Từ ngày thuê bác Phượng làm giúp việc, tôi cảm nhận rõ ràng bác không chỉ tận tâm mà còn dành nhiều tình cảm cho gia đình tôi. Bác sống chân thật, hết lòng lo lắng cho bọn trẻ, chu toàn mọi việc trong nhà, khiến tôi vô cùng quý mến. Đã năm năm trôi qua, tôi dần xem bác như người thân ruột thịt. Mỗi khi tâm sự, biết bác sống một mình, không chồng con, tôi càng thương bác hơn.
Không chỉ tôi mà cả các con cũng rất yêu quý bác Phượng. Nhưng trái ngược với mẹ con tôi, chồng tôi dường như không mấy hài lòng. Anh luôn muốn đổi người giúp việc dù bác đã gắn bó với gia đình suốt bao năm mà không hề có lỗi gì lớn, chỉ thỉnh thoảng mắc vài sai sót vặt vãnh khó tránh. Thậm chí, anh còn nhiều lần nổi nóng với bác, khiến tôi áy náy vô cùng.
Thế nhưng, bác Phượng là người bao dung, rộng lượng. Dù bị quở trách, bác chưa bao giờ để bụng, ngược lại còn tìm cách dỗ dành, xoa dịu chồng tôi, bảo tôi đừng giận anh ấy. Càng như vậy, tôi lại càng thương bác hơn và không hiểu nổi vì sao chồng tôi lại cư xử lạnh lùng với bác đến thế.
Một sáng nọ, tôi tỉnh dậy nhưng không thấy bác Phượng lục đục trong bếp như mọi ngày. Cảm giác có điều gì đó không ổn, tôi đi tìm khắp nhà nhưng không thấy bác đâu. Sau đó, tôi nhận được một tin nhắn ngắn gọn:
“Bác về quê rồi, sẽ không quay lại làm việc nữa. Cháu và các bé giữ gìn sức khỏe nhé.”
Tôi sững sờ, ngỡ ngàng. Suốt những năm qua, tôi chưa từng có ý định cho bác nghỉ việc. Thậm chí, tôi còn nhiều lần nói với bác rằng dù các con đã lớn, nhà tôi vẫn cần bác giúp đỡ. Hơn nữa, bác luôn yêu thương gia đình tôi, vậy mà đột nhiên bác lại quyết định rời đi không một lời từ biệt. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nếu bác báo trước, tôi đã có thể chuẩn bị một món quà nhỏ để cảm ơn bác vì những năm tháng đã vất vả vì gia đình tôi.
Nỗi hụt hẫng đeo bám suốt cả ngày. Đến chiều, tôi vào phòng bác để dọn dẹp thì bất ngờ phát hiện một túi vải cũ kỹ giấu dưới gối. Khi mở ra, tôi sững sờ thấy bên trong là 30 cây vàng và một lá thư viết tay. Những dòng chữ trên đó khiến tôi chết lặng:
“Hãy tha thứ cho mẹ nhé, con trai. Mẹ đã sai và mẹ đang cố gắng làm tất cả để bù đắp. Mẹ rất vui khi thấy con có một gia đình hạnh phúc nhưng mẹ hiểu mình không thuộc về nơi này, con chưa bao giờ chấp nhận mẹ.
Có lẽ, mẹ không nên tiếp tục ở lại để khiến con khó xử nữa. Số vàng này là điều cuối cùng mẹ có thể làm cho con, cho cháu nội, mong con hãy nhận lấy…”
Tay tôi run rẩy, nước mắt rơi xuống lá thư. Hóa ra, bác Phượng chính là mẹ ruột của chồng tôi. Tôi ôm túi vàng và lá thư tìm chồng. Khi đưa cho anh xem, anh sững người, hồi lâu không nói được gì. Một lúc sau, anh mới gật đầu thừa nhận.
Trước khi cưới tôi, mẹ chồng đã tìm đến khi anh đưa tôi về ra mắt gia đình. Nhưng lúc đó, anh không chấp nhận. Anh từ chối bà một cách dứt khoát, thậm chí không muốn nghe bà giải thích.
Sau khi bị con trai cự tuyệt, bà vẫn không bỏ cuộc. Khi biết tôi sinh con đầu lòng, bà nhờ người quen ở quê giới thiệu vào làm giúp việc trong nhà tôi. Bà chấp nhận giấu thân phận, chỉ mong được ở bên con và cháu, tìm cách bù đắp những lỗi lầm trong quá khứ.
Tôi nhìn chồng, giọng trách móc:
“Sao anh không nói với em sớm?”
Anh im lặng một hồi lâu rồi đáp khẽ:
“Anh không muốn nhắc lại chuyện bị mẹ bỏ rơi khi còn nhỏ.”
Tôi nghẹn ngào:
“Nhưng dù sao đó vẫn là mẹ ruột của anh. Sao anh có thể để bà làm giúp việc trong nhà suốt bao năm mà em lại không hề hay biết?”
Chồng tôi không trả lời, anh bỏ ra ngoài. Tôi biết, trong lòng anh lúc này cũng đầy rẫy những tổn thương và giằng xé không biết làm như thế nào cho phải. Tận sâu trong tâm can có lẽ chồng tôi vẫn không thể tha thứ được cho mẹ ruột nhưng chính anh cũng bị tổn thương vì trong suốt thời gian bà sống cùng chúng tôi anh đã không thể đối xử tốt với bà.
Sau hôm đó, khi đã bình tĩnh trở lại, chồng tôi vẫn một mực đòi trả lại số vàng. Tôi chỉ thấy thương mẹ chồng, muốn chồng hiểu cho bà một chút, vì sao thì bà cũng đã lớn tuổi rồi. Tôi không biết trước kia đã xảy ra chuyện gì nhưng suốt quãng thời gian dài sống cùng nhà tôi cảm nhận rõ tình yêu thương bà dành cho con cháu. Tôi muốn được danh chính ngôn thuận nhận bà là mẹ chồng. Tôi phải làm sao?