Không được bố mẹ chồng coi trọng vì gia đình không “môn đăng hộ đối”. Phải làm sao?

Cưới nhau bất chấp sự ngăn cản, ngày về nhà chồng, người phụ nữ không được chào đón vui vẻ như những cô dâu khác.

Em là một cô gái nông thôn ở một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ. Năm em lên 12, em trai em mới lên 7 thì bố em mất để lại mẹ và 2 chị em em côi cút. Mẹ 1 mình tần tảo sớm nắng chiều mưa hết việc đồng áng thì lại chạy chợ buôn bán lặt vặt để nuôi chị em em. Bà bảo, khổ mấy mẹ cũng chịu được nhưng các con phải ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ. Thương mẹ nên em và em trai đều cố gắng học. Hết cấp 3, em ra thành phố học đại học rồi ở lại để tìm kiếm cơ hội việc làm, bởi với ngành học của em có về quê thì cũng khó tìm được việc.

 

Không có nhiều mối quan hệ, lại không phải dân ở đây nên cơ hội tìm được một công việc trong các cơ quan Nhà nước dường như đóng chặt với em. Loanh quanh mãi với những công việc chẳng đúng ngành nghề được đào tạo, rồi em cũng tìm được việc kế toán theo chuyên ngành mình học, đây là một công ty nhỏ mang tính chất gia đình. Ở đây, em được mọi người khen ngợi là chăm chỉ, chịu khó, tháng đi làm đầu tiên em đã được thưởng. Tuy nhiên, em vẫn cứ băn khoăn, lương ở đây không cao, chỉ 7 triệu đồng một tháng, kế toán ở công ty nhỏ, nghiệp vụ của em sẽ không được nâng cao, nên em cũng không có ý định ở lại lâu. Vừa đi làm, em vừa cố tìm một cơ hội tốt hơn cho mình ở 1 công ty nào đó.

Thế nhưng, mọi việc không như em nghĩ, khi em bắt đầu gặp anh là chồng của em bây giờ. Anh là cháu của ông chủ công ty nơi em đang làm việc. Nhà anh cũng có công ty riêng có vẻ lớn hơn công ty của ông chú. Lúc đầu em cũng không biết rõ việc này. Thấy anh hay lui tới làm việc với ông chú, em cũng chỉ chào hỏi xã giao. Thế rồi giữa chúng em nảy sinh tình cảm với nhau vô cùng tự nhiên. Khi biết chuyện, bố mẹ anh đã tới công ty để xem mặt em, cả gia đình anh đều có vẻ không thích em dù không phản đối ra mặt.

Có người trong công ty nói với em là: mẹ anh cho rằng em đang lợi dụng con trai bà để từng bước tiến thân. Nghe vậy, em cũng suy nghĩ một vài hôm nhưng rồi tình yêu với anh lớn hơn khiến em vượt qua câu nói đó. Vả lại, em luôn có một suy nghĩ rất ngây thơ rằng, chỉ cần mình ngay thẳng đối xử thật tốt với người khác thì người ta cũng sẽ đối xử với mình tốt như vậy. Mình không làm gì sai, hành động không có ý đồ xấu hay mờ ám gì cả thì rồi mọi người sẽ hiểu thôi.

Thế rồi, chúng em cưới nhau bất chấp sự ngăn cản. Ngày về nhà chồng, em không được chào đón vui vẻ như những cô dâu khác. Dù anh đã chọn em nhưng mẹ anh vẫn thích anh lấy người khác, là một cô gái mà bà lựa chọn rất môn đăng hộ đối. Gia đình họ chắc chắn là giàu có và có thể hỗ trợ nhau trên đường làm ăn sau này của cả 2 nhà.

Nhà có 2 anh em, anh là lớn, cô em gái đã đi lấy chồng thỉnh thoảng mới về nhà chơi có vẻ là người thân thiện nhất với em trong gia đình ấy. Khi về nhà, cô ấy còn trò chuyện với em dăm ba câu. Sống chung với gia đình chồng nên dù có bận rộn việc ở công ty, em vẫn cố gắng lo cơm nước vẹn toàn. Bữa sáng nấu cho cả nhà rồi chuẩn bị sẵn cơm trưa cho chồng và bố mẹ chồng. Mẹ chồng ở nhà nhưng tối về em cũng lao vào phụ việc bếp núc.

Em chưa từng cho mình lười biếng ngày nào và cũng cố gắng chu toàn mọi thứ. Nhưng đổi lại, bố mẹ chồng vẫn hờ hững, lạnh nhạt với em. Họ không làm gì quá đáng, chỉ là ngày ngày coi em như là người xa lạ ở cùng nhà mà thôi. Bữa cơm tối cả nhà ngồi với nhau quanh mâm cơm, nhưng hầu như không ai nói chuyện với em. Em có góp chuyện thì ông bà cũng chẳng tiếp lời nhưng cũng chẳng phản đối. Tóm lại, họ không trách móc, không làm gì cả, chỉ hờ hững, không quan tâm. Nhưng cái cảm giác mình niềm nở mà họ thì lạnh nhạt nó xấu hổ đến thế nào thì ai đã qua rồi mới hiểu cùng em được.

Là một cô gái nhanh nhẹn hoạt bát, từ ngày về nhà chồng, em trở nên lặng lẽ ủ dột. Em đã cố gắng chịu đựng qua ngày, nhưng giờ mọi chuyện quá quắt lại đến khi em mang bầu. Cả nhà anh đều bắt em nghỉ việc. Ở nhà có nghĩa là em sẽ không đến công ty và cả ngày sẽ giáp mặt mẹ chồng, lúc nào cũng như một tảng băng khi nhìn thấy em. Mẹ chồng em nói: “Cô có đi làm thì đồng lương cũng là tiền của nhà này, đi làm hay không thì có khác gì? Hãy ở nhà mà chăm lo cho cháu tôi.”

Khi nghe mẹ chồng nói câu ấy, em cảm thấy mình bị xúc phạm khủng khiếp. Em cũng được ăn học đàng hoàng, trước ngày bước vào nhà anh, em cũng là một nhân viên ưu tú hoàn thành mọi công việc. Thế mà tất cả công sức của em, trong mắt gia đình anh, lại rẻ mạt như thế. Em thật sự thấy tổn thương và rất đau lòng. Có phải em đã sai lầm khi lấy anh? Em đã sai lầm khi bước chân vào một gia đình mà không có được tình thương yêu của họ ngay từ đầu?./.

Có thể nói rằng, môn đăng hộ đối không chỉ thể hiện sự cân bằng không chỉ ở xuất phát điểm, kinh tế, văn hóa, đẳng cấp mà còn ở tính cách, nhu cầu giao tiếp… Sự xuất thân tương thích làm các cặp đôi dễ đồng điệu hơn trong việc nắm bắt được nhau.

Tuy nhiên, sự cân nhắc, tính toán chỉ nên nằm ở một mức độ nhất định, như hình thức bổ trợ, tìm kiếm bạn đời. Điều quan trọng nhất của một cuộc hôn nhân bền vững vẫn phải xuất phát từ tình yêu thương, bao dung và thấu hiểu của mỗi người dành cho nhau.

Vì vậy, chúng ta cũng không nên quá áp đặt và quá quan trọng điều này. Nhất là các bậc cha mẹ nên nhìn rộng, nhìn thoáng ra và không nên vì điều đó mà thiếu coi trọng con dâu, con rể của mình. Bởi vì, điều quan trọng nhất chính là nằm ở con người. Con dâu, con rể của mình có phải là người tốt, người đàng hoàng – tử tế hay không, có chân thành, yêu thương con của mình hay không… đó mới là điều quan trọng chứ không nằm ở điều kiện kinh tế, không phải nằm ở hoàn cảnh gia đình của họ.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/khong-duoc-bo-me-chong-coi-trong-vi-gia-dinh-khong-mon-dang-ho-doi-phai-lam-sao-d214034.html