Còng lưng trả giúp bố mẹ chồng 8 năm vẫn chưa hết nợ, con dâu suy sụp khi biết nguyên nhân

Khi biết sự thật, cô thất vọng và suy sụp. Cô rất hối hận vì trước đây không ngăn bố mẹ đẻ nhận số tiền đó.

Theo Gia đình và xã hội, mới đây, một người phụ nữ người Giang Tây, Trung Quốc vừa lái xe vừa khóc chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc. Theo đó, cô lấy chồng được 8 năm. Mỗi tháng khi chồng đưa lương cho mình, cô đều phải chi gần hết số tiền đó để giúp bố mẹ chồng trả nợ, cứ thế đến nay vẫn chưa trả hết.

Điều này khiến cô thấy khó hiểu vì bố mẹ chồng sống rất tằn tiện, làm sao có thể nợ nần nhiều đến nỗi còng lưng trả nhiều năm không xong. Tuy nhiên, gia đình chồng đều tránh né không muốn nói lý do.

Cô gái lấy chồng 8 năm vẫn chưa trả hết nợ giúp nhà chồng chỉ vì bố mẹ đẻ thách cưới quá cao.

Cuối cùng, sau nhiều lần gặng hỏi chồng cô mới nói thật rằng nguồn gốc khoản nợ đó chính là tiền sính lễ nộp cho bố mẹ cô 8 năm trước. Bố mẹ cô dâu thời điểm đó đã yêu cầu tiền sính lễ là 680 nghìn nhân dân tệ (gần 2,3 tỷ đồng) mới chịu gả con gái đi.

Theo lời anh, dù bố mẹ chồng cô vốn không có điều kiện kinh tế đến vậy nhưng biết hai con yêu nhau thật lòng nên rất muốn chúc phúc cho đôi trẻ, đồng ý vô điều kiện với nhà gái.

Còn cô dâu vốn tưởng bố mẹ chồng lo khoản đó nên không để ý nhiều. Không ngờ sau khi về làm dâu, vợ chồng cô phải cùng họ xoay xở trả dần.

Khi biết sự thật, người phụ nữ thất vọng và khá suy sụp. Cô rất hối hận vì trước đây không ngăn bố mẹ đẻ nhận số tiền đó, khiến cho chất lượng cuộc sống sau khi kết hôn không được tốt lắm, làm ra bao nhiêu cũng chỉ để trả nợ.

Điều khiến người phụ nữ càng muốn khóc hơn là bố mẹ cô thậm chí đã không cho lại các con dù một đồng trong số 680.000 tệ sính lễ đó. Người phụ nữ biết nếu bố mẹ cho cô hồi môn một nửa số quà thì chồng và bố mẹ chồng cô đã không phải sống vất vả bấy lâu nay. Cô không thể hiểu nổi tại sao bố mẹ lại không làm vậy. Vốn bố mẹ cô yêu cầu sính lễ như mọi nhà, khoảng 300.000 tệ nhưng lại nhận được 680.000 tệ mà không đỡ đần con cái chút nào.

“Giá bố mẹ bằng lòng cho tôi một nửa số tiền ấy làm của hồi môn thì chồng tôi đã không phải làm việc vất vả như vậy. Tôi không thể hiểu được quyết định của bố mẹ mình, về cơ bản đó là hành động bán con gái”, người phụ nữ chia sẻ.

Cô do dự về việc có nên về nhà hỏi bố mẹ, sợ nếu hỏi thì xảy ra xung đột, còn nếu không hỏi rõ thì cảm thấy khó đối mặt với gia đình mình.


Thách cưới cao khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần ở Trung Quốc. Ảnh minh hoạ

Có thể nói, Giang Tây chính là nơi có “giá cô dâu” cao nhất cả nước. Theo đó, sính lễ bao gồm tiền mặt và nhiều món đồ khác như vàng, trang sức, tài sản… nhà trai phải tặng cho nhà gái trước khi lễ cưới diễn ra ở mức 300.000 tệ (1 tỷ đồng) vốn là chuyện bình thường. Hiện nay, khi tỷ lệ nam nữ mất cân bằng, nhiều nơi còn “hét giá” cao hơn, thậm chí lên tới hơn 600.000 tệ (2 tỷ đồng).

Trong khi đó, phong tục tại Quý Châu thì ngược lại, họ có phần chú ý đến lễ nghi hơn. Đơn cử như người Miêu ở Quý Châu có nét đặc trưng văn hóa rất độc đáo chính là đeo lượng lớn trang sức bạc trên người. Con gái Miêu phải có một bộ trang sức bằng bạc mới đủ điều kiện lập gia đình, không ít gia đình tiết kiệm nhiều năm để có số bạc cần thiết cho con đi lấy chồng.

Ngay sau khi lan truyền trên mạng xã hội, câu chuyện về sính lễ của người phụ nữ này đã nhận được sự quan tâm cùng nhiều bình luận:

– “Gia đình chồng của cô thực sự tốt. Hãy trân trọng và đối xử tốt với họ nhé!”;

– “Giá như bố mẹ cho cô của hồi môn nửa số tiền kia thì chuyện đã không ra nông nỗi này.”;

– “Cha mẹ đòi sính lễ với giá trên trời thực sự không xứng đáng làm cha mẹ”;

– “Đây là việc bán con gái”;

– “Tham lam thách cưới số tiền lớn, cuối cùng con gái họ phải è cổ ra làm việc để trả; họ có hiểu điều đó không?”…

Nguồn gốc nạn thách cưới ở Trung Quốc

Hồi tháng 1, bài báo với tiêu đề “Cô gái Giang Tây đòi bạn trai Thượng Hải 18,88 triệu tệ (hơn 65 tỷ đồng) sính lễ” liên tục đứng đầu danh sách các chủ đề nóng của mạng xã hội Trung Quốc. Câu chuyện sau đó được xác minh là giả mạo nhưng một thị trấn ở Giang Tây vẫn yêu cầu 30 cô gái chưa chồng điền tên vào thư ngỏ chỉ trích nạn thách cưới quá cao (hét giá cô dâu) khiến vấn đề này tiếp tục gây bão trên các phương tiện truyền thông.

Mới đây, thông tin một gia đình ở Tứ Xuyên nhận 260.000 tệ (900 triệu đồng) tiền sính lễ trong khi con gái chưa đủ tuổi thành niên bị phản ứng dữ dội.

Trên phương tiện truyền thông nào, thái độ của dư luận với nạn hét giá cô dâu đều tiêu cực giống nhau. Nhiều người coi đây là một truyền thống lỗi thời cần sớm chấm dứt. Chính quyền địa phương, đặc biệt ở miền bắc Trung Quốc, đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn cản tập tục này, coi đây là một trở ngại cho việc ổn định đời sống xã hội nông thôn.

Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn tồn tại. Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, giá cô dâu hay sính lễ mang ý nghĩa điều chỉnh quan hệ hôn nhân. Ngày nay, nó còn như một cách báo đáp công nuôi dưỡng của cha mẹ cô dâu và hỗ trợ tài chính cho cặp vợ chồng mới.


Ảnh minh hoạ

Vế nào trong hai yếu tố này quan trọng hơn phụ thuộc vào văn hóa vùng miền. Ở nông thôn phía bắc Trung Quốc, như Hà Nam, Sơn Đông và phía bắc tỉnh An Huy, cha mẹ cô dâu thường không giữ tiền vì sợ bị mang tiếng là bán con. Toàn bộ sính lễ nhà trai đưa sang được chuyển cho cô dâu sử dụng trong cuộc sống hôn nhân sau này.

Các vùng ở thượng lưu sông Dương Tử, bao gồm Tứ Xuyên, Hồ Bắc và Trùng Khánh, cũng theo thông lệ này. Sính lễ thường được chuyển cho cô dâu và nhà gái có thể cho con thêm hồi môn, thường tương đương với sính lễ nhà trai.

Ở phía nam, bao gồm các tỉnh Quảng Đông, Giang Tây và Phúc Kiến, sính lễ thường được cha mẹ cô dâu giữ như một hình thức công nhận công lao nuôi dạy. Giá cô dâu thường được gọi là “tiền nuôi con”. Các bậc cha mẹ sẽ chuyển cho con gái khoảng một nửa sính lễ để làm hồi môn, phần còn lại để trang trải cho đám cưới hoặc để dành làm sính lễ khi con trai họ kết hôn.

Nhưng nhiều người thắc mắc vì sao ở những vùng có tập quán trao lại sính lễ cho cô dâu mà số tiền thách cưới vẫn cao ngất ngưởng? Câu trả lời là do quan niệm “cuối cùng tiền cũng về tay cặp vợ chồng mới nên cha mẹ cô dâu không bị buộc tội bán con”. Một lý do khác là lĩnh vực hôn nhân tương đối khép kín và kỳ vọng kết hôn với người địa phương làm tăng sự cạnh tranh và đẩy giá lên cao.

Nghiên cứu của Li Yongping, giáo sư xã hội học tại Đại học Nam Khai cho thấy, giá cô dâu thực sự có xu hướng cao nhất ở vùng nông thôn Hà Nam, phía bắc An Huy, đặc biệt là ở bình nguyên Hoa Bắc. Các gia đình tại những khu vực này thường tốn ít nhất 10.000 tệ sính lễ cho mỗi con trai, chưa bao gồm nhẫn cưới, đồ trang sức hoặc chi phí tổ chức đám cưới.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/cong-lung-tra-giup-bo-me-chong-8-nam-van-chua-het-no-con-dau-suy-sup-khi-biet-nguyen-nhan-d188947.html
X