Cho tôi hỏi: “Các chị em có khi nào thấy hối hận vì lấy chồng hay không?” Còn với tôi thì chắc chắn là có. Nhưng chủ yếu hối hận là những lúc bố mẹ đẻ ốm chẳng ai chăm sóc, vào những lúc gia đình đoàn tụ mà lỡ may nhà chồng có công việc lại không thể về được. Có cả những lúc vì thấy ánh mắt, thái độ của bố mẹ chồng khó chịu khi mình xin về nhà đẻ.
Chắc chắn cũng có người đã và đang làm bố hoặc mẹ, sẽ hiểu được chăm con vất vả như thế nào. Bố mẹ đẻ đã tốn bao nhiêu công sức, nâng niu, che chở con gái rượu từ nhỏ đến lúc trưởng thành, rồi cho đến khi đi lấy chồng, chính thức bố mẹ đã “mất đi con gái”. Chẳng những thế, mỗi lần con gái đưa con cái về ngoại chơi, bố mẹ nào cũng sẽ từng trải qua cảm giác háo hức, ngóng trông từng giây.
Có không ít người đã thắc mắc rằng: Tại sao về nhà đẻ, không phải là “thông báo” mà lại là “xin phép” bố mẹ chồng cơ chứ.
Cách đây không lâu, tôi có nghe được một câu chuyện. Nội dung câu chuyện như sau:
“Gia đình tôi có 4 chị em, bố mẹ tôi chỉ là những nông dân bình thường. Quê tôi ở một làng quê yên bình của một tỉnh miền Bắc. Hai chị gái tôi đã lấy chồng ổn định, còn tôi chỉ mới cưới cách đây được 3 năm. Sau tôi còn một đứa em gái học lớp 10.
Còn nhớ ngày làm giấy thi Đại học vì thích ngắm nhìn thế giới xung quanh nên tôi đã chọn một trường Đại Học ở Sài Gòn. Bố mẹ cũng can ngăn lắm, nhưng tôi chẳng nghe.
Khi có giấy trúng tuyển, tôi một mình đi xa nhà tận hơn nghìn cây số để vào học tập. Một năm tính ra chỉ về được một lần vào dịp Tết. Thời gian ở cùng bố mẹ cũng chẳng được nhiều. Học xong 4 năm đại học, đi làm được 2 năm thì tôi yêu chồng tôi.
Tôi học và làm việc ở Sài Gòn, còn chồng ở Hà Nội. Chúng tôi quen nhau qua mạng xã hội, nói chuyện được khoảng 3 tháng thì chúng tôi quyết định gặp mặt nhau. Ngay lần đầu tiên gặp mặt, cả tôi và chồng đều đã có cảm tình với nhau. Sau đó chúng tôi hẹn hò và tiến tới kết hôn.Tuy rằng yêu xa, nhưng cũng không thể nào ngăn cản được tình yêu của chúng tôi.
Từ khi quen nhau, cho đến lúc kết hôn, vỏn vẹn chỉ hơn nửa năm. Sau khi cưới, tôi chuyển công việc ra Bắc. Cứ tưởng chuyển ra Bắc, cũng đồng nghĩa với việc gần bố mẹ, sẽ được về nhà thăm bố mẹ nhiều hơn, ở bên bố mẹ nhiều hơn.
Nhưng cưới chồng xong, tôi mới phát hiện tất cả không phải như mình nghĩ. Năm đầu tiên lấy chồng về, tôi thấy bố mẹ chồng cũng rất tốt, ông bà luôn vui vẻ với con cái. Vì vậy, tôi xem bố mẹ chồng như bố mẹ ruột, chưa bao giờ tôi dám cãi lời hay làm phật lòng ông bả cả.
Không ngờ cưới chồng được 2 năm thì bố tôi đột ngột bị bệnh nặng, bác sĩ cũng đã chẩn đoán rằng không thể nào qua được cái Tết năm ấy.
Lúc đó tôi nghĩ chỉ muốn ở bên bố nhiều hơn, muốn ăn cái Tết cuối cùng với bố, nhưng khi ngỏ ý:
“Con biết con đã làm dâu nhưng vì bố con bên nhà ốm nặng, nên con xin phép bố mẹ về nhà ăn Tết và chăm sóc bố con lần cuối trong đời”
Bố mẹ chồng lại gạt đi rồi bảo:
“Tôi mất tiền bạc cưới cô về thì cô phải chăm sóc, phụng dưỡng cho bố mẹ chồng. Con gái đã lấy chồng thì là người nhà chồng, không còn là người bên đó nữa”.
Nghe bố mẹ chồng nói, tôi chẳng biết nói lại thế nào. Nên chỉ có thể cắn răng chịu đựng, ngày ngày chỉ biết thầm cầu cho bố tôi nhanh khỏe lại.
Và rồi sau đó bố tôi đã không qua khỏi cái Tết. Tuy rằng, bố đã mất được một năm nhưng tôi vẫn còn day dứt và dằn vặt cho đến bây giờ. Tôi đau đớn, và hối hận vô cùng. Cho đến lúc đấy tôi chẳng còn thấy nhà chồng quan trọng nữa”.
Đấy người ta thường hay bảo con gái đi lấy chồng thì là hết. Con gái chính là mối làm ăn lỗ nhất trên cuộc đời của bố mẹ. Thế thì tại sao, con gái không thể đến đáp, “bù lỗ” cho bố mẹ của mình.
Tôi cũng chẳng thể nào hiểu nổi, vì sao có nhiều phụ nữ, họ than vãn nhà chồng, nói nhà chồng không tốt nhưng lại chưa bao giờ phản bác lại, mà vẫn đội nhà chồng lên đầu. Cho dù lấy chồng không xa, nhưng suốt ngày than ngắn thở dài nhớ nhà, rồi nói rằng không về thăm bố mẹ được, mà nhiều khi cũng “chẳng dám xin về”.
Chung quy muốn về hay không là do mình, không có gì có thể bắt ép mỗi người cả. Mọi người nên nhớ rằng lúc trước nhà chồng cũng phải cưới xin đàng hoàng mới có thể rước về nhà, chứ không phải rằng phạm nhân trong cái “ngục tù hôn nhân” kia đâu.
Cho nên nếu muốn về thăm bố mẹ, thì chỉ cần thông báo cho mẹ chồng là con về nhà đẻ. Đừng bao giờ “xin phép”, và cũng đừng bao giờ phải nhìn thái độ của người ta. Bố mẹ chồng không ở hoàn cảnh của bố mẹ mình nên người ta không hiểu được đâu.
Khi chúng ta xin phép một lần, chắc chắn từ đó về sau, chúng ta cũng phải xin phép, và bố mẹ chồng sẽ mặc định rằng “xin phép” mỗi lần về nhà đẻ là một việc mà con dâu phải làm và bắt buộc phải làm. Thế chẳng phải con người mất đi cái quyền cơ bản nhất là quyền tự do rồi hay sao.
Chồng có thể đổi, hạnh phúc cũng có thể tìm lại được, nhưng bố mẹ thì chỉ có một. Thời gian thì trôi qua rất nhanh, bố mẹ sẽ chẳng thể nào mãi mãi có thể chờ đợi con cháu về gặp mặt lần cuối. Nếu nhà chồng không thông cảm, không hiểu cho điều này, thì họ không xứng đáng với những gì tốt đẹp mà chúng ta dành cho họ.
Không biết chị em có nghĩ như tôi khi không? Nếu là chị em, chị em sẽ chọn “thông báo” hay là “xin phép”?