Vượt qua mặc cảm
Theo báo Dân trí, “ngày tôi quyết định gắn bó với cha con ông Đức, có nhiều lời bàn ra tán vào. Mọi người bảo đã ở cái tuổi 30 rồi thì ở vậy nuôi thân cho sướng, việc gì phải cực khổ mà nuôi con người khác, biết chúng nó có yêu thương mình không…”, bà Hoa bắt đầu câu chuyện hơn 15 năm làm mẹ kế của mình.
Là một người phụ nữ chưa chồng, bà Phan Thị Hoa vẫn quyết định gắn bó với người đàn ông đã có 8 con riêng.
Năm 2000, vợ ông Trần Văn Đức (SN 1955, trú xóm 5, xã Thanh Mai, Thanh Chương, Nghệ An) đột ngột qua đời sau một cơn tai biến mạch máu não khi đứa con thứ 8 là Trần Văn Đạt mới được 2 tháng tuổi.
Vợ qua đời, các con còn thơ dại, ông Đức một mình với cảnh “gà trống nuôi con”. Cuộc sống khó khăn, dù ông đã cố gắng hết mình nhưng những đứa con vẫn không có đến một bữa no. Ông muốn tìm một người phụ nữ về để chia sẻ gánh nặng với mình.
Nhưng liệu ai có thể chấp nhận “đèo bòng” 8 đứa con riêng của ông? liệu người ta có yêu thương con mình không hay lại ghẻ lạnh làm cho con khổ hơn… Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra trong đầu ông Đức…
Để chăm lo cho 8 con riêng của chồng và một người con chung, bà Hoa đã tần tảo không ngại khó khăn.
Chuyện gì đến sẽ đến, năm 2006, được người khác mai mối cho ông gặp bà Phan Thị Hoa (SN 1970, xã Thanh Thủy, Thanh Chương). Bà Hoa kém duyên nên muộn chồng, tính ở vậy suốt đời nhưng sau khi tìm hiểu, bà thấy thương người đàn ông thật thà, hiền lành nên đồng ý kết hôn.
Người mẹ kế toàn tâm lo cho 8 con riêng của chồng
“Trâu quá xá, mạ quá thì…”, ai cũng nghĩ như thế, có lẽ tôi kém duyên không có ai thương yêu nên mới quyết định đến với ông Đức. Gia đình, người thân đều khuyên nhưng tôi đã gạt qua tất cả, lấy ông Đức làm chồng”, bà Hoa chia sẻ.
Ngày cưới là một ngày đặc biệt đối với đời người. Trong ngày trọng đại thường phải sắm quần áo đẹp hay chuẩn bị mâm cao cỗ đầy nhưng những thứ đó thật xa xỉ với bà Hoa. Bà chỉ mong có một đám cưới bình thường, hai bên họ hàng được vui vẻ nhưng trời vẫn không chiều lòng người.
Trong 8 người con riêng của chồng thì con trai thứ 7 đã qua đời còn cô con gái đầu bị tật bẩm sinh.
“Hôm ấy, gia đình tôi đã chuẩn bị chỉ chờ bên nội sang rước dâu. 10h rồi đến 11, 12h… mắt tôi đỏ hoe chờ ông ấy sang xin dâu thế nhưng chờ mãi vẫn không thấy bóng dáng ông ấy đâu. Trong đầu tôi chợt nghĩ, chắc duyên số lại không đến được với nhau. Đang bâng quơ thì nhận được tin báo nhà ông Đức có tang nên ông ấy phải vào Hà Tĩnh để lo việc. Đến 1h chiều, ông Đức mới vội vã đến nhà gái xin dâu về…”, bà Hoa nhớ lại.
“Mấy đời bánh đúc có xương…”
Bà Hoa kể, lúc đầu về nhà chồng thấy hình ảnh 8 đứa trẻ gầy gò, rách rưới mà thương. Mồ côi mẹ từ năm 2 tuổi, bà hiểu sự thiếu thốn tình cảm của các con chồng: “Nỗi khổ của phận mồ côi tôi đã thấm rồi, phận mình đành vậy nhưng 8 đứa trẻ có tội gì”.
Sau khi sinh được người con trai riêng, bà Hoa quyết định đình sản để toàn tâm chăm lo cho các con.
Ngay sau ngày cưới là những tháng ngày quần quật làm việc của người mẹ kế để cùng chồng nuôi các con ăn học. Thương cảnh nghèo khó, túng quẫn, người nhà ông Đức cho hai vợ chồng mượn một mảnh đất ở nông trường chè Thanh Mai để có kế sinh nhai.
“Ngày tôi về đây, một cây rau trong vườn cũng không có. Nhà 10 miệng ăn, gạo không, rau không… tôi phải chạy sang hàng xóm vay ăn từng bữa để các con không phải nhịn đói”, bà Hoa kể.
Không chỉ lo cho các con, bà Hoa luôn trọn vẹn với người chồng nơi chín suối.
Để lo ngày 3 bữa cơm cho các con, bà Hoa cùng chồng “giật gấu vá vai”, cuốc đất, nhặt cỏ, chăm chút nương chè để cải thiện kinh tế, kiếm thêm thu nhập. Nhưng khó khăn luôn chồng chất, trong 8 người con riêng của ông Đức thì cô chị gái đầu Trần Thị Mỹ (SN 1979) bị câm điếc bẩm sinh, cậu em Trần Văn Thắng (SN 1997), bị bệnh ung thư xương.
Bà Hoa vay mượn tiền bạc đưa con ra Hà Nội với hi vọng “còn nước còn tát”. Nhìn con gầy gò, đau đớn vì những lần hóa trị, bà thức suốt đêm, xoa tay chân, lau từng giọt mồ hôi cho con. Nhìn cách bà Hoa chăm sóc, không ai nghĩ giữa hai người không có quan hệ máu mủ ruột rà.
“Nó là đứa tình cảm lắm, khi mẹ mất Thắng mới 3 tuổi, giờ lại mắc cái bệnh quái ác này. Nhiều đêm con đau tôi cảm thấy mình bất lực, khi đó chỉ ước mình có thể gánh nỗi đau để con được khỏe mạnh…”, bà Hoa cúi đầu, hai hàng nước mắt lăn dài trên đôi gò má gầy gò.
Những tình cảm của bà Hoa cũng được các con riêng của chồng thấu hiểu. Thời gian qua đi, các con riêng của chồng ngày một hiểu và trân trọng người mẹ kế của mình hơn.
“Ban đầu các cháu cũng không mấy thiện cảm nhưng tôi hiểu, các cháu sợ cái cảnh mẹ kế hay nói nặng hơn là “Dì ghẻ”. Cũng tủi thân nhưng tôi không dám trách, chỉ biết cố gắng hết sức để các cháu thấu hiểu thôi”, bà Hoa trải lòng.
“Ở hiền gặp lành”, năm 2007, bà Hoa hạ sinh bé Trần Quang Huy, là con chung của hai vợ chồng. Đứa bé vừa lọt lòng, bà Hoa nhờ các bác sĩ thắt ống dẫn trứng cho mình. Biết sản phụ mới sinh lần đầu nên các bác sĩ hết sức ngạc nhiên nhưng rồi khi nghe tâm sự của người mẹ kế, các bác sĩ đồng ý làm theo nguyện vọng của bà.
“Được chăm sóc đứa con mình đứt ruột đẻ ra ai mà không vui nhưng tôi sợ cái cảnh con chung, con riêng, sợ các con chồng phải chạnh lòng buồn tủi, sợ sinh thêm nữa thì không thể cáng đáng chăm sóc cho tất cả các con”, bà Hoa tâm sự.
Trong 8 người con riêng của chồng thì hiện nay có 5 chị em gái đã “yên bề gia thất”. Cô con gái đầu Trần Thị Mỹ bị câm điếc bẩm sinh hiện đang ở cùng bà Hoa. Còn em Trần Văn Đạt (SN 2000, con trai thứ 8) đã học hết lớp 12 và đang ở nhà để phụ giúp mẹ công việc đồng áng.
Không phải là máu mủ ruột rà nhưng với những người con riêng của ông Đức, mẹ Hoa là một người mẹ tuyệt vời.
Từ chỗ chỉ có một túp lều tranh, gia đình bà Hoa đã làm được căn nhà khang trang. Dù còn khó khăn, nhưng với những nỗ lực cuộc sống cũng được coi là tạm ổn và tràn ngập tình yêu thương.
Sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư xương, năm 2017, con trai thứ 7 của chồng là Trần Văn Thắng qua đời. Hai năm sau, ông Đức cũng bỏ lại bà Hoa và các con ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác. Chứng kiến, cảnh chồng con ra đi mãi mãi, trái tim của bà một lần nữa lại bị tổn thương.
Hiện 4 mẹ con bà Hoa đang phát triển kinh tế với 5 sào chè và mấy sào ruộng. Cuộc sống của gia đình không sang giàu nhưng so với ngày bà bước chân về đây mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn.
Nói về người mẹ kế, em Trần Văn Đạt tâm sự: “Khi mẹ Hoa về, em mới được 6 tuổi nhưng mẹ đã lo cho em và các chị rất tận tụy. Nay em đã học hết cấp ba, các chị đã đi lấy chồng nhưng công dưỡng dục của mẹ thì em không bao giờ quên”.
Câu chuyện cảm động về người phụ nữ hơn 15 năm nuôi 8 con riêng của chồng – 7
Tuyệt vời – là hai từ mà những người dân địa phương luôn dành cho bà Hoa.
“Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời Dì ghẻ mà thương con chồng” – câu ca dao ấy dường như “đặt sai chỗ” khi nói về mẹ Hoa.
Chị em chúng tôi từ sợ, giữ khoảng cách… nhưng chính sự tận tâm, chu toàn, không nề hà của mẹ dần khiến chúng tôi hiểu hơn. Rồi khi lấy chồng, sinh con, tôi càng hiểu hơn nỗi lòng, sự hi sinh và yêu thương vô điều kiện mà mẹ Hoa dành cho chúng tôi”, chị Trần Thị Thịnh (SN 1988, con gái riêng thứ 5), nói về người mẹ kế mà mình rất mực kính trọng.
Nhắc đến trường hợp bà Hoa, ông Hà Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương mở đầu bằng hai từ “tuyệt vời”. Đó là hai từ không chỉ ông mà những người dân địa phương luôn dành cho bà Hoa.
“Hiếm có người phụ nữ nào được như bà ấy. Thương chồng, yêu con, tần tảo sớm hôm, lo cho các con riêng của chồng. Giờ đây ông Đức đã mất nhưng bà ấy vẫn một mình chăm lo cho cả gia đình”, ông Hà Quang Thắng nhận xét.