Một người dùng mạng xã hội từng chia sẻ câu chuyện của mình, kể rằng thời còn đi học, cô luôn là học sinh “chậm” nhất lớp. Những bài tập mà bạn bè chỉ cần liếc qua là hiểu, thì cô lại phải vắt óc suy nghĩ, tính toán hồi lâu mới giải được. Cô cho rằng mình chưa đủ chăm chỉ, nên đã dốc toàn bộ sức lực để học hành. Cô gần như thức trắng mỗi đêm, đống sách vở bài tập cô đã làm cao hơn cả người. Thế nhưng, dù cố gắng đến đâu, cô vẫn không thể đạt được điểm số cao như các bạn cùng lớp.
Năm tháng trôi qua, kỳ thi đại học đến. Sau tất cả nỗ lực, cô chỉ đủ điểm vào một trường cao đẳng địa phương. Người xung quanh nhìn cô bằng ánh mắt thất vọng, nhiều người cho rằng cô là người “không có tương lai”.
Ra trường, cô đi làm, trở thành một người bình thường với mức thu nhập đủ sống qua ngày. Cuộc sống lặng lẽ trôi cho đến một ngày, cha mẹ cô lần lượt lâm bệnh nặng, phải nhập viện nhiều lần. Cô gái ấy không ngại vất vả, ngày đêm chạy đôn chạy đáo giữa công việc và bệnh viện, tận tụy chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho cha mẹ già yếu. Cô luôn ở bên, nhẹ nhàng động viên, an ủi họ bằng tất cả sự yêu thương.
Một hôm, nhìn con gái tất bật lo toan, mẹ cô quay sang nói với cha: “Giờ thì tôi hiểu rồi, những đứa trẻ học giỏi là để làm rạng danh gia đình, còn những đứa học không giỏi… chính là để báo đáp ân nghĩa sinh thành.”
Câu nói ấy khiến người ta liên tưởng đến một câu nói nổi tiếng trên mạng: “Nếu con cái xuất sắc, hãy để chúng bay cao bay xa. Còn nếu chỉ là người bình thường, hãy để chúng ở bên cạnh mình.”
Là cha mẹ, ai chẳng mong con cái thành đạt. Nhưng cũng cần phải chấp nhận một sự thật: Chỉ có số ít trở thành người xuất chúng, còn phần lớn chúng ta – hơn 90% – đều là những con người bình thường, giản dị như cách chúng ta được sinh ra, như chính cha mẹ của chúng ta. Thế nhưng, làm một người bình thường cũng đã là điều tuyệt vời. Bởi điều quan trọng không phải là học giỏi hay thành công vang dội, mà là trở thành một người tử tế, lương thiện, biết yêu thương và hiếu kính với cha mẹ.
Bạn có nhận ra không? Trong cuộc sống, có những đứa trẻ không phải “hạt giống học tập”, nhưng chúng lại có trái tim ấm áp, không cần rực rỡ nhưng đủ khiến cha mẹ cảm thấy ấm lòng cả đời – chỉ vì chúng ngoan ngoãn và luôn biết ơn, yêu thương đấng sinh thành.
Trong một bài diễn thuyết nổi tiếng, nhà giáo dục Wei Shusheng từng nói:
“Nếu bạn là một học sinh luôn cố gắng nhưng vẫn không thể học tốt, bạn sẽ hiểu việc đến trường gian nan đến nhường nào. Mỗi ngày, bạn phải ngồi ở cuối lớp, lắng nghe những kiến thức như ‘nước đổ lá khoai’. Những học sinh giỏi thì chẳng mấy khi trò chuyện với bạn, còn thầy cô lại không đủ thời gian để quan tâm. Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, bạn phải âm thầm chịu đựng cảm giác bị bỏ lại phía sau.”
Trước đây, chúng ta thường nghĩ rằng chỉ những học sinh xuất sắc mới phải chịu nhiều áp lực. Nhưng đến khi nhìn kỹ lại, ta mới thấy: những em học sinh có năng lực bình thường cũng đang trải qua vô vàn khó khăn. Các em không có một “kịch bản cuộc đời” hoàn hảo như những bạn ưu tú khác. Các em chỉ có thể cố gắng hòa vào đám đông, vật lộn để không bị tụt lại.
Chỉ cần chậm một chút là bị phê bình. Không theo kịp là bị coi là sai. Tất cả những nỗ lực đều dễ dàng bị phủ nhận chỉ vì một điểm số không cao.
Việc trẻ không học giỏi không đồng nghĩa với việc chúng lười biếng hay chỉ biết chơi bời. Có khi, cuộc sống của các em còn nhiều áp lực và nặng nề hơn chúng ta tưởng. Vì vậy, thay vì tiếp tục áp đặt và tạo thêm gánh nặng, hãy thay đổi cách nhìn nhận. Hãy giúp các em khám phá điểm mạnh riêng, tìm ra con đường phù hợp với mình — đó mới là điều quan trọng nhất mà người lớn nên làm.
Một chuyên gia trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ từng chia sẻ câu chuyện của chính mình: Khi con trai bước vào cấp 2, chị đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức để đồng hành cùng con học tập – từ việc cho con học thêm đến việc kèm cặp bài vở mỗi tối, không dám lơi là dù chỉ một phút. Thành quả là con luôn đạt điểm số cao cho đến hết lớp 10. Chị từng nghĩ mình có thể yên tâm phần nào, nhưng thực tế lại khác xa: chỉ cần chị hơi buông lơi, thành tích học tập của con lập tức đi xuống.
Thấy tình hình ngày càng không ổn, chị quyết định thay đổi cách tiếp cận. Sau một thời gian quan sát kỹ, chị phát hiện con trai chỉ học thuộc lòng mà thiếu khả năng tư duy logic trong các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa. Thay vì trách móc, chị nhẹ nhàng định hướng con thử sức với môn Văn. Không ngờ, con nhanh chóng thể hiện niềm hứng thú, dần say mê đọc sách và chủ động luyện viết mỗi ngày.
Bước sang lớp 11, con không chỉ cải thiện được điểm trung bình nhờ môn Văn, mà còn xác định rõ hướng đi tương lai: đăng ký thi vào khối C để theo đuổi công việc liên quan đến viết lách. Nhờ vậy, chị không chỉ giúp con khám phá năng khiếu của mình, mà còn khơi dậy động lực nội tại, mở ra một con đường phát triển phù hợp và lâu dài.
Thật ra, vai trò quan trọng nhất của cha mẹ không phải là biến con trở thành một học sinh xuất sắc, mà là trở thành người dẫn đường đúng lúc. Hãy đồng hành, hướng dẫn, khuyến khích con cố gắng. Và nếu hành trình không diễn ra như kỳ vọng, hãy can đảm điều chỉnh mục tiêu, kiên trì thử nghiệm để cùng con tìm ra lối đi riêng.
Khi cha mẹ không còn bị ám ảnh bởi những con điểm cao, mà thay vào đó là giúp con vươn xa theo năng lực và đam mê thực sự, trẻ sẽ có cơ hội bay đến một chân trời rộng mở hơn. Đừng đóng khung sự thành công trong một mô hình cố định – mỗi đứa trẻ đều tiềm ẩn những khả năng đáng kinh ngạc, điều quan trọng là liệu cha mẹ có đủ kiên nhẫn và tinh tế để giúp con khám phá ra chúng hay không.