Sau rung chấn mạnh 5.0 độ, vào 15 giờ 32 phút 28 giây (giờ Hà Nội) thêm một trận động đất có độ lớn 2.6 xảy ra ở độ sâu khoảng 12.1 km trên khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trận động đất tiếp theo xảy ra sau đó hơn một tiếng, vào lúc 16 giờ 49 phút 51 giây có độ lớn 2.6.
Đáng lưu ý chỉ trong gần 20 phút, từ 17 giờ 09 phút 05 giây đến 17 giờ 38 phút 37 giây, 4 trận động đất liên tiếp đã xảy ra ở khu vực này, tất cả đều có độ lớn dưới 3.0.
Riêng hai trận động đất xảy ra trong tối 28/7 có độ lớn 3.5 và 3.8. Người dân sống ở vùng tâm chấn động đất có thể cảm nhận được rung lắc nhẹ từ hai trận động đất này.
Trước đó, lúc 11 giờ 35 phút 10 giây (giờ Hà Nội) ngày 28/7, một trận động đất mạnh 5.0 độ đã xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đây là trận mạnh nhất từng ghi nhận được ở khu vực này, gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn gồm Tây Nguyên và nhiều tỉnh miền Trung.
Theo TS. Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, trận động đất đạt ngưỡng độ lớn trung bình. Các địa phương cần kiểm tra đánh giá thiệt hại. Cơ quan này đã phát đi cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 2 do động đất.
Huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum thường xuyên xảy ra động đất – Ảnh: TTXVN
Khu vực Kon Tum từng là nơi có hoạt động địa chất tương đối ổn định, ít ghi nhận hoạt động động đất. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, sau khi thuỷ điện Thượng Kon Tum tích nước, khu vực này ghi nhận động đất xảy ra liên tiếp. Hơn 3 năm qua, hàng trăm trận động đất đã được ghi nhận. Trong đó trận động đất mạnh 4.7 độ xảy ra vào tháng 8/2022 cũng gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn gồm Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung.
Động đất ở Kon Plông được các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhận định là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thuỷ điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên.
Theo PGS. Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, khu vực xảy ra động đất ở Kon Tum nằm trên đứt gãy Rào Quán – A Lưới, đây là đới đứt gãy mạnh, chạy từ Lào, qua A Lưới (Thừa Thiên – Huế), kéo dài tới Quy Nhơn (Bình Định).
Động đất kích thích tại Kon Plông được nhận định có thể kéo dài trong nhiều năm tới do đặc điểm địa chất khu vực xảy ra động đất. Động đất kích thích ở Kon Tum xảy ra trên nền địa chất có nhiều đá biến chất, cùng đặc điểm địa chất với thuỷ điện sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam, nơi từng xảy ra động đất kích thích kéo dài hơn 10 năm.
Theo PGS. Cao Đình Triều, trên thế giới cũng ghi nhận mối liên quan chặt chẽ giữa môi trường địa chất với hoạt động động đất kích thích. Tại Ấn Độ, từng ghi nhận động đất kích thích kéo dài gần 40 năm trong môi trường địa chất đá biến chất.