Theo báo Lao động, Công ty Luật TNHH YouMe trả lời:
Người vi phạm giao thông chậm nộp phạt có bị tính lãi không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 18/2023/TT-BTC về thủ tục thu tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính như sau:
Quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 68 và khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Nếu chậm nộp phạt vi phạm giao thông thì cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, thì cá nhân, tổ chức vi phạm nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Ảnh minh họa: V.Huế
Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.
Như vậy, người vi phạm giao thông đã quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà chưa nộp phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, người vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp, ước tính với lãi chậm nộp là hơn 18% một năm.
Cơ quan thu tiền phạt căn cứ vào đâu để tính và thu tiền chậm nộp phạt?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 18/2023/TT-BTC như sau:
3. Cơ quan thu tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này căn cứ vào quyết định xử phạt, số ngày chậm nộp phạt để tính và thu tiền chậm nộp phạt khi cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt vi phạm hành chính.
Trường hợp cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt bằng hình thức chuyển khoản quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này phải căn cứ vào quyết định xử phạt, số ngày chậm nộp phạt để tính và nộp tiền chậm nộp phạt.
Như vậy, cơ quan thu tiền phạt căn cứ vào quyết định xử phạt, số ngày chậm nộp phạt để tính và thu tiền chậm nộp phạt của người vi phạm giao thông.