Cô 62 tuổi sống trong viện dưỡng lão, con cháu chưa từng đến thăm

“Mẹ không biết khi nào chuỗi ngày này mới kết thúc, và cũng không biết các con có tha thứ cho mẹ không, hãy đến thăm mẹ lúc các con rảnh nhé!”, tôi nhờ chuyển lời đến các con nhưng vẫn không nhận được bất kì hồi âm nào.

Tôi năm nay 65 tuổi, vào viện dưỡng lão được 5 năm. Nhiều người thắc mắc: “Tại sao mới 65 tuổi mà đã nhốt mình trong viện dưỡng lão rồi?”,“Con cái đâu mà để mẹ như vậy?”…. Không phải là tôi không tự chăm sóc được bản thân nhưng tôi không còn mục đích sống ở bên ngoài nữa. Vào trong này được các cô y tá chăm sóc, có hội bạn già, không lo đói khát vì thực sự các con cũng không cần tôi nữa. Tôi cảm thấy bản thân có lỗi với con cái rất nhiều, có lẽ suốt đời này chúng sẽ không thể nào tha thứ cho tôi.

Vợ chồng tôi đã có một cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Khi chúng tôi quen nhau, ba mẹ tôi không đồng ý vì anh ấy chỉ biết kiếm tiền, không quan tâm đến tôi. Nhưng tình yêu và sự hào nhoáng của anh ấy đã làm tôi mờ mắt, tôi kiên quyết nghe theo con tim mách bảo, cuối cùng gia đình cũng đã tác hợp cho chúng tôi.

Tôi sinh cho chồng 3 đứa con, cứ tưởng gia đình 5 người sẽ sống vui vẻ với nhau thế nhưng “hạnh phúc chẳng tày gang” dần dần chồng tôi bắt đầu lộ rõ bản chất của một người đàn ông vũ phu. Đúng như ba mẹ tôi dự đoán ngày trước, mặc dù kiếm được nhiều tiền nhưng anh chẳng quan tâm đến gia đình, thậm chí còn có bồ nhí bên ngoài. Khi có rượu vào người anh hay đánh mắng tôi. Tôi thực sự quá chán cuộc sống hôn nhân, mỗi lần vợ chồng cãi nhau, tôi rất sợ con có suy nghĩ lệch lạc. Tất cả là do tôi, do bản thân mình lựa chọn chứ không thể trách ai được.

Khi bản chất của chồng bộc lộ, tôi đã nghĩ đến việc ly hôn nhưng anh ấy nhất quyết không đồng ý. Có lẽ anh ấy cũng nhận ra được rằng tôi không đủ can đảm để ly hôn, tôi không muốn ba mẹ buồn, mọi người xung quanh dị nghị và đặc biệt là tôi muốn 3 đứa con của mình có đủ tình thương của cả bố lẫn mẹ.

Vì thế, dù có bị đánh đập hay mắng nhiếc thế nào đi chăng nữa, tôi cũng không có ý định rời đi mà toàn tâm toàn ý ở bên cạnh anh ấy để chăm sóc, lo lắng cho gia đình.

Cho đến khi tôi 52 tuổi, lúc này tôi quyết tâm ra đi vì không thể chịu đựng một người chồng lúc nào cũng cặp bồ bên ngoài như vậy nữa. Tôi nhanh chóng làm mọi thủ tục để được ly hôn với anh. Tôi quyết tâm dứt áo ra đi là vì hiện tại con cái đều đã trưởng thành, có gia đình riêng. Những đứa con của tôi cũng đã chứng kiến hết những gì mà chồng đối xử với tôi nên hết sức ủng hộ khi tôi đệ đơn ly hôn.

Sau khi ly hôn với chồng cũ và dọn ra ngoài sống, tôi như trở thành một con người khác. Tôi trẻ trung và yêu đời hơn, dành thời gian để đi làm đẹp, đi cà phê. Số tiền được chia sau khi ly hôn cộng với tiền lương hưu, tôi dành để đi du lịch, mua sắm những món đồ mình thích và dành một khoản để trả tiền thuê nhà.
Cứ tưởng giải quyết xong được người chồng vũ phu thì cuộc sống của tôi sẽ thoải mái hơn. Thế nhưng, xích mích gia đình lại tiếp diễn, lần này là với những đứa con của tôi. Thấy mẹ còn khỏe và lại rảnh rỗi, vợ chồng con trai đã nhờ tôi chăm sóc con mới sinh. Thế nhưng tôi đã thẳng thắn từ chối: “Con ai người đó chăm sóc, mẹ còn cuộc sống của mẹ, không thể phụ con chăm cháu cả ngày được”. Chính vì điều này mà con dâu đã giận tôi, không cho tôi gặp cháu cũng không quan tâm đến cuộc sống của tôi nữa.

Còn đứa con trai thứ hai, biết tôi đang giữ một số tiền kha khá sau khi ly hôn thì đã đánh tiếng hỏi mượn để mua nhà và một lần nữa, tôi lại từ chối: “Tiền mẹ không dư để cho các con mượn đâu mẹ còn bao nhiêu thứ phải chi, tự hai đứa xoay sở đi”.

Tiếp theo con gái tôi lại tiếp tục mượn tiền vì con rể bị ốm, không thể xoay được một khoản tiền lớn trong thời gian ngắn được. Thế nhưng tôi đã trả lời “Không” trong sự ngỡ ngàng của con gái. Tôi đã nói ra suy nghĩ của mình: “Con rể bị bệnh nặng thế kia, không biết có thể hồi phục lại đi làm kiếm tiền trả cho mẹ được không. Số tiền này dùng để dưỡng già, mẹ không thể đụng tới được”. Con gái nghe tôi nói vậy đã tỏ vẻ thất vọng và tuyên bố không coi tôi là mẹ nữa nhưng tôi vẫn giữ quan điểm của mình. Tiền tôi khó khăn lắm mới kiếm được, không thể cho mượn lung tung, phải để phòng thân, dưỡng già.

Tôi vẫn cảm thấy quyết định của mình là đúng đắn, sáng suốt cho đến khi tôi gặp tai nạn. Tôi được một người tốt bụng đưa vào bệnh viện, may mắn là tai qua nạn khỏi nhưng không giữ được 1 bên chân. Khi mở mắt dậy, không có ai bên mình tôi đã lập tức gọi cho các con nhưng không ai bắt máy. Tôi đành lòng phải thuê y tá chăm sóc trong những ngày tôi nằm viện. Tuy nhiên theo tôi tính toán thì giải pháp này sẽ không kéo dài được và cũng sẽ rất tốn kém.

Tôi có ý định dồn tiền của mình và xin thêm các con để vào viện dưỡng lão, an hưởng tuổi già. Tôi tập trung các con lại để mở một cuộc họp gia đình, tôi trình bày suy nghĩ của mình thế nhưng vừa nói ra đã bị các con từ chối, “Chúng con không đủ tiền để nuôi mẹ đến già đâu ạ”. Tôi quá bức xúc mắng cả con trai, con gái, con dâu, con rể thậm tệ lúc này con gái tôi mới lên tiếng “Tụi con đã từng nhờ mẹ, vay tiền mẹ nhưng lúc đó mẹ cũng từ chối thẳng thừng đấy thôi, mẹ ích kỷ lắm, chỉ biết đến bản thân mình, khi tụi con cần mẹ nhất mẹ đã từ chối”.

Câu nói của con gái khiến tôi khựng lại một lúc, tôi nhớ lại những gì mình đã làm với các con trước đây. Từ khi ly hôn, tôi chỉ biết sống cho bản thân mình, biết vậy nhưng tôi vẫn cố chấp: “Mẹ đã sinh ra các con, các con phải có nghĩa vụ chăm sóc mẹ khi về già”. Nói vậy thôi nhưng các con vẫn đồng ý góp lại được 5 triệu mỗi tháng để đưa tôi vào viện dưỡng lão.

Sau khi tôi vào viện dưỡng lão, các con tôi không bao giờ đến thăm tôi, chỉ đúng tháng chuyển tiền sinh hoạt để các y tá chăm sóc tôi mà thôi. Ban đầu tôi cứ nghĩ mình vào viện dưỡng lão cho khỏe thân, mặc dù được chăm sóc đầy đủ, có bạn già để nói chuyện nhưng tôi vẫn rất buồn, nơi này dường như không dành cho tôi. Ban đêm những người già chung phòng khó ngủ cứ đi loanh quanh khiến tôi sợ hãi, người thì ngáy, người thì nghiến răng khiến tôi mất ngủ hoặc chỉ ngủ chập chờn. Ngày qua ngày chỉ là những món ăn được lặp lại, không đúng khẩu vị của tôi, những chuỗi ngày chỉ quanh quẩn ăn ngủ, loanh quanh trong sân khiến tôi nhớ lại quãng thời gian được tung tăng đi cà phê, đi du lịch, gặp gỡ bạn bè bên ngoài. Tôi muốn thoát ra khỏi nơi này nhưng những cô y tá không cho phép tôi làm điều đó. Mong ước vào viện dưỡng lão cho khỏe thân giờ chẳng khác gì tù giam lỏng, mới ở 5 năm nhưng tôi tưởng tượng như 50 năm đã trôi qua.

 

Tôi muốn dọn về sống với các con, chăm các cháu nhưng không thể, những hành động của tôi trước đó đã khiến con thất vọng, giá như tôi đừng ích kỉ và chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Giá như tôi biết phụ con chăm cháu, cho con mượn tiền để xoay sở thì cuộc sống đã không phải khổ sở như thế này, biết đâu tôi được sống trong vòng tay của con cháu rồi.

“Mẹ không biết khi nào chuỗi ngày này mới kết thúc, và cũng không biết các con có tha thứ cho mẹ không, hãy đến thăm mẹ lúc các con rảnh nhé!”, tôi nhờ chuyển lời đến các con nhưng vẫn không nhận được bất kì hồi âm nào.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/co-62-tuoi-song-trong-vien-duong-lao-con-chau-chua-tung-den-tham-d151756.html
X