Vợ chồng tôi đều là công nhân, công việc bấp bênh vì phụ thuộc vào lượng hàng sản xuất. Lương tháng chẳng đáng là bao, chỉ đủ để trang trải cuộc sống tằn tiện. Hai năm trước, chồng tôi nhận được lời đề nghị từ công ty: đi làm xa nhà với mức lương cao, mọi chi phí ăn ở do công ty lo. Điều kiện là anh phải ở lại nơi làm việc liên tục 5 năm.
Thời điểm ấy, tôi vừa sinh con trai đầu lòng, anh phân vân không nỡ rời gia đình. Nhưng tôi đã động viên anh:
– Nếu anh đã quyết tâm thì cứ đi vì tương lai của cả nhà mình. Em ở nhà sẽ lo chu toàn cho bố mẹ và con. Tiền anh gửi về, mình tiết kiệm để sau này lo cho con ăn học, mình cũng đỡ vất vả hơn.
Sau khi con trai tròn một tuổi, chồng tôi khăn gói lên đường. Từ đó, tháng nào anh cũng gửi đều đặn 30-40 triệu đồng về nhà. Nhờ tiền chồng, tôi lo đầy đủ thuốc thang, quần áo cho bố mẹ chồng, chi tiêu cho gia đình, và dành dụm được một khoản trong ngân hàng.
Dù xa cách, chúng tôi luôn giữ liên lạc. Tối nào vợ chồng cũng gọi video cho nhau. Anh kể cuộc sống nơi công tác buồn tẻ, xung quanh chỉ toàn cây cối, chim chóc, không bạn bè thân thiết, cũng chẳng có chỗ để đi chơi hay tiêu tiền. Tôi luôn động viên anh:
– Cố gắng lên anh, vài năm nữa mình có tiền xây nhà mới, mọi thứ sẽ tốt hơn thôi.
Tuần trước, chồng cả tuần không gọi về một cuộc. Tôi gọi anh cũng không thấy nghe máy khiến cả gia đình ruột gan nóng như lửa đốt. Nơi anh làm việc nằm sâu trong khu vực hẻo lánh, cách xa trung tâm thành phố, nếu anh có đau ốm thì sẽ khó xoay xở. Tôi tâm sự với bố mẹ chồng, họ bảo tôi nên đi thăm anh một chuyến, ông bà còn hứa sẽ giúp tôi trông con trai. Nghe vậy, tôi chuẩn bị ít đồ ăn ngon và bắt xe đi ngay trong đêm.
Sau một chuyến xe dài, tôi đến nơi lúc 6h sáng. Đường đi từ bến xe vào khu vực chồng ở khá xa và khó đi, phải đi thêm một đoạn bằng xe ôm. Nhìn quanh, tôi hiểu ngay nỗi cô đơn của chồng. Khu này vắng vẻ, thưa thớt nhà cửa, chỉ toàn cây xanh bao phủ. Đường đến trung tâm thành phố cách xa hơn 30km.
Khi vào nhà, tôi thấy chồng nằm co ro trên chiếc giường nhỏ, người nóng hầm hập vì sốt cao. Căn nhà chật hẹp, chỉ có một phòng ngủ, một phòng khách nhỏ, nhà bếp và nhà vệ sinh. Nhưng khắp nơi, anh treo đầy ảnh gia đình – ảnh của tôi và con trai.
Nhìn chồng mà tôi không cầm được nước mắt. Thấy tôi, anh lơ mơ hỏi:
– Có phải anh đang mơ không?
Tôi vội chạy ra đầu ngõ mua thuốc rồi vào bếp nấu cháo. Đến trưa, anh mới tỉnh táo hơn một chút. Anh ôm tôi, giọng nghẹn lại:
– Thấy em ở đây anh ngỡ mình đang mơ hay đang bị ảo giác. Ở đây, lương cao thật, nhưng cô đơn lắm em ạ. Đồng nghiệp ít, ai cũng làm đến tối mịt mới về, chẳng ai để ý nhau. Nhiều khi anh nhớ vợ con quay quắt mà không biết phải làm sao. Nếu không nghĩ đến em và con, chắc anh đã bỏ cuộc rồi.
Nghe chồng tâm sự, lòng tôi đau nhói. Tôi trách mình không hiểu hết những gì anh đã trải qua. Tôi ở lại chăm sóc chồng đến khi anh khỏe hẳn. Những ngày sau, tôi dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, động viên anh ăn uống để mau hồi phục. Anh đỡ bệnh dần, không còn tiều tụy như khi tôi mới đến.
Trong khoảng thời gian đó, chúng tôi trò chuyện nhiều hơn. Chồng tôi thừa nhận áp lực công việc và nỗi cô đơn nơi đây khiến anh đôi lúc muốn bỏ cuộc. Nhưng vì gia đình, anh cố gắng chịu đựng. Tôi hiểu rằng, nếu để anh ở đây một mình thêm vài năm nữa, nỗi cô đơn và khổ cực có thể khiến anh suy sụp.
Tôi ngỏ ý với chồng rằng sau khi anh khỏe hẳn, hai vợ chồng sẽ cùng tìm cách xin chuyển về gần nhà, dù phải đền bù hợp đồng. Sức khỏe và tinh thần của anh đối với tôi và cả gia đình lúc nào cũng quan trọng hơn tiền bạc.