20 năm gà trống nuôi con, cuối cùng bố đã được “tái hôn” với mẹ rồi.

Sinh nhật em út chính là ngày giỗ của mẹ tôi. Tôi biết đây là một điều cực kỳ ám ảnh đối với nó. Tôi còn nhớ như in ngày đưa mẹ vào áo quan, ngoài tiếng khóc thương của mọi người, trong thâm tâm tôi còn nghe được tiếng khóc đòi mẹ của đứa

Sinh nhật em út chính là ngày giỗ của mẹ tôi. Tôi biết đây là một điều cực kỳ ám ảnh đối với nó. Tôi còn nhớ như in ngày đưa mẹ vào áo quan, ngoài tiếng khóc thương của mọi người, trong thâm tâm tôi còn nghe được tiếng khóc đòi mẹ của đứa em út.

Từ ngày mẹ đi, Bố tôi vừa làm bố vừa làm mẹ cho 3 chị em tôi. Nhà toàn con gái nên bố tôi thật sự đã cố gắng 1000 phần trăm sức lực. Để các con không tủi thân, không thua kém bạn bè bố đã làm đủ nghề để nuôi 3 chị em tôi ăn học.

Ảnh minh họa internet

Bố từng là thợ xây, thợ gạch rồi làm cả nghề bốc vác thuê… Công việc vất vả nhưng chưa một vụ mùa nào bố bỏ ruộng không cày cấy. Công việc đầu tắt mặt tối, chạy vạy khắp nơi nhưng bố chưa bao giờ để 3 chị em phải ở nhà một mình vào buổi tối.

Bố luôn cố gắng về nhà sớm nhất có thể để còn cơm nước rồi cho 2 đứa em tắm rửa, ăn uống, học bài, đi ngủ.

Sau này, khi lớn hơn, tôi đã phụ được bố việc cơm nước, chăm 2 em tắm rửa rồi trông nó khi bố không ở nhà. Bố chỉ thực sự có đỡ khi đứa út đi mẫu giáo. Bố không phải chạy đi chạy lại giữa chỗ làm và nhà để chăm các con nữa.

Năm tôi học hết lớp 9, tôi xin bố cho tôi nghỉ học đi làm thuê phụ bố nuôi các em. Lần đầu tiên, tôi bị bố mắng vì suy nghĩ nông cạn. Tôi còn nhớ rất rõ, bố mắng tôi nhưng mắt bố đỏ hoe, hai hàng lệ chảy dài.

Hai đứa em còn quá nhỏ chưa hiểu chuyện thấy bố và chị khóc cũng thút thít khóc theo.

Bố bảo:

“Nếu thương bố, muốn giúp các em, tôi phải học thật gỏi. Sau này phụ bố kiếm tiền cũng chưa muộn”.

Thời gian cứ thế trôi, dù điều kiện gia đình không bằng ai nhưng trộm vía 3 chị em tôi đều có tiếng học giỏi trong vùng. Đi đâu bố tôi cũng rất tự hào khi nói về ba đứa con ngoan ngoãn, học giỏi.

Hồi đó nhiều bác trong làng con trêu bố:

“Tôi đặt cọc một suất làm thông gia nhé”

Giờ tôi và đưa thứ 2 đều đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi, bằng xuất sắc. Cả 2 cũng đã đều có gia đình. Bố tôi đã lên chức ông ngoại.

Ngày giỗ mẹ, sau bữa cơm, cả nhà đang trêu cô út, bao giờ lấy chồng để bố còn thách cưới. Con bé út dõng dạc tuyên bố:

“Em sẽ bắt về cho bố một chàng rể. Chứ không theo chồng như các chị đâu nhá”

Bố tôi lúc này nói chêm vào:

“Thôi bọn mày đi hết đi, để tao còn làm tập 2 chứ”

Lúc sau giọng bố trùng xuống:

“Chắc bố tái hôn sớm thôi – Tái hôn với bà ấy – Mẹ của mấy đứa, bà ấy chắc đợi bố lâu rồi”

Linh cảm được điều gì chẳng lành. Tôi hỏi bằng được:

“Sao bố lại nói thê? Bố có gì giấu bọn con à?”

Bố tôi đặt đứa lớn nhà tôi xuống, nó chạy tót ra sân chơi. Lúc này bố mở tủ, lấy cho chị em tôi xem kết quả khám bệnh tuần trước của bố.

Bố bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Ba chị em chả ai bảo ai lao vào ôm bố khóc nức nở. Sau hôm đó, bệnh tình của bố tiến triển nặng bất thường. Ba chị em đưa bố lên viên K, điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Ba chị em thay nhau chăm bố khi nằm viện.

Bố lạc quan lắm, bố rất hay kể chuyện vui rồi trêu đùa ba đứa mỗi lần đông đủ vào thăm bố. Thấy con gái khóc, ông làm cái vẻ mặt trách móc:

“ Ơ mấy đứa này, Bố sắp được gặp mẹ bọn mày. Bọn mày không mừng cho bố mà lại còn khóc? Bọn mày có đôi thì cũng phải để ông bà già này có đôi chứ?”

Vài tuần sau… bố tôi mất. Ông ra đi nhẹ nhàng với cơn hôn mê sâu. Bố ơi! vậy là bố lại được “tái hôn” rồi nhé. Mà cô dâu lại chính là mẹ của chúng con.
Ngàn lần nhớ thương bố!

Ảnh minh họa internet

Đinh Hậu

Chia sẻ bài viết:
X