Trên mạng xã hội vừa xuất hiện hình ảnh một hàng đinh sắt dài khoảng 7-10cm mọc trên vỉa hè ngõ 23 Đỗ Quang (P. Trung Hòa, Hà Nội) gây nguy hiểm cho người dân đi bộ trên vỉa hè.
Ngay sau khi nhận được phản ánh, lực lượng chức năng phường Trung Hòa đã tháo dỡ hàng đinh sắt. Phó Trưởng Công an phường Trung Hòa Chu Đình Cường cho biết, sau khi nhận tin, ông Cường đã báo cáo UBND phường Trung Hòa. Lực lượng dân phòng được điều động để nhổ đinh sắt và tịch thu. Chủ nhà cũng đã viết cam kết không tái phạm.
Chủ nhà cắm đinh sắt trên vỉa hè để hạn chế ô tô lạ đỗ (Ảnh: Thế Hưng).
“Chủ nhà vừa cắm đinh tối hôm trước thì hôm sau đã bị phường xử lý”, Phó Trưởng Công an phường Trung Hòa khẳng định.
Cũng theo ông Cường, ngôi nhà đó hiện đang sửa, chủ nhà không sống tại đó nên thường xuyên bị xe đỗ trước nhà. Không riêng chủ nhà tại ngõ 23 Đỗ Quang, đây là nỗi bức xúc của không ít người dân. Vì tình trạng chung các ngõ ở Hà Nội không có biển cấm đỗ.
“Ngoài đường có biển cấm đỗ công an có thể xử lý được nhưng trong ngõ thì chưa có cơ chế. Do đó, xe đỗ chui hết vào trong các ngõ dẫn đến tình trạng cứ chỗ vắng không có người là bị xe đỗ”, Ông Cường nêu thực trạng.
Lỗ đinh còn sót lại trên vỉa hè (Ảnh: Thế Hưng).
Đại diện Công an phường Trung Hòa cho biết, lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra kiểm soát, nhắc nhở. Tuy nhiên, đường nhỏ không cấm đỗ cũng không thể xử phạt.
Ngoài ra, quy chuẩn 41 cũng chưa rõ ràng dẫn tới khó xử phạt, trong khi phần lớn các khu đô thị của Quận đều dính tình trạng trên.
Lực lượng chức năng tháo dỡ dải đinh sắt.
Phần vỉa hè chủ nhà cắm đinh nhưng đã bị UBND phường Trung Hòa tháo dỡ (Ảnh: Thế Hưng).
Sự việc trên không thường xuyên xảy ra trên địa bàn phường Trung Hòa. Tuy nhiên, ngày 5/8 vừa qua, sự việc tương tự đã xảy ra tại ngõ 102 Ngụy Như Kon Tum (Hà Nội). Phần lòng đường trước cửa nhà số 16A bị rào bằng dây thừng và hệ thống khóa bẫy và cọc cấm đỗ xe. Phía trước có treo thông báo: “Vui lòng không đỗ xe trước cửa phòng khám. Xin cảm ơn!”. Mục đích của việc làm này theo như chia sẻ là để không cho xe ô tô lạ đỗ trước cửa nhà.
Hệ thống khóa và rào chắn cấm ô tô (Ảnh: FB Anh Thinh).
Nhiều người đã tỏ ra bức xúc với cách làm của chủ nhà và cho rằng đây là hành vi chiếm dụng lòng đường. Tuy nhiên, theo một số hộ sinh sống tại khu vực này cho biết, nhiều xe ô tô lạ thường đến đây đỗ cả ngày, từ sáng tới chiều tối. Ngõ ngắn mà xe đậu kín hai bên đường, còn duy nhất lối nhỏ cho xe máy đi được ở giữa.
Chiếm dụng lòng đường có thể đối mặt khung hình sự?
Trao đổi với Dân trí về sự việc trên, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết, theo các quy định pháp luật Dân sự, Luật giao thông đường bộ, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 123/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì người có nhà ở mặt đường chỉ có quyền sở hữu, sử dụng, quản lý bất động sản theo ranh giới ghi nhận tại các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu sử dụng.
Đối với phần vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà người dân là tài sản công cộng, do nhà nước quản lý. Đã là tài sản công cộng thì mọi người đều bình đẳng trong việc khai thác, sử dụng. Bởi vậy người dân có bất động sản cạnh đường giao thông cũng chỉ có quyền sử dụng phần vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà mình như các cá nhân khác trong xã hội.
Hiện nay không có một quy định nào trao cho chủ nhà có quyền ưu tiên khai thác sử dụng vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà mình hơn các chủ thể khác. Họ cũng không có quyền ngăn chủ thể khác khai thác sử dụng phần tài sản công này và càng không có quyền chiếm lấy làm tài sản sử dụng riêng, ngăn cản các chủ thể khác trong xã hội khai thác sử dụng.
Hành vi tự ý đặt vật cản, lắp đặt các thiết bị trên đường giao thông còn có thể bị xử phạt theo quy định tại khoản 10, điều 11, Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức phạt từ 6- 8.000.000 đồng đối với cá nhân. Nặng hơn, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ theo điều 261 Bộ luật hình sự nếu hành vi đặt, để chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ ; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy mà gây hậu quả chết người hoặc tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì có thể bị phạt tù bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Đáng chú ý, theo luật sư Lực thì dù pháp luật không có quy định chủ nhà ở ven đường có quyền sử dụng, khai thác riêng vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà mình để làm nơi đậu, đỗ xe nhưng về thực tiễn sử dụng, thói quen thì hành động này đều được cả xã hội thừa nhận. Điều này đã trở thành tập quán trong xã hội, phù hợp với quy định tại điều 5 Bộ luật dân sự năm 2015.
Chủ nhà có thể bị xử phạt hành chính với hành vi trên (Ảnh: Thế Hưng).
Theo đó: “Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự”.
Như đã nêu ở trên do pháp luật không có quy định nên để phân định việc ai có quyền khai thác, quản lý sử dụng phần vỉa hè cần phải áp dụng tập quán. Vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà người có bất động sản cần ưu tiên cho chủ nhà khai thác sử dụng tuân theo quy định tại khoản 2, điều 5, Bộ luật dân sự năm 2015: “Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”.
“Trong một xã hội văn minh, mọi ứng xử của người dân trong các quan hệ dân sự dựa trên các quy định pháp luật, trường hợp pháp luật chưa điều chỉnh thì áp dụng tập quán, áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là lẽ công bằng. Mong rằng chủ nhà, người dân nắm bắt được các nội dung nêu trên để từ đó có hiểu biết và đưa ra các ứng xử hài hòa, phù hợp đảm bảo quyền lợi cá nhân, an ninh trật tự xã hội”, luật sư Lực chia sẻ.