Ngành học mới được xem “vua của mọi ngành”, chỉ duy nhất một trường ở Việt Nam đào tạo, luôn khát nhân lực

Ngành này là một công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng tự động tạo ra nội dung mới theo các lời nhắc được viết bằng ngôn ngữ tự nhiên trong các giao diện hội thoại. Ở Việt Nam chỉ có trường Đại học Bách Khoa đào tạo.

GenAI (Trí tuệ nhân tạo tạo sinh) bùng nổ trong thập kỷ tới

Xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được dự báo sẽ trải qua 3 giai đoạn chính trong các năm tiếp theo với giai đoạn đầu tiên kéo dài đến năm 2026. Đây là dự báo của hãng nghiên cứu Gartner và việc áp dụng GenAI (Trí tuệ nhân tạo tạo sinh) trong các doanh nghiệp sẽ bùng nổ trong thập kỷ tới. Đến năm 2027, hơn 50% mô hình GenAI mà các doanh nghiệp sử dụng sẽ được tùy chỉnh cho từng ngành hoặc chức năng kinh doanh cụ thể, tăng từ khoảng 1% vào năm 2023.

Có thể thấy, GenAI đang ngày càng trở thành công cụ quan trọng trong việc tối ưu hóa quy trình kinh doanh, cải thiện trải nghiệm khách hàng và hỗ trợ các nỗ lực cần thiết để bảo vệ môi trường trong tương lai gần. Chiến lược ứng dụng AI toàn diện ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của AI trong sự phát triển của các doanh nghiệp. 

TS Đinh Ngọc Minh, Chủ nhiệm cấp cao Chương trình thạc sĩ AI, Đại học RMIT Việt Nam chia sẻ, số lượng nhân lực trong lĩnh vực AI nói chung tại Việt Nam hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tuyển dụng. Nhiều doanh nghiệp có nguồn dữ liệu lớn từ khách hàng, thị trường nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đội ngũ nhân lực chuyên sâu tại các lĩnh vực về AI và GenAI.

TS Đinh Viết Sang, Giám đốc chương trình đào tạo Kỹ sư GenAI, Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, ngành GenAI ngày càng có vai trò đối với sự phát triển trong các lĩnh vực công nghệ, kinh tế, y khoa và đời sống. Năm 2023, giá trị đầu tư vào lĩnh vực này trên thế giới đạt 25 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2022, dự kiến lên 45 tỷ USD vào năm 2024.

Đánh giá của Statista Market Insights cũng chỉ ra, mức tăng trưởng quy mô thị trường GenAI tại Việt Nam cỡ 23%. Đến năm 2030 thị trường GenAI của Việt Nam sẽ có giá trị khoảng gần 1 tỉ USD. Đứng trước sự bùng nổ của GenAI, các công ty công nghệ, ngân hàng hàng đầu đang đầu tư căn cơ về yếu tố con người, hạ tầng, công nghệ liên quan đến GenAI. Đây trở thành cơ hội để các bạn trẻ cân nhắc lựa chọn ngành học Trí tuệ nhân tạo tạo sinh để gia tăng cơ hội mở rộng và phát triển sự nghiệp của mình trong tương lai.

Ngành học mới xuất hiện, thị trường trong nước luôn khát nhân lực

Theo đó, Generative AI (GenAI) là một công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng tự động tạo ra nội dung mới theo các lời nhắc được viết bằng ngôn ngữ tự nhiên trong các giao diện hội thoại. GenAI được huấn luyện bằng cách sử dụng dữ liệu được thu thập từ các trang web, cuộc trò chuyện trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông trực tuyến khác.

Sinh viên theo đuổi ngành học sẽ được xây dựng kiến thức nền tảng và nâng cao về GenAI như học máy, học sâu, các mô hình nền tảng, học máy đa thể thức, đạo đức AI, MLOps, chatbot, LLM agent và các ứng dụng liên quan để tạo sinh hình ảnh, văn bản, âm thanh, code cho đa dạng các lĩnh vực như kỹ thuật phần mềm, tài chính ngân hàng, thương mại điện tử, marketing, y tế và sức khoẻ… Sau khi tốt nghiệp, cơ hội việc làm được đánh giá cực kỳ hấp dẫn với mức lương vượt trội trong lĩnh vực CNTT.  

Theo đó, các bạn trẻ có thể công tác tại các bộ phận chuyên thiết kế và triển khai các mô hình GenAI phục vụ cho các ngành công nghiệp; các công ty phần mềm nơi cần sử dụng GenAI để tăng năng suất lập trình và quản lý chất lượng phần mềm; tổ chức công nghệ, các công ty khởi nghiệp công nghệ cao; các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước hay các ngân hàng hàng đầu… đều đang xây dựng tiềm lực liên quan đến lĩnh vực GenAI. Ngoài ra, các bạn trẻ cũng có thể tự mình khởi nghiệp, phát triển các ứng dụng GenAI và các sản phẩm trí tuệ nhân tạo phục vụ cho nhiều lĩnh vực của đời sống.

TS Đinh Viết Sang cho biết, đánh giá hồi tháng 9/2023 của CNBC, số lượt tìm kiếm việc làm về GenAI trên Indeed tăng gần 4.000% trong năm 2023 và số cơ hội việc làm về GenAI đã tăng 306% so với cùng kỳ tháng 9/2022. Chưa hết, công việc yêu cầu kỹ năng về GenAI được đánh giá có lương cao hơn 47% so với các công việc không liên quan tới GenAI, dù các công việc này đều trong lĩnh vực CNTT.  

Mặc dù cơ hội nghề nghiệp cũng mức lương hậu hĩnh như vậy nhưng thực tế, thực trang đào tạo dữ liệu khoa học và trí tuệ nhân tạo nói chung thì ngành GenAI vẫn là một ngành rất mới trên phạm vi toàn cầu. 

Còn tại Việt Nam, chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu đặc thù về trí tuệ nhân tạo tạo sinh GenAI vừa được Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cho ra mắt. Đây là chương trình đào tạo đầu tiên về trí tuệ nhân tạo tạo sinh tại Việt Nam và cũng thuộc số ít các chương trình đào tạo chính quy trong lĩnh vực này trên thế giới.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/nganh-hoc-moi-duoc-xem-vua-cua-moi-nganh-chi-duy-nhat-mot-truong-o-viet-nam-dao-tao-luon-khat-nhan-luc-d232477.html