Hóa ra, chỉ bảo nhẹ nhàng mới là cách đúng đắn để nuôi dạy một đứa trẻ trở nên ngoan ngoãn

Rất nhiều cha mẹ đều cho rằng chỉ có la mắng con mới có thể vâng lời và trở nên ngoan ngoãn. Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu đều chỉ ra việc la mắng không giúp con hết quấy khóc, hay nghe lời cha mẹ, ngược lại, hành động này còn có thể ảnh hưởng

Rất nhiều cha mẹ đều cho rằng chỉ có la mắng con mới có thể vâng lời và trở nên ngoan ngoãn. Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu đều chỉ ra việc la mắng không giúp con hết quấy khóc, hay nghe lời cha mẹ, ngược lại, hành động này còn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình hình thành tính cách của trẻ trong tương lai. Chính vì vậy, thay vì la mắng con, cha mẹ hãy thử một cách yêu thương con đúng đắn hơn đó chính là chỉ bảo một cách nhẹ nhàng. Vậy, tại sao chỉ bảo nhẹ nhàng lại có tác dụng với trẻ và cha mẹ lên làm gì để có thể nhỏ nhẹ với con khi con quấy khóc, không nghe lời?

 

Trước tiên, hãy cùng nhau đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao chỉ bảo nhẹ nhàng lại giúp con trở nên ngoan ngoãn hơn là la mắng?

Thử giả định một tình huống trẻ quấy khóc, lúc này theo bản năng, cha mẹ sẽ la mắng con. Sự la mắng đôi khi có tác dụng nhất thời đó là trẻ nín khóc một lúc, nhưng sau đó sẽ càng khóc to hơn. Điều này có thể giải thích là bởi ở giai đoạn này, trẻ thường bộc lộ những gì là bản năng nhất, và bản năng của trẻ nói rằng la mắng khiến trẻ sợ hãi, mà sợ hãi thì sẽ khóc.

Cũng trong tình huống trên, nếu cha mẹ nói nhỏ nhẹ với con thì kết quả sẽ khác. Khi trẻ đang khóc hoặc sợ hãi, điều đầu tiên con cần đó chính là được xoa dịu. Chính vì vậy, hãy vỗ về con và nói thật nhỏ nhẹ để con cảm giác được sự an toàn. Khi đã được xoa dịu, con sẽ biết cách để kết thúc vấn đề của mình, cha mẹ cũng không cần phải hết hơi la mắng.

Lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế lại không nhiều cha mẹ có thể bình tĩnh được trước nhận trận khóc khủng khiếp, hay những màn ăn vạ dai dẳng của con. Chính vì vậy, việc tham khảo 3 phương pháp sau đây là rất cần thiết.

1. Từ bỏ ngay quan niệm: “Nói nhỏ không đủ sức răn đe!”

Dường như, với nhiều bậc làm cha mẹ đều coi la mắng như kim chỉ nam nuôi dạy con của mình. Cũng vì quan niệm này đã ăn sâu vào tiềm thức nên cha mẹ mặc nhiên cho rằng việc nói nhỏ nhẹ sẽ không có tác dụng nhiều với con, mà chỉ càng khiến con thêm bất trị hơn mà thôi. Tuy nhiên, cha mẹ cần hiểu rằng, sức nặng của lời nói không nằm ở âm lượng, mà phụ thuộc vào điều cha mẹ nói với con là gì. Vậy tại sao cũng cùng một lời nói ra như thế, cha mẹ không dùng cách nói nhẹ nhàng hơn mà phải la mắng vào mặt con?

Bên cạnh đó, việc chỉ bảo nhẹ nhàng thông qua việc trò chuyện cùng con sẽ khiến trẻ cảm thấy mình được tôn trọng và yêu thương hoàn toàn. Điều này cũng giúp con hình thành được cách cư xử đúng mực trong tương lai, đó là khi con đối diện với xung đột, con cũng sẽ chọn cách nói năng nhẹ nhàng để giải quyết như cái cách mà cha mẹ trước đó đã từng làm với con vậy.

2. Hãy trở thành “người thầy” đầu tiên của con

Dù con đang ở giai đoạn này, cha mẹ cũng đừng ngại ngần trở thành “người thầy” đầu tiên cho con những bài học. Khi trẻ bất đồng với cha mẹ, với tư cách là giáo viên, cha mẹ hãy giảng giải cho con thấy điều nào là đúng, điều nào là sai, tất nhiên là phải bằng cách nói chuyện nhẹ nhàng chứ không phải là la mắng. Việc nói chuyện với con không những không hạ thấp cái uy của cha mẹ mà ngược lại còn giúp trẻ nhận thức được điều đang diễn ra một cách đúng đắn hơn. Trẻ cũng hiểu được rằng cha mẹ nhỏ nhẹ với mình nghĩa là cha mẹ vẫn quan tâm và yêu thương mình, sự yêu thương thuần túy này sẽ giúp tâm trí trẻ không bị những suy nghĩ tiêu cực chế ngự.

3. Nhất quán giữa kiến thức và hành động

Rất nhiều cha mẹ than phiền rằng dù rất rõ lợi ích của việc nói nhỏ nhẹ với trẻ, nhưng không phải lần nào họ cũng sẵn sàng nén cơn bực bội xuống để không la mắng con. Đến đây có thể thấy rõ việc nhất quán giữa kiến thức và hành động của cha mẹ là vô cùng quan trọng. Cha mẹ có thể nói hay, nhưng cũng phải làm giỏi, và điều đặc biệt đó là phải luôn luôn nhất quán cách xử lý trong các trường hợp. Không thể lần đầu con khóc ít thì chỉ bảo nhẹ nhàng, còn lần sau con khóc nhiều, thậm chí ăn vạ thì lại sẵn sàng la mắng con ngay được. Sự không nhất quán có thể khiến mọi nỗ lực hướng dẫn con trở thành đứa trẻ ngoan trước đó của cha mẹ trở nên vô nghĩa.

Cha mẹ luôn yêu thương con vô điều kiện và mỗi cha mẹ khác nhau sẽ có những cách yêu thương con khác nhau. Tuy nhiên, nếu muốn tìm một mẫu số chung cho việc nuôi dạy trẻ trở nên ngoan ngoãn trong tương lai thì đó chính là giáo dục con một cách nhẹ nhàng, thay vì la mắng đó cha mẹ à!

Chia sẻ bài viết: