Dù thuộc top điểm cao nhất khối C, một thí sinh tại Đắk Lắk vẫn có nguy cơ trượt tốt nghiệp. Thí sinh này đạt điểm cao ở các môn tổ hợp Khoa học xã hội, trong đó Lịch sử 9,25, Địa lý 9,5 và 9,75 Giáo dục công dân (GDCD). Ngoài ra thí sinh này đạt 8 điểm Toán và 8,75 Ngữ văn. Đây đều là các mức điểm khá cao.
Xét theo khối C00 (Văn, Sử, Địa) thí sinh này đạt 27,5 điểm. Nếu xét tuyển theo khối C20 (Văn, Địa, GDCD) thí sinh này đạt điểm rất cao 28 điểm. Tuy nhiên môn tiếng Anh của thí sinh này bị 0 điểm.
Ngoài thí sinh Đắk Lắk, có trường hợp tương tự. Hai thí sinh ở Hà Nội đạt hơn 27 điểm nhưng chỉ đạt 0 và 1 điểm môn Sinh.
Tại TP.HCM một thí sinh đạt 27,1 điểm khối A01 nhưng môn Sinh đạt điểm liệt. Một trường hợp khác cũng tại TP.HCM đạt 26,7 điểm nhưng chỉ đạt 1 điểm Lý.
Ở Thanh Hóa cũng có thí sinh đạt điểm 26,4 điểm nhưng chỉ được 0,25 điểm Lý.
Bên cạnh đó, nhiều thí sinh thi khối C đạt mức điểm cao 27,25 – 28,75 nhưng bị 0 điểm tiếng Anh hoặc GDCD.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các thí sinh có điểm thi dưới 1 điểm ở bất kỳ bài thi nào cũng không đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Đồng nghĩa, điểm liệt thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là 1 điểm trở xuống.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, cả nước có 585 bài thi bị điểm liệt, trong đó 14 điểm 0 môn tiếng Anh, cao hơn năm ngoái 8 trường hợp. Năm nay, số thí sinh có điểm thấp hơn hoặc bằng 1 là 145, chiếm tỷ lệ 0,016%.
Trong số các thí sinh thi tốt nghiệp bị điểm liệt, Hà Nội nhiều nhất trong cả nước với 46 em. Kế đến TP.HCM ở vị trí thứ 2 với 40 em và Thanh Hoá có 24 thí sinh. Trong 63 địa phương, chỉ Tiền Giang, Vĩnh Long, Tuyên Quang không ghi nhận trường hợp thí sinh nào bị điểm liệt.