khỏe của anh Lưu dần cải thiện. Cơn sốt cao giảm, các triệu chứng khó thở và tức ngực cũng thuyên giảm. Kết quả chụp CT sau đó cho thấy dịch viêm trong phổi đã được hấp thụ đáng kể. Sau cơn bạo bệnh, anh Lưu chia sẻ cảm giác như mình vừa được “tái sinh”.
Phân biệt cúm và cảm lạnh thông thường
Mùa đông và mùa xuân là thời điểm dịch cúm dễ bùng phát. Để phân biệt cúm và cảm lạnh, cần lưu ý:
Nguồn lây nhiễm: Cảm lạnh thông thường không có nguồn lây rõ ràng, trong khi cúm có thể lây lan nhanh, đặc biệt là sau khi tiếp xúc gần với người bệnh.
Mức độ triệu chứng: Cúm thường khởi phát đột ngột, gây sốt cao trên 38,5°C, kèm theo ho, đau họng, đau cơ, đau đầu và mệt mỏi dữ dội. Trong khi đó, cảm lạnh thông thường có triệu chứng nhẹ hơn, sốt ít hoặc không sốt, chủ yếu là nghẹt mũi, sổ mũi và hắt hơi.
Cách phòng tránh cúm hiệu quả
Để giảm nguy cơ mắc cúm, các chuyên gia khuyến cáo:
Thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân: Hạn chế đến nơi đông người, tránh tiếp xúc gần với người đang ho, đeo khẩu trang khi cần thiết.
Giữ vệ sinh sạch sẽ: Rửa tay thường xuyên, khử trùng môi trường sống, mở cửa thông gió ít nhất 2-3 lần/ngày.
Duy trì lối sống lành mạnh: Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh và trái cây, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc để tăng cường hệ miễn dịch.
Tiêm vắc xin phòng cúm: Thời điểm tốt nhất để tiêm vắc xin là vào tháng 9-10 hàng năm, nhưng có thể tiêm suốt mùa cúm. Do virus cúm có khả năng biến đổi, việc tiêm nhắc lại hàng năm là cần thiết.
Việc chủ động phòng tránh và nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm do cúm.