4 đứa trẻ đều bị cha bỏ rơi, mọi hi vọng của chúng đều đổ dồn lên vai người mẹ. Nhưng rồi, người thì gặp tai nạn phải ngồi xe lăn, người thì mãi mãi ra đi vì đại dịch Covid-19.
Đó là hoàn cảnh đẫm nước mắt của gia đình cô Trần Thị Tách (62 tuổi), ngụ ấp thôn Rôn, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh khi 4 đứa cháu ngoại lần lượt rơi vào cảnh mồ côi, không cha không mẹ.
2 người con gái lần lượt gặp tai nạn đau thương
Nguyễn Thị Hiền (37 tuổi) và Nguyễn Thị Kiều Phương (30 tuổi) là 2 người con gái của cô Tách cùng chồng. Trớ trêu thay, cả hai đều trải qua cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, lần lượt đều bị người chồng không lời mà từ biệt, bỏ đi khi đã có với nhau 2 đứa con nhỏ.
Nguyễn Minh Huy (14 tuổi), Nguyễn Trung Tính (13 tuổi) là 2 đứa con trai của chị Hiền. Trong khi đó, Nguyễn Huỳnh Gia Quý (11 tuổi) và Nguyễn Thị Huyền Trân (6 tuổi) là con của chị Phương. Tất cả 4 đứa trẻ đều lớn lên trong tình thương của 2 người mẹ, thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc của người cha.
Tưởng rằng sau hạnh phúc tan vỡ, 2 người mẹ chính là chỗ dựa vững chắc cho tụi nhỏ. Nào ngờ 5 năm về trước, trong lúc chị Phương đi làm xa quê thì gặp tai nạn, dù giữ được mạng sống nhưng một nửa cơ thể đã bị liệt, chỉ có thể ngồi trên chiếc xe lăn để cầm cự sự sống.
Đưa đôi tay quệt nước mắt, cô Tách nghẹn ngào nhìn lên bàn thờ đứa con gái lớn, bật khóc: “Từ khi con Phương gặp chuyện, cả gia đình dựa hết vào nó, mấy năm qua nó làm lụng, lo cho cha mẹ, cho em, cho con cháu… mà giờ nó lại bỏ đi như vậy”.
Tháng 7/2021, sau khi nhiễm Covid-19, chị Hiền đã không thể vượt qua được cơn đại dịch. Ngày chị Hiền mất ở Sài Gòn, cả gia đình cô Tách như chết lặng, đau đớn tột cùng. Sau một tháng chờ đợi, tro cốt của chị Hiền đã về với gia đình.
“Lúc nó đi làm, nó nói nó sẽ về với con, với cha mẹ, mà nó hứa rồi có về nữa đâu. 4 đứa nhỏ vẫn còn ở đây, con cháu còn đây mà nó đi thật rồi”, cô Tách bật khóc.
Theo cô Tách, sau khi chị Hiền mất, cuộc sống của gia đình rơi vào bế tắc khi mọi gánh nặng đổ dồn lên đôi vai gầy yếu của vợ chồng cô. Với 100 tờ vé số bán được mỗi ngày cộng với tiền công đi mần mướn của chú Đạt, để có tiền xoay xở, nuôi 4 đứa cháu ngoại cùng người con gái tật nguyền, cô Tách cùng tụi nhỏ phải đi giăng lưới bắt cá, ốc và hái ớt thuê cho nhà vườn.
“Số cô không biết sao khổ như vậy, có 2 đứa con gái thì đứa chết, đứa tật nguyền ngồi một chỗ. Giờ hai vợ chồng già với 4 đứa cháu ăn học, cô không biết tính sao nữa. Chú thì đi mần mướn, ai kêu gì làm nấy mà có khi 2-3 ngày không có gì làm. Cũng may ở ấp, xã họ có cho gạo từ thiện thì cô xin, sống lay lắt chứ biết sao giờ”, cô Tách trải lòng.
Ngày không còn mẹ…
Thắp nén hương lên bàn thờ, Huy – Tính lặng lẽ nhìn về tấm di ảnh của mẹ. Đã 8 tháng trôi qua, 2 đứa trẻ sống trong sự thiếu vắng hình bóng của người mẹ hiền.
Năm 3 tuổi, 2 đứa trẻ đã không còn cha, một mình chị Hiền gồng gánh nuôi 2 con thơ dại. So với bạn bè cùng trang lứa, tụi nhỏ chẳng có một tổ ấm trọn vẹn, nhưng bù lại, tình yêu thương của chị Hiền đủ lớn để giúp Huy – Tính lớn lên. Nhưng rồi đùng một cái, chị Hiền mất, một lần nữa tụi nhỏ thành trẻ mồ côi…
“Con không nghĩ mẹ con mất đâu, lúc trước mẹ đi làm chừng vài tháng mẹ về một lần. Con cứ nghĩ mẹ đi rồi mẹ sẽ về, nhưng mà mẹ không về nữa…”, Huy thỏ thẻ.
Ngày biết tin mẹ mất từ ngoại, 2 đứa trẻ như người mất hồn, chỉ biết co ro một góc trong nhà rồi khóc. Huy cũng trở nên lầm lì, ít nói hơn.
Đưa đôi tay quệt nước mắt, Tính nghẹn lời: “Con không có cha, giờ mẹ cũng bỏ con đi rồi, con nhớ mẹ nhiều lắm. Con chỉ biết nhìn lên hình mẹ trên bàn thờ thôi”.
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng cả Huy – Tính đều học rất giỏi, sau giờ học tại trường, 2 đứa trẻ giúp ngoại rửa chén, nấu cơm, chiều thì đi bán vé số, lặt ớt phụ ngoại với giá 1.500 đồng/ký.
Nhìn 2 đứa cháu ngoại đứng trước bàn thờ mẹ, cô Tách không cầm được nước mắt. Cô cũng chẳng biết những ngày tháng sắp tới, gia đình cô sẽ sống ra sao khi hàng ngày phải chạy vạy cho từng bữa. Lỡ mà hai vợ chồng cô ngã xuống, tụi nhỏ sẽ ra sao…
“Phải chi con Phương nó không khuyết tật, chị nó chết đi còn nó lo được cho tụi nhỏ. Giờ nó chỉ ngồi một chỗ, ăn uống cô cũng phải lo, khổ lắm con ơi…”, cô Tách nghẹn lời.
Ngồi trên chiếc xe lăn, chị Phương (30 tuổi) siết chặt đôi bàn tay, hướng mắt về phía cô Tách, xúc động. Kể từ khi gặp tai nạn lao động, 3 mẹ con chị Phương đều sống nương nhờ vào tình thương của mẹ và chị ruột.
Sự ra đi đột ngột của chị Hiền khiến cho chị Phương rơi vào trầm cảm, dù đã nhiều tháng trôi qua nhưng chị vẫn không thể nào tin được chị Hiền đã mãi mãi ra đi.
“Từ lúc chị Hiền mất nhà khó khăn nhiều lắm, trước đây kinh tế gia đình đều do chị Hiền lo, giờ cha mẹ già phải đi làm thuê lo cho cả nhà, em buồn lắm. Nhiều lúc em chỉ muốn chết đi để không phải là gánh nặng cho cha mẹ nữa, em giờ tật nguyền như vầy, có phụ giúp gì được cho cha mẹ đâu”, chị Phương nhìn xuống đôi chân tê cứng, nghẹn lời.
Theo chị Phương, vì không có tiền đi tái khám, từ ngang bụng trở xuống chân của chị, hoàn toàn mất cảm giác. Riêng bàn chân phải bị côn trùng cắn, sưng to làm mủ, chị cũng chẳng hề đau rát.
Nhìn bàn chân lở loét của mẹ, Gia Quý (11 tuổi, con trai chị Hiền) buồn bã nói: “Con thương mẹ con lắm, mẹ không đi được, con cũng sợ một ngày mẹ bỏ con mà đi như dì Hiền”.
Trong căn nhà trống, 4 đứa trẻ, 2 vợ chồng già cùng người con gái tật nguyền chỉ biết lặng lẽ nhìn nhau. Sau tất cả biến cố mà gia đình đã trải qua, điều mà vợ chồng cô Tách lo lắng nhất chính là tương lai của 4 đứa cháu ngoại bất hạnh. Tụi nhỏ đã không còn cha, đứa thì mẹ mất, đứa thì mẹ tật nguyền, chẳng biết những ngày sắp tới, chúng sẽ sống ra sao.
“Còn việc mua thuốc men, đưa con Phương đi chữa bệnh, cô không dám nghĩ tới. Giờ chỉ cần có cơm ăn ngày ba bữa là được rồi…”, cô Tách nói.