Dấu hiệu tiền mãn kinh sớm và biện pháp cải thiện phụ nữ cần biết

Tiền mãn kinh là quá trình chuyển đổi sang giai đoạn mãn kinh ở phụ nữ.

Khi mãn kinh, cơ thể sẽ không xuất hiện chu kỳ rụng trứng, kinh nguyệt sẽ mất đi và không còn khả năng sinh sản. Vậy dấu hiệu nào báo hiệu tiền mãn kinh sớm?

Dấu hiệu tiền mãn kinh sớm

Thông thường, thời gian bắt đầu giai đoạn tiền mãn kinh ở mỗi phụ nữ là khác nhau vì thể chất mỗi người mỗi kiểu. Tuy nhiên, theo thống kê, đa phần phụ nữ đối mặt với tuổi tiền mãn kinh khi ở độ tuổi 42 – 50. Giai đoạn tiền mãn kinh diễn ra ngắn hay kéo dài phụ thuộc vào nội tiết trong cơ thể mỗi người. Có người chỉ phải chịu thời kỳ này 2 – 3 năm, tuy nhiên cũng có người phải chật vật suốt 7 – 8 năm.

Mốc đánh dấu thời kỳ tiền mãn kinh chấm dứt là khi người phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh – được xác định sau 12 tháng liên tục không có kinh nguyệt. Giai đoạn tiền mãn kinh có nhiều thay đổi cả về chức năng sinh sản và tâm lý, gây nhiều phiền toái cho bản thân người phụ nữ cũng như gia đình. Các dấu hiệu của tiền mãn kinh sớm cũng giống như các dấu hiệu của một giai đoạn tiền mãn kinh bình thường, chỉ khác nó xảy ra sớm hơn, trước 40 tuổi. Các dấu hiệu của tiền mãn kinh sớm gồm có:

Rối loạn kinh nguyệt: Dấu hiệu chính của tiền mãn kinh sớm là các chu kỳ kinh nguyệt không đều, quá dài hoặc quá ngắn, lượng máu kinh nguyệt ra ít hoặc nhiều hơn và xuất hiện trước 40 tuổi. Cuối cùng, chu kỳ kinh nguyệt sẽ ngừng hoàn toàn và không xuất hiện nữa.

Khó ngủ và đánh trống ngực: Phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh thường khó ngủ. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và cáu kỉnh hơn so với bình thường. Nhịp tim có thể tăng lên gây ra cảm giác đánh trống ngực ở những phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh.

Nóng bừng hay bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm: Bạn có cảm giác nóng xuất hiện đột ngột, trong thời gian ngắn, thường xảy ra ở mặt, cổ và ngực và có thể làm cho da bạn đỏ bừng và đổ mồ hôi. Bốc hỏa thường xuyên xảy ra vào ban đêm khiến bạn bị đổ mồ hôi khi ngủ.

Giảm ham muốn TD: Từ sau tuổi 30, lượng hormon estrogen trong cơ thể phụ nữ giảm dần hàng năm. Khi lượng estrogen suy giảm, phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh thường giảm ham muốn TD. Thêm vào đó, hormon này suy giảm gây tình trạng khô, đau và ngứa hoặc khó chịu khi QHTD khiến chị em ngại gần gũi hơn.

Thay đổi cảm xúc: Phụ nữ tiền mãn kinh sớm thường thay đổi cảm xúc rất thất thường, khó kiềm chế cảm xúc. Đôi khi hay lo lắng, trầm buồn, cáu kỉnh hay nóng tính.

Loãng xương: Đây cũng là dấu hiệu của tiền mãn kinh sớm. Hormon estrogen suy giảm gây mất lượng lớn canxi ra khỏi xương gây loãng xương.

Nguyên nhân tiền mãn kinh sớm

Tiền mãn kinh sớm có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp không thể xác định được nguyên nhân gây mãn kinh sớm. Có thể điểm một vài nguyên nhân chủ yếu như:

Di truyền: Nếu mẹ của bạn có độ tuổi mãn kinh bắt đầu sớm, bạn có nhiều khả năng cũng sẽ mãn kinh sớm. Bởi vậy, việc biết được độ tuổi bắt đầu mãn kinh của mẹ có thể cung cấp những dữ liệu gợi ý về thời điểm mà bạn bắt đầu mãn kinh. Tuy nhiên, gene chỉ là một phần nguyên nhân của mãn kinh sớm.

Một số yếu tố lối sống có thể có tác động vào tuổi bắt đầu mãn kinh của bạn. Một số nghiên cứu cũng cho thấy chế độ ăn chay, không tập thể dục và thiếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời lâu ngày cũng có thể gây tiền mãn kinh sớm.

Chỉ số khối cơ thể (BMI) cũng có thể là yếu tố dẫn đến tiền mãn kinh sớm. Estrogen lưu trữ trong mô mỡ. Phụ nữ gầy yếu có ít dự trữ hormon estrogen hơn, bởi vậy có thể bị cạn kiệt lượng hormon này sớm hơn.

Một số khiếm khuyết nhiễm sắc thể có thể dẫn đến tiền mãn kinh sớm.

Hút thuốc lá có thể là nguyên nhân gây tiền mãn kinh sớm. Thuốc lá làm giảm lượng hormon estrogen trong cơ thể nữ giới, có thể gây ra tiền mãn kinh sớm.

Dấu hiệu tiền mãn kinh sớm có thể là triệu chứng của bệnh tự miễn như bệnh tuyến giáp hoặc viêm khớp dạng thấp. Trong các bệnh tự miễn, hệ thống miễn dịch sẽ nhận nhầm một cơ quan trong cơ thể với các tác nhân lạ và tấn công cơ quan này. Việc mắc một trong các bệnh này có thể ảnh hưởng đến buồng trứng. Thời kỳ mãn kinh xảy ra khi buồng trứng ngừng hoạt động.

Xạ trị và hóa trị trong điều trị UT có thể gây ra suy buồng trứng sớm. Điều này có thể là vĩnh viễn hoặc tạm thời. Nguy cơ tiền mãn kinh sớm của bạn sẽ phụ thuộc vào: tuổi tác, loại hóa chất điều trị hóa trị khác nhau có ảnh hưởng khác nhau đến buồng trứng. Nguy cơ phát triển tiền mãn kinh sớm nếu vị trí xạ trị ở não hoặc vùng chậu.

Khi có các dấu hiệu tiền mãn kinh sớm, chị em nên đi khám để được tư vấn cụ thể.

Làm thế nào chẩn đoán được tiền mãn kinh sớm?

Bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm, kiểm tra cho bạn để chẩn đoán tình trạng mãn kinh sớm:

Hormon estrogen: Dấu hiệu của tiền mãn kinh sớm thể hiện ở nồng độ estrogen suy giảm sớm.

Hormon kích thích nang trứng (FSH): Nếu nồng độ FSH của bạn luôn ở mức trên 30 mIU/ml và bạn không có kinh nguyệt trong một năm, thì có khả năng bạn đã đến tuổi mãn kinh. Tuy nhiên, xét nghiệm FSH tăng cao không có nghĩa là mãn kinh.

Hormon kích thích tuyến giáp (TSH): Bác sĩ có thể kiểm tra mức TSH của bạn để chẩn đoán. Nếu bạn có tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp), bạn sẽ có mức TSH cao. Các triệu chứng của tình trạng này tương tự như các triệu chứng tiền mãn kinh.

Siêu âm có hình ảnh tử cung teo nhỏ.

Sinh thiết cho thấy niêm mạc tử cung teo đét.

Điều trị tiền mãn kinh sớm như thế nào?

Thời kỳ mãn kinh là không thể không xảy ra nhưng việc điều trị có thể giúp trì hoãn hoặc giảm các triệu chứng của mãn kinh, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.

Các biện pháp không dùng thuốc

Bỏ hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích.

Tích cực tập thể dục.

Tắm nắng hàng ngày.

Ăn uống đủ chất, giàu chất xơ, hạn chế chất béo no.

Cụ thể, thay đổi chế độ ăn khoa học để thích nghi với giai đoạn tiền mãn kinh

Bên cạnh băn khoăn tiền mãn kinh uống thuốc gì, nhiều người cũng có thắc mắc nên có chế độ ăn uống như thế nào trong giai đoạn này. Thực đơn ăn uống hàng ngày thực sự có tác động không hề nhỏ đối với sức khỏe của nữ giới khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh. Để đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh và thích ứng tốt đối với sự thay đổi sinh lý tất yếu này, bạn nên bổ sung những chất sau trong các bữa ăn hàng ngày:

Canxi và vitamin D: được tìm thấy nhiều trong trứng, phô mai, sữa, các loại đậu, hải sản, rau xanh, ngũ cốc,… có tác dụng phòng ngừa tình trạng loãng xương;

Thực phẩm chứa phytoestrogen: có trong anh đào, hạt lanh, đậu nành, vỏ và hạt nho, mè,… giúp làm giảm triệu chứng bốc hỏa;

Omega-3, omega-6: chứa nhiều trong cá thu, cá hồi, hạt óc chó,… Đây đều là những loại chất béo tốt với công dụng phòng ngừa xơ vữa mạch máu, bảo vệ tim mạch, bảo vệ hệ thần kinh, ngăn ngừa bệnh đông máu;

Chất xơ: từ các loại rau xanh và hoa quả tươi giúp chữa táo bón – hệ quả thường gặp do rối loạn nội tiết tố xảy ra trong cơ thể những phụ nữ tiền mãn kinh;

Thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa: dâu tây, quả mâm xôi, việt quất, cải xoăn,… có tác dụng ngăn cản các dấu hiệu lão hóa như da nhăn, suy giảm trí nhớ hay các bệnh lý về tim mạch,…

Trên thực tế phần lớn các biểu hiện tiền mãn kinh nếu chỉ ở mức độ nhẹ và trung bình thì có thể tự thuyên giảm theo thời gian. Do đó nếu triệu chứng ở giai đoạn này khiến bạn quá khó chịu và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống thường nhật, hãy tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ. Trước khi sử dụng bất kỳ thuốc tiền mãn kinh nào cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ để tránh gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Có người trải qua thời kỳ tiền mãn kinh rất nhẹ nhàng nhưng một số người không thể chịu đựng được hàng loạt triệu chứng của rối loạn tiền mãn kinh. Theo PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng, tùy từng trường hợp mà bác sĩ có chỉ định điều trị bằng thuốc, liệu pháp bổ sung nội tiết tố… nhưng đa phần phụ nữ có thể khắc phục những rắc rối của giai đoạn này bằng những giải pháp đơn giản:

Về chế độ ăn uống

Lựa chọn chế độ ăn uống phù hợp

Chế độ ăn hợp lý giúp cải thiện triệu chứng rối loạn tiền mãn kinh

Nên tăng cường chất đạm, axit béo omega-3, chất xơ và canxi trong thực đơn hàng ngày. Cụ thể:

Chất đạm

Ở tuổi tiền mãn kinh, khối lượng cơ bắt đầu sụt giảm. Vì thế, bạn cần tăng lượng protein trong khẩu phần ăn vì protein hỗ trợ duy trì khối lượng cơ. Ngoài ra, protein còn giúp điều chỉnh cảm giác thèm ăn và lượng đường trong máu, cũng như cân bằng lượng hormone trong cơ thể bạn. Thịt nạc, thịt gia cầm, cá, trứng, các loại đậu… là nguồn protein tốt.

Axit béo omega-3

Axit béo omega-3 có liên quan đến việc giảm viêm, cải thiện tâm trạng và phòng ngừa chứng trầm cảm. Do vậy, người phụ nữ rất cần bổ sung các loại cá béo (cá ngừ, cá thu, cá trích…) trong chế độ ăn. Viên uống dầu cá cũng là lựa chọn tốt nếu lượng cá béo bạn cung cấp chưa đủ.

Chất xơ

Chất xơ (có trong các loại rau, củ, quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu…) giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, từ đó hạn chế cảm giác thèm ăn và duy trì cân nặng. Điều này đặc biệt hữu ích đối với phụ nữ tiền mãn kinh – những người dễ bị tăng cân do tốc độ trao đổi chất chậm lại.

Chẳng những vậy, chất xơ còn được chứng minh giúp làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh lão hóa bao gồm bệnh tim, đột quỵ và UT.

Canxi

Khi nguy cơ loãng xương tăng lên, bạn cần tăng lượng canxi lên 1.200mg/ngày. Vitamin D cũng rất quan trọng vì giúp cơ thể hấp thụ canxi tối đa. Bạn hãy làm bạn với sữa không đường tách béo, các loại đậu, động vật có vỏ, trứng… vì đây là nguồn canxi dồi dào.

Bên cạnh những thực phẩm nên ăn, có một số thực phẩm bạn cần hạn chế hoặc kiêng tuyệt đối khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh, đó là:

Thực phẩm giàu chất béo bão hòa: mỡ động vật, các chế phẩm từ sữa như bơ, phô mai…

Thực phẩm chứa carbohydrate tinh chế cao: bánh mì trắng, mì, bánh ngọt, kẹo, kem…

Thức uống chứa caffein

Về chế độ sinh hoạt

Lối sinh hoạt khoa học sẽ giúp bạn đẩy lùi các triệu chứng rối loạn tiền mãn kinh. Cụ thể:

Tập thể dục hàng ngày

Ngừng hút thuốc lá

Hạn chế uống rượu bia

Cố gắng tạo cho mình giấc ngủ ngon và ngủ đủ 7 – 8 giờ/ngày

Duy trì cân nặng ổn định với chỉ số BMI trong giới hạn bình thường

Duy trì chế độ tập luyện

Phụ nữ độ tuổi tiền mãn kinh cần duy trì tập luyện mỗi ngày

Sử dụng thuốc

Trong trường hợp các triệu chứng rối loạn tiền mãn kinh của bạn trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, bác sĩ sẽ dùng đến một số loại hormon thay thế (bổ sung Estrogen và Progesterone); điều trị nội tiết (bao gồm điều trị estrogen toàn thân hoặc khu trú, liệu pháp nội tiết estrogen và progesterone kết hợp, điều trị estrogen có kèm hay không kèm với progesterone…).

Tuy nhiên, việc uống loại thuốc nào, liều lượng bao nhiêu, điều trị trong thời gian bao lâu… cần được bác sĩ cân nhắc kỹ lưỡng nhằm tránh những rủi ro xảy đến cho sức khỏe. Do đó, chị em không nên tự ý uống thuốc mà cần đến cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa phụ sản để được kiểm tra sức khỏe và được bác sĩ chỉ định dùng thuốc đúng cách.

Nguồn tổng hợp: https://suckhoedoisong.vn/dau-hieu-tien-man-kinh-som-phu-nu-can-biet-169165328.htm

https://tamanhhospital.vn/dieu-tri-chung-roi-loan-tien-man-kinh-luu-y-ve-an-uong/

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/dau-hieu-tien-man-kinh-som-va-bien-phap-cai-thien-phu-nu-can-biet-d162776.html
X