Nếu con bạn luôn trì hoãn, lề mề, chậm chạp trong mọi việc thì bạn sẽ giải quyết thế nào?
Trì hoãn, lề mề là một “căn bệnh” mà nhiều trẻ mắc phải, đặc biệt là đối với học sinh ở lứa tuổi cấp 1, cấp 2. Cha mẹ luôn phải thúc giục thì trẻ mới hoàn thành công việc. Điều này khiến cả cha mẹ lẫn con cái đều cảm thấy không vui vẻ, thoải mái.
Vậy làm thế nào có thể khiến con tự giác, nhanh chóng hoàn thành việc học tập cũng như các việc khác. Hãy tham khảo ngay cách huấn luyện con của ông bố trẻ ở Trung Quốc trong câu chuyện dưới đây.
Một đoạn clip thu hút hơn 8,5 triệu lượt xem ghi lại cảnh sinh hoạt của 2 ông bố con. Trong khi ông bố đã dắt xe ra ngoài, đợi để đưa con gái đi học thì cô bé vẫn lững thững bước đi, tác phong chậm chạp. Hay một cảnh khác là cô bé ăn sáng một cách uể oải, không có chút năng lượng nào. Dù bố đã đứng bên cạnh và để một chiếc đồng hồ lớn trên bàn, ngầm thông báo rằng sắp muộn giờ học. Nhưng có vẻ cô bé không quan tâm, vẫn chậm rãi xúc từng thìa cơm.
Cô bé luôn trong trạng thái uể oải, mệt mỏi mỗi sáng.
Ông bố ngao ngán nhìn con làm mọi việc một cách chậm chạp.
Trước những động thái của con, ông bố rất bình tĩnh, không thúc giục hay tức giận, la mắng. Đến đây, nhiều người xem clip tỏ ra sốt ruột, không hiểu làm thế nào để con thực hiện thao tác nhanh mà không cần quát mắng?
Đến sáng hôm sau, ông bố bắt chước những hành động lề mề của con gái mình. Người bố ngồi vào bàn ăn, gắp từng hạt cơm nhỏ, thái độ dửng dưng. Cô con gái liên tục nhìn đồng hồ rồi lại giục bố ăn nhanh nhưng người bố tỏ ra không quan tâm. Đến lúc này, cô bé rơm rớm nước mắt vì sợ muộn học, bị cô giáo phê bình trước lớp.
Cộng đồng mạng hết lời khen ngợi cách dạy con của ông bố trẻ vì không cần nói nhiều, quát mắng hay thúc giục mà khiến con thay đổi. Nhiều người gọi đây là biện pháp “gậy ông đập lưng ông”. Có lẽ ngày hôm đó, cô bé sẽ đi học muộn nhưng đây chính là một bài học nhớ đời, giúp lần sau không dám chậm chạp, lề mề nữa.
Không phải quát mắng mà con gái lập tức trở nên hết bệnh trì hoãn.
6 cách giúp con thoát khỏi căn bệnh trì hoãn
1. Chỉ cho con thấy hậu quả của lề mề, trì hoãn
Khi thấy con có những dấu hiệu của bệnh lề mề, phụ huynh hãy chỉ cho con thấy một vài hậu quả gặp phải như: Bài tập không hoàn thành, trễ giờ học, bị cô phê bình,… Nhưng không nên chỉ trích hay nói quá nhiều, cứ để con nhận vài hậu quả để tự thấy xấu hổ, thất vọng. Có như vậy, con mới nhận ra tác hại và nhanh chóng khắc phục.
2. Giúp con quản lý thời gian hiệu quả
Cách tốt nhất giúp con thoát khỏi căn bệnh lề mề, trì hoãn là làm chủ được quỹ thời gian của mình. Các bậc cha mẹ cần cùng con xây dựng một thời gian biểu hợp lý, cân đối giữa việc học tập và giải trí. Hãy chú ý ưu tiên việc học nhưng vẫn đảm bảo cho con có thời gian thư giãn vào cuối ngày.
Vào dịp cuối tuần, cha mẹ nên gác lại công việc, dành thời gian cùng con tham gia một vài hoạt động bên ngoài như: Đi nhà sách, đi công viên,… Như vậy, con sẽ được thư giãn và ý thức được việc quản lý quỹ thời gian hiệu quả. Hơn thế, khi có thời gian biểu chi tiết, con sẽ tự giác và chủ động trong các kế hoạch, mục tiêu đặt ra. Từ đó, hình thành thói quen tích cực trong cuộc sống.
3. Bắt đầu những việc con cảm thấy hứng thú
Các bậc cha mẹ nên quan tâm đến những việc mà con thật sự yêu thích và bắt đầu khuyến khích con tập trung vào những việc đó. Điều này giúp tạo cho con sự hứng thú, thoải mái, giúp giải quyết mọi việc nhanh chóng và hiệu quả. Đồng thời, tạo cho con thói quen làm việc tích cực để hoàn thành tốt ngay cả những công việc không mấy hứng thú.
4. Nhắc nhở khéo léo
Khi con chưa hoàn toàn tự giác, các bậc phụ huynh có thể giúp con bằng việc đưa ra những lời khuyên, lời nhắc nhở nhẹ nhàng, tinh tế. Thay vì nói rằng: “Con phải làm cái này, cái kia đi” thì phụ huynh nên nới với con: “Đến giờ con nên làm việc này rồi đấy!”. Hoặc có thể dùng những câu nói đùa vui để nhắc nhở con ghi nhớ công việc của mình.
5. Lập kế hoạch giải quyết những khó khăn tồn đọng
Đối với những việc con cảm thấy khó khăn, chán nản và không muốn làm nữa, trước tiên các phụ huynh nên cho con biết rằng con phải có trách nhiệm hoàn thành. Tiếp theo, phụ huynh nên cùng con sắp xếp và phân bổ công việc để thực hiện. Hãy liệt kê ra những vướng mắc rồi tìm phương pháp giải quyết. Cuối cùng, các bậc cha mẹ nên động viên, khích lệ con bắt tay vào làm từng bước, cố gắng hoàn thành tốt công việc.
6. Tiến hành khen thưởng khi con hoàn thành tốt
Tầm nhìn của mỗi đứa trẻ chưa được rộng lớn, chưa đủ khả năng để nhìn mọi việc một cách sâu rộng mà chỉ quan tâm đến những gì nhìn thấy trước mắt. Vì vậy, khi con làm tốt những việc nhỏ, phụ huynh nên ghi nhận và đưa ra lời khen ngợi để tạo động lực cho con tiếp tục làm tốt công việc của mình. Khi dành cho con sự động viên, khuyến khích, con sẽ thấy sự cố gắng của mình là xứng đáng và nỗ lực nhiều hơn.