Có những bài toán Tiểu học chỉ cần áp dụng công thức là ra đáp án. Nhưng cũng có nhiều câu hỏi khiến chúng ta tìm hoài mà không ra kết quả, vậy điều gì “sai sai” ở đây? Bài toán Tiểu học đang gây xôn xao MXH dưới đây là ví dụ.
Đề bài như sau: “Có 365 kg gạo đổ đều vào 7 bao. Hỏi cần có mấy bao để đựng hết số gạo đó?”. Thoạt đọc qua đề bài, ai cũng nghĩ bài toán Tiểu học này có cách làm vô cùng đơn giản, chỉ cần áp dụng một phép toán là ra.
Thực tế, bài toán này không hề dễ giải đến vậy. Nhiều thầy cô, phụ huynh và học sinh bày tỏ họ không thể giải được đề bài này. Cụ thể hơn, trước đề bài này, cư dân mạng đang chia làm 2 phe:
Phe thứ nhất nhận định đề bài hoàn toàn sai và không thể tìm ra đáp án. Bởi lẽ, ban đầu bài toán cho dữ kiện 365 kg gạo cần đổ đều vào 7 bao. Tuy nhiên, lúc sau bài toán lại hỏi cần bao nhiêu bao… để đựng hết số gạo đó. Họ nhận định, đề bài vừa cho câu hỏi lại vừa cho đáp án mất rồi.
Đọc đề bài này, nhiều netizen không chỉ phì cười vì sự vô lý và thiếu cẩn trọng của người ra đề, mà còn bày tỏ sự thương cảm với… em học sinh nào lỡ gặp phải bài toán. Một số bình luận của cư dân mạng trước bài toán “gây choáng”:
– Bài này sai đề rồi. Khổ thân em nào gặp phải bài toán này.
– Cả nhà cả cửa có 7 cái bao mà lại hỏi cần có mấy bao để đựng hết số gạo đó.
– Đọc là biết ngay sai đề. Hy vọng các thầy cô có thể cẩn trọng hơn.
Ở diễn biến ngược lại, một bộ phận netizen nhận định đề bài đã đúng. Bởi dữ kiện bài toán chỉ yêu cầu có 365kg gạo đổ đều vào 7 bao. Tuy nhiên, đề bài không yêu cầu chỉ dùng đúng 7 bao để đựng hết số gạo này. Nếu suy luận theo hướng này, bài toán được giải như sau:
Ta có: 365 = 52 x 7 + 1. Do đó, với 365 kg gạo ban đầu, ta đựng đều gạo trong 7 bao, mỗi bao chứa 52kg gạo. Sau đó, ta lấy thêm 1 bao để đựng 1kg gạo dư.
Vậy số bao gạo được dùng để đựng hết 365kg gạo là: 7 + 1 = 8 (bao).
Dẫu hiện tại, bài toán vẫn gây tranh cãi trên MXH, song nhận định chung là người ra đề cần cung cấp đầy đủ thông tin. Vậy nên bài toán này chỉ tham khảo cho vui thôi, đồng thời giáo viên có thể tham khảo chúng để ra đề với số liệu, dữ kiện cụ thể, tránh khiến người đọc hoang mang như bài toán trên nhé.