Ngày Tết nên kiêng kỵ điều gì? Hãy lưu ý để có một năm mới hanh thông, may mắn hơn

Có nhiều quan niệm từ xưa được cha ông truyền lại, có một số điều cần kiêng kỵ vào ngày Tết với mong muốn cả năm gặp nhiều may mắn, bình an. Vậy đó là điều gì?

Thời điểm hiện tại là những ngày cuối năm, không khí Tết đang tới rất gần, vì vậy mọi người cũng đang nghĩ đến việc cần chuẩn bị những gì cho dịp Tết sắp tới. Bên cạnh việc chuẩn bị về tài chính, những đồ dùng, thực phẩm thiết yếu, phù hợp trong dịp Tết thì cũng có một số người cẩn thận còn quan tâm tới việc cần làm gì, tránh điều gì trong dịp Tết – với mong muốn bắt đầu một năm mới với nhiều may mắn, thuận lợi và hanh thông hơn.

Từ xưa đến nay, người dân Việt Nam vẫn luôn có quan niệm rằng đầu năm mới nên làm một số điều cũng như cần phải kiêng kỵ, tránh làm một số việc để có một năm mới hanh thông, may mắn. Bởi, quan niệm xưa cho rằng nếu phạm phải một số điều không hay thì sẽ có một năm kém may mắn.

Trước khi tìm hiểu về những điều nên và không nên làm trong dịp Tết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về phong tục trong dịp Tết nhé:

Phong tục ngày Tết

1. Xông đất:

Đây là tục lệ đã có lâu đời ở Việt Nam. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà quan trọng. Cho nên cứ cuối năm, mọi người lại tìm người hợp tuổi, hợp mệnh, tính tình vui vẻ, tốt bụng và thành công để đến xông nhà, cầu mong sang năm lấy được vía tốt của người xông nhà và gặp nhiều may mắn, tốt đẹp trong năm mới.

2. Xuất hành:

Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm, thường được thực hiện vào ngày tốt đầu tiên của năm mới để đi tìm may mắn cho bản thân và gia đình.

Được biết, trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày Hoàng đạo, giờ Hoàng đạo và hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần…

3: Chúc Tết người thân, họ hàng, bạn bè…:

Một trong những phong tục không thể thiếu đó chính là đi chúc Tết những người thân, họ hàng, dòng họ của mình. Khi đi chúc Tết nói những câu tốt đẹp, vui vẻ.

– Ngày mùng 1: Đúng theo phong tục “mùng Một Tết cha”, con cháu chúc Tết ông bà, người lớn lì xì cho trẻ nhỏ.

– Ngày mùng 2: Mọi người sẽ cúng lễ tại gia vào sáng sớm. Sau đó, nguời ta chúc tết các bà mẹ, phụ nữ theo tục “mùng Hai Tết mẹ”. 

– Ngày mùng 3: Sau khi cúng cơm tại gia theo lệ cúng ít nhất đủ ba ngày Tết, đây là ngày “mùng Ba Tết thầy”, mọi người thường sẽ đi chúc Tết thầy cô giáo…

4. Mừng tuổi (lì xì):

Người lớn thường lì xì tiền cho trẻ nhỏ trong bao giấy đỏ, với những lời chúc ăn tốt đẹp. Theo cổ tích Trung Quốc thì trong bao lì xì đỏ có 8 đồng tiền (là Bát Tiên hóa thân) được đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi quỷ đến quấy nhiễu. Ngày xưa còn có lệ cho tiền phong bao với số tiền lẻ (chứ không phải là tiền chẵn), ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều.

5. Khai bút đầu năm:

Thời xưa, vào đầu Xuân, người có chức tước sẽ đóng con dấu lần đầu tiên trong năm (gọi là “khai ấn”), học trò sĩ phu “khai bút” bằng cách viết một đoạn văn, câu thơ đầu tiên trong năm, nhà nông thì “khai canh” (cày ruộng, làm đất), người buôn bán thì “khai thương” (mở hàng lần đầu trong năm). Các bạn có thể “khai bút” bằng cách viết một đoạn văn, một bài thơ… 

Những điều nên làm ngày Tết theo tập tục dân gian

Mua muối

“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, câu nói từ lâu đã trở nên quen thuộc. Người xưa quan niệm muối là thứ mặn, chống xú uế, xua đuổi tà ma, và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm cũng có ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực, văn hóa tình cảm, nó mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái.

Còn mua vôi vào dịp cuối năm, trong quan niệm dân gian Việt Nam, vôi là thứ có tác dụng trừ t..à, ngăn m..a q.u.ỷ. 

Đi lễ chùa

Trong ngày mùng 1 Tết, người theo Phật giáo có thói quen đi 10 cảnh chùa, từ thời khắc giao thừa đến gần hết ngày mùng 1 có người đi cả 15, 20 ngôi chùa nếu sức khỏe thời gian cho phép.

Ngày đầu năm người ta thường đi chùa và nghĩ đến những điều tốt đẹp cho nhau, cho đất nước, cho thế giới, cầu chúc những điều an lành. 

Một số điều kiêng kỵ trong dịp Tết mọi người cần lưu ý

Tết gần đến, có một số điều mà không ít người cảm thấy thắc mắc trong dịp Tết đến ví dụ như Tết có nên quét nhà không, gia đình trong năm có tin buồn thì Tết có được đi chúc Tết không, Tết nên ăn món ăn gì, kiêng món ăn gì, mùng 1 làm vỡ bát, đĩa, có sao không… và hàng loạt những câu hỏi khác.

Dưới đây là một số kiêng kỵ trong quan niệm xưa, mọi người nên lưu ý:

Quan niệm 1: Không quét nhà, đổ rác vào ngày mùng 1

Vào ngày mồng 1 Tết, tuyệt đối không động đến cây chổi, bởi theo quan niệm truyền thống của người Việt, quét dọn nhà cửa và đổ rác trong ngày này là quét hết tài lộc trong năm mới ra khỏi nhà.

Đồng thời cũng không được làm mất chổi bởi nếu bị mất chổi là điềm xấu, nghĩa là năm đó nhà sẽ bị trộm vơ vét mất hết của cải.

Quan niệm 2: Không cho người khác lửa, nước đầu năm

Lửa theo phong thủy là tượng trưng cho sự may mắn còn nước tượng trưng cho tài lộc luôn chảy vào trong gia đình.

Vì vậy, có quan niệm không nên cho nước, lửa vào dịp đầu năm. Bởi vì như vậy là đang cho đi sự may mắn của bản thân và gia đình. Đồng thời, các bạn cũng nên lưu ý chuẩn bị đầy đủ bật lửa, hay bao diêm… tránh đi mượn những đồ dùng này của người khác trong dịp Tết.

Quan niệm 2: Kiêng làm đổ vỡ đồ dùng

Đây là một trong những điều nhiều người cực chú ý, cẩn thận nhất có thể, không chỉ trong dịp Tết mà trong dịp mùng 1 đầu tháng người ta cũng rất sợ làm vỡ bát đĩa.

Cụ thể, theo quan niệm của ông cha ta rất kỵ làm vỡ bát đĩa, ly tách, gương trong ngày đầu năm vì đổ vỡ đó như báo hiệu sự chia cắt, đứt lìa, cũng đồng nghĩa với việc gặp xui, những điều không thuận lợi trong các mối quan hệ trong năm mới.

Quan niệm 3: Không vay tiền hay đòi nợ

Thông thường ngày 1 đầu tháng người ta cũng tránh việc vay mượn tiền, hoặc đòi nợ. Vì vậy, dịp đầu năm lại càng quan trọng hơn, người ta kiêng kỵ vay tiền, đòi nợ tiền bạc. Như vậy sẽ báo hiệu một năm đi vay rồi đi trả của mình, cả năm sẽ không thu được tiền tài vào nhà, rơi vào cảnh túng thiếu.

Bên cạnh đó, nếu cho vay tiền đầu năm còn được quan niệm như “dâng” tài lộc của chính bản thân mình cho người khác. Vì vậy, hãy nhớ đừng cho vay hay đòi nợ ngày Tết nhé!

Quan niệm 4: Không cãi nhau vào 3 ngày Tết

Tết là thời điểm gia đình được sum họp, con cháu đầy đủ, gia đình được đoàn tụ. Vì vậy, dịp đầu năm mới không nên để không khí gia đình căng thẳng, cãi nhau bởi như vậy theo quan niệm cả năm của bạn sẽ gặp nhiều khúc mắc, không vui cho một năm.

Vì vậy, chúng ta cần cẩn thận mọi lời ăn, tiếng nói, hành động của mình để giúp một năm mới thuận lợi hơn.

Đồng thời, khi nói cũng nên tránh nói những câu xui xẻo, hay nói tục, không nói những câu không tốt đẹp trong năm mới.

Quan niệm 4: Không nên mặc áo màu đen vào mùng 1 Tết

Mặc dù việc ăn mặc là sở thích của mỗi người thế nhưng ngày Tết, người ta ưa chuộng những màu sắc sặc sỡ, tạo nên sự phấn khởi, vui vẻ, đặc biệt hai sắc đỏ, vàng…

Quan niệm 5: Kiêng mua đồ xui

Vào đầu năm, mua đồ gì mọi người cũng cần phải chú ý bởi vì món đồ đó được coi là mua để lấy hên, lấy lộc, bởi “của mua là của được”. Cụ thể, trong ngày Tết, người ta kiêng mua dao, thớt, chày, cối… bởi quan niệm người xưa cho rằng những đồ vật này mang đến những điều không may cho người nhận trong năm.

Quan niệm 6: Kiêng chuyện nam nữ đầu năm

Mùng một và kể cả ngày rằm đều là những ngày mà người phương Đông kiêng chuyện nam nữ, vì vậy ngày mùng 1 Tết lại càng quan trọng.  Bởi vì theo quan niệm, điều này mang đến điều kém may mắn cho mình.

Quan niệm 7: Người có tang không nên xông đất

Theo ông bà, người có tang mà đi xông đất sẽ đem đến vận xui, điềm xấu cho gia đình khác. Chính vì vậy, những người có tang nên tránh xông đất, đi chúc Tết hay thăm hỏi gia đình khác.

Quan niệm 7: Một số món ăn không nên ăn trong dịp Tết

Tập tục người Việt quan niệm những món ăn này gắn liền với những điều không may nên không chỉ kiêng cữ ngày Tết mà ngay cả những ngày đầu tháng âm lịch người ta cũng kiêng ăn.

Một số món ăn kể đến như trứng vịt lộn, tôm, thịt chó, thịt vịt, cá mè, chuối…

Ví dụ như mùng 1 nên kiêng ăn trứng vịt lộn vì sợ mọi điều xảy ra sẽ đảo lộn lại, trái ý mình. Những món ăn còn lại không nên ăn vì theo quan niệm xưa là sẽ mang đến những điều không may mắn cho năm mới.

Riêng “chuối” thì do cách phát âm của người miền Nam mà chuối đọc thành “chúi” mang ý “chúi rủi” – làm mọi việc thất bại, đi xuống hoặc còn hiểu là trượt vỏ chuối nên người ta kiêng cữ.

Quan niệm 8: Đầu năm không nên cắt tóc

Cắt tóc cũng là một trong những việc kiêng kỵ ngày đầu năm. Vì ông bà ta quan niệm, tóc tai là gắn liền với con người, đại diện cho sức khỏe, nếu cắt tóc ngày đầu năm sẽ cắt đi vận may và sức khỏe.

Ngoài ra, người Việt còn truyền tai nhau rất nhiều điều kiêng cữ ngày Tết như: kiêng xuất hành vào ngày mồng 5, kiêng từ chối ăn uống khi đi chúc Tết, những đứa trẻ đi chơi thường phải về trước giao thừa để tránh là người đạp đất,…

Mặc dù những tập tục này chủ yếu được truyền miệng phổ biến trong dân gian, giá trị chân lý của những điều này gần như không thể kiểm định được. Tuy nhiên, cũng có câu “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, những điều trên cũng không có gì là khó khăn vì vậy mọi người cũng nên lưu ý và thực hiện.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/ngay-tet-nen-kieng-ky-dieu-gi-hay-luu-y-de-co-mot-nam-moi-hanh-thong-may-man-hon-d154562.html
X