Sau khi lập gia đình, bố mẹ tôi đã tặng cho tôi một mảnh đất và hỗ trợ 2 tỷ đồng để xây nhà riêng. Tuy nhiên, điều kiện đi kèm là tôi phải nhận trách nhiệm chăm sóc anh trai tôi suốt đời.
Anh trai tôi bị khuyết tật ở hai chân và phải sử dụng xe lăn. Hàng tháng, bố mẹ sẽ đưa thêm 2 triệu đồng để hỗ trợ chi phí thuốc men và sinh hoạt cho anh. Sau khi bàn bạc với chồng, vợ chồng tôi đã đồng ý với điều kiện này. Tôi chỉ có một người anh trai, và vì tình trạng khuyết tật, anh không thể lập gia đình. Là em gái tôi không thể bỏ rơi anh ruột của mình.
Gia đình chồng tôi biết chuyện chúng tôi xây nhà riêng nhưng không phản đối mà còn ủng hộ. Gia đình chồng đông anh em, có đến bốn người con và chồng tôi là con út nên không phải nhận trách nhiệm chăm sóc cha mẹ. Vợ chồng tôi cũng không nhận bất kỳ phần tài sản hay đất đai nào từ phía nhà chồng.
Mọi chuyện diễn ra bình thường cho đến tháng 9 vừa rồi, khi bố chồng tôi về hưu. Ông kiên quyết đòi đến sống cùng chúng tôi. Ông nói rằng mình có 600 triệu đồng, sẽ chia đôi: mẹ chồng 300 triệu, ông 300 triệu. Ông mang số tiền đó đến nhà tôi và yêu cầu chúng tôi chăm sóc ông đến khi qua đời. Dù không hài lòng nhưng vì thương chồng, tôi vẫn đồng ý để ông đến sống cùng.
Vợ chồng tôi nhường cho bố chồng căn phòng trên lầu, vì dưới tầng trệt đã có phòng của vợ chồng tôi, phòng của con gái nhỏ 3 tuổi và phòng của anh trai tôi. Con gái tôi còn nhỏ, tôi không dám để con ở trên lầu vì sợ con té cầu thang. Anh trai tôi bị tật nguyền nên không thể lên xuống cầu thang. Nhưng bố chồng không chịu. Ông cho rằng chúng tôi không thương ông, để ông già đau nhức xương khớp phải leo cầu thang mỗi ngày. Cuối cùng, vợ chồng tôi đành chuyển lên lầu, nhường căn phòng rộng và đẹp nhất cho ông.
Từ khi chuyển đến, bố chồng thường xuyên đụng mặt anh trai tôi. Dù anh trai tôi tật nguyền nhưng vẫn cố gắng giúp tôi những việc nhỏ nhặt như rửa chén, bỏ quần áo vào máy giặt hay lau chùi bàn ghế. Anh còn làm việc online cho một công ty kế toán, kiếm được 4 – 5 triệu đồng mỗi tháng.
Tuy vậy, bố chồng tôi không hề tôn trọng anh trai tôi mà còn tỏ ra ghét bỏ. Khi anh rửa chén, ông luôn kiểm tra xem chén có sạch không, thậm chí ngửi để xem có mùi xà phòng. Khi anh bận việc không kịp ra ăn cơm, ông lại bóng gió rằng anh lười biếng, chỉ biết ăn với ngủ. Trong mắt ông, anh trai tôi là người vô dụng, ăn bám vợ chồng con trai ông.
Không dừng lại ở đó, bố chồng còn nhiều lần gọi điện cho họ hàng ở quê, bóng gió rằng nhà bị mất tiền. Họ hàng đều biết bố chồng sống với chúng tôi và nhà có anh trai tôi bị tật nguyền, không có khả năng lao động. Những lời nói của ông chẳng khác nào ám chỉ anh tôi là kẻ ăn cắp. Tôi tức giận cãi lại để bảo vệ anh trai thì bị ông quát mắng. Chồng tôi khuyên nhịn vì tính khí ông khó chịu, đến mức các chị dâu không sống nổi nên ông mới đến ở với chúng tôi.
Cách đây vài ngày, bố chồng tự ý vào phòng anh trai tôi và làm rơi vỡ hai chiếc tách mà anh rất trân trọng. Hai chiếc tách này được anh làm trong chuyến du lịch vài năm trước, có in hình gia đình tôi và khi ghép lại sẽ thành một bức ảnh đầy đủ các thành viên. Anh rất quý, luôn đặt chúng trên bàn làm việc.
Thấy tách bị vỡ, anh tôi không kiềm chế được, lớn tiếng quát bố chồng. Ông cũng không chịu nhường mà mắng lại anh. Cuộc cãi vã trở nên gay gắt, cả hai bên đều tuôn ra mọi bức xúc. Đỉnh điểm, bố chồng lớn tiếng đuổi anh tôi ra khỏi nhà, nói rằng đây là nhà của vợ chồng tôi đứng tên, anh không có quyền gì cả.
Tôi đứng giữa, chỉ biết khóc vì thương anh và giận bố chồng. Chồng tôi tức giận, yêu cầu bố thu dọn đồ đạc, mang tiền về quê sống với các anh chị, đừng gây rối cho gia đình chúng tôi nữa.
Bố chồng lầm lì bỏ vào phòng, trách chồng tôi nhu nhược, bênh vợ mà không bênh bố. Suốt mấy ngày nay, ông chỉ ra ngoài vào giờ cơm, còn lại đóng cửa trong phòng. Tôi thật sự rối bời, không biết phải làm sao để giải quyết mọi chuyện.