Áp lực khi bố mẹ ở quê liên tục gọi điện đòi gửi tiền. Nghỉ lễ, em cũng chẳng dám về nhà

Nhìn các bạn cùng trang lứa sống thảnh thơi, làm việc, kiếm tiền rồi đi du lịch còn em tối ngày chỉ lo làm và làm…để đủ tiền gửi về cho bố mẹ ở quê và trang trải cuộc sống trên thành phố.

Chào cô bác anh chị, em là Hồng, năm nay 25 tuổi đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Em là dân tỉnh lẻ, sinh ra ở thôn nhỏ của tỉnh Thái Bình. Em là con thứ trong gia đình, trên còn có một anh trai hơn 6 tuổi đã lấy vợ và hai con.

Trước kia do anh trai em mải chơi nên không chú tâm vào việc học, học hết cấp 3 anh xoay sở đủ nghề phụ hồ, hàn xì, bốc vác…Mãi đến khi anh lấy vợ mới bắt đầu tu chí làm ăn, và theo nghề lái xe tải thì công việc mới dần ổn định. Thế nhưng cũng chỉ đủ ăn đủ tiêu thôi, chẳng dư dả được đồng nào vì chị dâu em không đi làm, chỉ ở nhà trông cháu.

Còn em lại khác, em là đứa hoạt bát và lanh lợi. Từ nhỏ, thành tích học tập đều đứng toàn trường. Chính vì thế, em dễ dàng đậu vào trường đại học như mong muốn.

Thật ra, em thừa hiểu hoàn cảnh gia đình. Bố thì đi phụ hồ còn mẹ ở nhà đồng áng nên việc nuôi em ăn học cũng cố lắm rồi. Bởi lẽ đó, ngay từ năm hai đại học em đã xin đi làm gia sư. Nhờ vậy mà bố mẹ không phải lo tiền chi phí sinh hoạt, chỉ lo mỗi khoản tiền học cho em thôi.

Nhận thức được hoàn cảnh gia đình, nên sau khi tốt nghiệp em lao đầu đi làm. Mức lương khởi điểm là 8 triệu, rồi dần dà 10 triệu cho đến hiện tại là 17 triệu. Thú thật, lương em không phải quá cao nhưng cũng thuộc dạng ổn định so với mặt bằng chung. Thế nhưng, từ ngày ra trường đến giờ em không tiết kiệm nổi một đồng cũng bởi lẽ gia đình thường xuyên giục gửi tiền về.

Ngay từ những ngày đầu đi làm, em đã gửi về biếu bố mẹ 2 triệu, rồi dần dần lên 3 triệu, 4 triệu…cho đến hiện tại là 5 triệu mỗi tháng.

Vào mỗi dịp lễ Tết, đám giỗ hay những việc phát sinh khác như mua sắm đồ dùng gia đình, sửa sang nhà cửa…, em cũng đều thu xếp để gửi cho bố mẹ dăm bảy triệu.

Ngay như Tết nguyên đán vừa rồi, em cũng biếu bố mẹ chục triệu ăn Tết. Mà đợt đó công ty thưởng muộn, em phải đi vay bạn bè để gửi cho bố mẹ sắm sửa cho kịp.

Số tiền còn lại đủ để em lo chi trả chi phí sinh hoạt, dù không dư dả là bao nhưng em cân đối tài chính hợp lý nên cũng chẳng phải đi vay mượn bạn bè.

Thế nhưng đôi lúc em cũng thấy buồn tủi lắm. Nhìn các bạn cùng trang lứa sống thoải mái, tiền kiếm ra đầu tư vào bản thân và du lịch khiến em chạnh lòng. Đã 3 năm từ ngày ra trường, em đi du lịch được đúng 2 lần. Nói là đi du lịch cho oai chứ thật ra đi phượt lên Tam Đảo và Ba Vì với hội bạn và chi phí chưa đến 1 triệu đồng.

Còn tiền lương ngoài việc gửi về nhà thì xe máy, máy tính, điện thoại…đang dùng cũng là do em sắm sửa hết, bố mẹ chẳng hỗ trợ một đồng. Cũng phải thôi, vì từ ngày em đi làm là bố cũng bỏ công việc phụ hồ do tuổi cao sức yếu. Vả lại, bố mẹ lại chẳng có lương hưu nên chỉ trông ngóng vào mấy con gà và rau cỏ trong vườn, còn đâu là nhờ cậy con cái hết.

Việc lo được cho gia đình ban đầu em cảm thấy vui mừng lắm. Nhưng dần dà, em cảm thấy áp lực vì phải gửi tiền cho bố mẹ. Những cuộc điện thoại hỏi thăm con gái thưa dần, mà thay vào đó là hỏi con có tiền không cho bố mẹ đi đám cưới, bố mẹ chuẩn bị sửa cái bếp, Tết đến nơi rồi mà chưa thấy tiền tiêu…

Mỗi lần về nhà, không khí gia đình ngột ngạt vô cùng khi mẹ em liên tục than vãn là không có tiền tiêu. Rồi anh cả em thì cũng chẳng khá khẩm gì nên ông bà còn phải lo ngược lại cho vợ chồng anh.

Khi mẹ nói ý như vậy, em lại phải gói ghém cho bà đôi ba triệu để chi tiêu. Em cảm nhận rằng, em như là cây ATM trong nhà vì cứ cần tiền thì ông bà mới hỏi han tới em.

Thật sự nhiều lần em muốn nói với bố mẹ rằng: “em cũng muốn khám phá đó đây, muốn được trải nghiệm những điều mới mẻ chứ không phải chỉ quanh quẩn đi làm rồi về phòng trọ. Vả lại, em cũng muốn tích lũy để sau này còn có đồng ra đồng vào lo cho gia đình và con cái”.

Chứ cứ như hiện tại, tiền lương kiếm được đều hết nhẵn khiến em chán nản vô cùng. Mà chưa kể đến, mỗi lần bố mẹ gọi điện hay em về nhà đều nói khéo “tiền, tiền, tiền” khiến em mệt mỏi vô cùng.

Thế nhưng, em lại chẳng dám ho he lấy một lời vì muốn giữ trọn chữ “hiếu”.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/ap-luc-khi-bo-me-o-que-lien-tuc-goi-dien-doi-gui-tien-nghi-le-em-cung-chang-dam-ve-nha-d158080.html
X