Thế nào là ung thư buồng trứng?
Chị em mắc phải ung thư buồng trứng khi các tế bào ung thư sản sinh tại buồng trứng. Chúng không ngừng lây lan ra những vùng xung quanh như vòi trứng, tử cung, bàng quang,…
Những phụ nữ trên 50 tuổi trải qua thời kỳ mãn kinh có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng so với những lứa tuổi khác. Viện Ung thư quốc gia Việt Nam cho biết: có hơn 1500 phụ nữ được phát hiện mắc bệnh và hơn 1000 người tử vong vì ung thư buồng trứng vào năm 2022, biến nó trở thành căn bệnh gây tử vong xếp thứ 5 do ung thư.
Khoa học ngày nay vẫn chưa nghiên cứu ra nguyên nhân chính xác gây bệnh ung thư buồng trứng. Có một số yếu tố được xác định khiến phái nữ tăng nguy cơ mắc bệnh như:
Cân nặng vượt quá tiêu chuẩn.
Phụ nữ đang trải qua thời kỳ mãn kinh.
Tiền sử có người cùng huyết thống mắc bệnh này.
Chưa từng quan hệ và mang thai trong đời.
Mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2, hoặc mắc hội chứng Lynch.
Mắc lạc nội mạc tử cung.
Nguyên nhân gây ung thư buồng trứng
PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng, Trưởng khoa Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa bệnh và các yếu tố nguy cơ sau: (3)
Tiền sử gia đình: Những người có quan hệ huyết thống bậc 1 như mẹ, chị em gái ruột mắc các căn bệnh ung thư vú, buồng trứng hoặc đại trực tràng cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng từ 2 – 4 lần.
Tiền sử bệnh lý ở bệnh nhân: Bệnh nhân có tiền sử mắc ung thư vú, ung thư đại trực tràng cũng sẽ có nguy cơ bị ung thư buồng trứng.
Độ tuổi: Căn bệnh này thường gặp ở phụ nữ trên 50 tuổi, tăng cao ở những người trên 60 tuổi.
Phụ nữ đã qua thời kỳ mãn kinh và sinh đẻ ít: Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ đã từng mang thai và sinh con thì nguy cơ thấp hơn nhiều so với phụ nữ chưa từng sinh con, đặc biệt, sinh càng nhiều con thì nguy cơ mắc bệnh càng thấp.
Sử dụng các loại thuốc kích thích phóng noãn: Việc này có thể làm tăng nhẹ nguy cơ mắc bệnh.
Sử dụng bột Talcum: Đây là một khoáng chất tạo nên từ các thành phần magie, silic và oxy. Khoáng chất này có nhiều trong mỹ phẩm, đặc biệt là phấn rôm nhằm giữ cho da khô thoáng, ngăn ngừa tình trạng phát ban. Tuy nhiên, nếu cơ quan sinh dục ở phụ nữ tiếp xúc nhiều với loại khoáng chất này có nguy cơ hình thành các khối u trong buồng trứng.
Điều trị hormone thay thế: Việc điều trị hormone thay thế ở phụ nữ sau mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Biểu hiện mắc bệnh ung thư buồng trứng
Rối loạn kinh nguyệt
Kinh nguyệt có đều đặn hay không phụ thuộc vào sự điều tiết của trục nội tiết vùng dưới đồi. Mỗi phụ nữ sẽ có độ dài ngắn của chu kỳ và lượng kinh nguyệt khác nhau. Chị em có thể dựa vào lượng kinh bình thường và nhận thấy các dấu hiệu bất thường của một vài chu kỳ gần nhất như: lượng kinh ít bất thường, nhiều bất thường, chu kỳ kinh kéo dài, một tháng có kinh nguyệt nhiều lần,… Đây là những dấu hiệu cảnh báo ung thư chị em cần đặc biệt quan tâm.
Dịch tiết âm đạo khác thường
Khi mắc bệnh, cơ thể sẽ tiết nhiều khí hư, đôi khi có lẫn máu và dịch nhầy. Một số phụ nữ đã mãn kinh đột ngột xuất hiện triệu chứng chảy máu bất thường, rong kinh có thể nghĩ ngay đến dấu hiệu ung thư buồng trứng.
Ngược lại, những khối u ở buồng trứng cũng có thể khiến giảm dịch tiết âm đạo, khi quan hệ không đủ dịch bôi trơn làm chị em đau rát.
Rối loạn tiêu hóa
Phụ nữ bị ung thư buồng trứng có thể trải qua các triệu chứng như cảm giác đầy bụng, đầy hơi, táo bón kéo dài, và thậm chí buồn nôn khi bụng đói. Nguyên nhân là do khối u gây áp lực lên hệ tiêu hóa. Khi gặp những triệu chứng này, việc khám sức khỏe sớm là rất quan trọng để xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp.
Đau nhói vùng chậu
Khác với cơn đau chu kỳ kinh nguyệt thông thường, tế bào ung thư buồng trứng có thể gây ra những cơn đau kéo dài ở vùng xương chậu, thường trở nên tồi tệ hơn khi quan hệ tình dục. Những cơn đau có thể xảy ra ở vùng bụng dưới, phía bên trái hoặc bên phải, hoặc ở cả hai bên. Chúng xuất hiện riêng lẻ cách xa những ngày hành kinh.
Chán ăn, mệt mỏi
Sự chán ăn, cảm giác no nhanh chóng và tình trạng mệt mỏi bất thường, đặc biệt là khi làm việc nhiều, có thể là biểu hiện của ung thư buồng trứng. Đây là những dấu hiệu quan trọng cần phải được lưu ý và kiểm tra kịp thời.
Chướng bụng, đầy hơi
Đầy hơi, ợ nóng, chướng bụng có thể là triệu chứng của ung thư buồng trứng do sự tích tụ dịch bên trong bụng.
Người bệnh có thể gặp tình trạng đầy bụng, chậm tiêu, sôi bụng. Triệu chứng ngày càng nghiêm trọng ở giai đoạn muộn do tình trạng di căn tế bào ung thư đến các tạng khác trong ổ bụng như gan, lách, thận.
Vòng bụng to bất thường
Nếu bụng bạn trở nên to bất thường mà không phải do thai kỳ, giống như đang ở tháng thứ 4-5 của thai kỳ, có thể bạn đang gặp phải ung thư buồng trứng. Ung thư có thể đã phát triển lớn, nhưng cũng có khả năng là u nang buồng trứng lành tính.
Ung thư buồng trứng tạo nên những khối u ở buồng trứng và các khu vực xung quanh, làm tăng kích thước bụng
Rối loạn tiêu hoá
Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, chán ăn, thay đổi vị giác có thể là dấu hiệu ban đầu của ung thư buồng trứng do tình trạng tăng nhu động và co bóp ruột. Người biểu hiện bệnh lâu ngày sẽ dẫn đến suy nhược, mệt mỏi và gầy sút cân.
Ở giai đoạn muộn, khối u to đè ép vào vùng trực tràng gây tình trạng táo bón. Đôi khi, đây cũng có thể do tế bào đã di căn sang đại tràng.
Ngoài ra, tình trạng sụt cân đột ngột mà không liên quan đến sự thay đổi chế độ ăn uống hay tập luyện. Người bệnh có thể biểu hiện sụt cân và teo cơ không kiểm soát.
Đi tiểu thường xuyên
Các khối u buồng trứng phát triển kích thước gây tăng áp lực và chèn ép vào bàng quang và đám rối thần kinh. Người bệnh có cảm giác muốn đi tiểu liên tục, mót tiểu ngay sau khi đi vệ sinh xong.
Ngoài ra, do đi tiểu thường xuyên, bàng quang luôn chứa nước tiểu khiến bạn dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu với biểu hiện tiểu buốt, tiểu lắt nhắt, co thắt bàng quang.
Các giai đoạn ung thư buồng trứng
Việc phân chia các giai đoạn ung thư buồng trứng được thực hiện dựa trên nhiều yếu tố. Một nghiên cứu của Liên đoàn Phụ khoa & Sản khoa Quốc tế và Ủy ban Hỗn hợp về Ung thư tại Hoa Kỳ đã công bố 3 yếu tố cần thiết để xác định giai đoạn ung thư là:
Kích thước của khối u: Việc đánh giá kích thước khối u là rất quan trọng, bên cạnh đó đánh giá khối u đã lan rộng ra ngoài buồng trứng và ống dẫn trứng hay chưa.
Hạch bạch huyết: Đánh giá hạch vùng đã có di căn của các tế bào ung thư hay chưa.
Di căn: Kiểm tra các khối u đã di căn đến các cơ quan bộ phận khác trong cơ thể như gan, phổi, xương… hay chưa.
Ung thư buồng trứng gồm 4 giai đoạn chính
Giai đoạn 1
Ở giai đoạn 1, khối u có mặt ở một hoặc cả hai buồng trứng, ống dẫn trứng, chưa lan đến các hạch bạch huyết và các khu trú khác trong cơ thể. Tuy nhiên, một số ít trường hợp có thể bắt gặp khối u phát triển ở bề mặt buồng trứng, hoặc các tế bào ung thư bong ra và xuất hiện ở dịch ổ bụng và vùng chậu.
Ung thư buồng trứng giai đoạn 1 có 3 giai đoạn phụ, gồm:
1a: Khối u hiện diện ở một ống buồng trứng hoặc vòi trứng, có vỏ bọc nguyên vẹn.
1b: Khối u hiện diện ở cả hai buồng trứng hoặc ống dẫn trứng.
1c: Khối u hiện diện ở một hoặc cả hai buồng trứng, ống dẫn trứng và có một trong 3 hiện tượng sau: Các mô xung quanh khối u đã vỡ trong quá trình phẫu thuật; Khối u ở bề mặt buồng trứng, vòi trứng; Các tế bào ung thư hiện diện ở dịch ổ bụng hoặc vùng chậu.
Giai đoạn 2
Bước sang giai đoạn 2, ung thư buồng trứng đã bắt đầu lan sang các cơ quan khác ở vùng chậu như bàng quang, tử cung, đại trực tràng, chưa lan đến các hạch bạch huyết và khu vực ngoài vùng chậu.
Ung thư buồng trứng giai đoạn 2 có 2 giai đoạn phụ, gồm:
2a: Khối u lan đến tử cung hoặc ống dẫn trứng, không lan đến hạch bạch huyết và các vị trí xa hơn.
2b: Khối u lan đến các cơ quan vùng chậu như bàng quang hoặc trực tràng, không lan đến hạch bạch huyết và các vị trí xa hơn.
Giai đoạn 3
Ở giai đoạn 3, ung thư đã hiện diện ở một hoặc cả hai buồng trứng, ống dẫn trứng hoặc phúc mạc, có di căn phúc mạc ngoài tiểu khung và/hoặc di căn hạch sau phúc mạc.
Ung thư buồng trứng giai đoạn 3 có 4 giai đoạn phụ, gồm:
3a1: Ung thư đã lan ra ngoài khung chậu, đến các hạch bạch huyết xung quanh phúc mạc, không lan ra các vị trí xa hơn.
3a2: Ung thư đã lan ra các cơ quan gần xương chậu, và các tế bào ung thư đã hiện diện trong phúc mạc bụng.
3b: Tương tự như giai đoạn 3a1 nhưng các khối u trong phúc mạc đã có thể thấy bằng mắt thường, kích thước nhỏ hơn 2cm.
3c: Tương tự như giai đoạn 3a1 nhưng các tế bào ung thư trong phúc mạc lớn hơn 2cm.
Giai đoạn 4
Khi đến giai đoạn 4, các tế bào ung thư đã hiện hiện ở dịch xung quanh phổi, gan, xương, lá lách, ruột và các hạch bạch huyết xa hơn.
Ung thư buồng trứng giai đoạn 4 có 2 giai đoạn phụ, gồm:
4a: Ung thư hiện diện trong dịch màng phổi, chưa lan đến các cơ quan khác ngoài bụng.
4b: Ung thư lan đến gan, xương, ruột, lá lách và các hạch bạch huyết xa hơn.
Ung thư buồng trứng có nguy hiểm không?
Giống như đại đa số các bệnh lý khác, ung thư buồng trứng nếu được phát hiện sớm, can thiệp điều trị ngay từ giai đoạn 1 thì cơ hội bệnh nhân sống trên 5 năm kể từ lúc phát hiện bệnh lên đến 95%. Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn hơn, tỷ lệ sống trên 5 năm này sẽ càng thấp hơn, cụ thể là: Ở giai đoạn 2, tỷ lệ sống trên 5 năm còn khoảng 70%; Giai đoạn 3 là 39%; Ở giai đoạn 4, khối u đã di căn nên tiên lượng điều trị khó, tỷ lệ sống trên 5 năm rất thấp.
Mặc dù tỷ lệ sống trên 5 năm này sẽ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, độ tuổi mắc bệnh, tiền sử bệnh tật, khả năng đáp ứng điều trị… nhưng việc phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn càng sớm thì mang lại hiệu quả và cơ hội sống càng cao. Do đó, khuyến cáo chị em không được chủ quan, lơ là các triệu chứng bất thường mà cơ thể gặp phải. Cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý.